Theo dân nhà nghề đi săn “kình ngư”

31-03-2012 7:19 AM | Xã hội

“Câu cá bông lau mà cũng có nghiệp tổ?”, tôi hỏi anh Hồ Văn Trương - người chính gốc cù lao Tân Lộc (thuộc huyện Thốt Nốt, Cần Thơ) - tay “sát cá” có tiếng ở vùng này.

“Câu cá bông lau mà cũng có nghiệp tổ?”, tôi hỏi anh Hồ Văn Trương - người chính gốc cù lao Tân Lộc (thuộc huyện Thốt Nốt, Cần Thơ) - tay “sát cá” có tiếng ở vùng này. Anh trả lời: “Nghe các cụ nói, nghiệp tổ của nghề câu cá bông lau là “Ông Cậu” thì biết vậy, chớ tui chả biết cụ thể là ai. Nhưng vẫn thờ cho thỏa nỗi niềm của cái nghề lênh đênh sông nước luôn mong tránh được những tai họa bất thường đến từ thiên, địa, quỷ, thần. Mà anh hỏi để làm gì? Hay muốn đi với tôi một chuyến cho biết?”. Vậy là đêm sau, tôi có mặt ở nhà anh Trương để làm một chuyến câu đêm…

Ðặc ân của thiên nhiên

Gọi là câu đêm, nhưng phải đúng 2 giờ sáng, chiếc tắc ráng cỡ nhỏ của anh Trương mới bắt đầu tách bến, ròng theo sau một chiếc xuồng nhỏ cùng người “bạn câu” trẻ tuổi. Chạy một cách khoan thai, độ gần 30 giờ sau, chúng tôi đã đến một ngã ba sông nằm gần phía cuối của xứ cù lao “ghé tới bờ cồn thấy mía lao xao” (lời một bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên viết về cù lao Tân Lộc).
 
 Anh Trương cầm lái tắc ráng trở về nhà sau một đêm câu thắng lợi.
Sau khi đã yên vị, anh Trương lấy từ mé tắc ráng ra chiếc cần câu, móc vào lưỡi độ 4 con gián và ném xuống mặt nước, xong đốt thuốc ngồi chờ. Trong bóng đêm lấp loáng, mặt sông Hậu càng thấy rộng mênh mông. Những luồng gió nhè nhẹ thổi mang theo hơi nước phả vào mặt mang lại cho tôi cảm giác khoan khoái khó tả. “Cá bông lau chỉ ở theo vùng nước lợ. Độ sau Tết Nguyên đán đến giữa tháng 3 âm lịch, nó mới bắt đầu vô sông.
 
Loài này có đặc điểm rất kỳ lạ là thường kéo nhau thành bầy đi kiếm ăn vào thời điểm nước rong (ngày rằm hằng tháng và các ngày cuối tháng âm lịch), nhất là khi ban sáng, nước đứng dòng” - Anh Trương rít một hơi thuốc dài rồi nói tiếp - “Vì vậy, dân nhà nghề câu cá bông lau chuyên nghiệp phải “theo cá”. Có lúc phải đi đến tận Chợ Mới (An Giang), Lai Vung (Đồng Tháp), hay cù lao Mây bên Vĩnh Long... Tôi hỏi: “Anh làm nghề câu đã lâu lắm?”. Anh Trương cười: “Có đến gần bốn chục năm rồi. Năm nay tui 54, làm nghề từ lúc “choai choai” 14, 15. Ba đời nhà tôi sống ở cù lao Tân Lộc đều làm nghề câu cá bông lau”.
 
Theo anh Trương, cá bông lau có kích cỡ khá lớn nên được người dân ở đồng bằng sông Cửu Long mệnh danh là “kình ngư”. Chúng có rất nhiều đặc điểm bí ẩn, ngay cả những lão ngư kỳ cựu cũng không giải thích rõ ràng được. Người thì nói cá bông lau xuất phát từ cuối nguồn sông Hậu thuộc các vùng Ninh Thới, Cầu Kè, Trà Vinh, trở ngược dòng lên cù lao Tân Lộc rồi “định cư” ở Vàm Nao (An Giang). Tuy nhiên, có người lại vạch rõ “căn cơ” rằng con cá lạ lùng này xuất thân từ Biển Hồ (Campuchia).
 
Có lẽ đúng vậy vì rất nhiều người khẳng định họ vớt được trứng cá bông lau lẫn trong trứng cá tra trôi từ Biển Hồ xuống hạ lưu sông Hậu. Phải chăng cá bông lau trôi xuống vùng nước lợ nơi gần cửa biển nở thành con, lớn lên rồi theo “quán tính” trở về nguồn? Cho đến nay, vẫn chưa ai “dám” khẳng định chắc chắn điều này. Chỉ biết rằng, xưa, nghề đánh bắt cá bông lau là nghề “cha truyền con nối” và ngư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long luôn coi cá bông lau là đặc ân của thiên nhiên. Trước mỗi chuyến đi câu, ngư dân phải làm lễ cúng Ông Cậu để công việc làm ăn được “xuôi chèo mát mái”…

Nghề công phu…

Chiếc phao bằng kim loại rỗng gắn chất phát sáng như ánh lân tinh trên mặt nước bắt đầu động đậy và khi nó chạy, anh Trương giật, lôi lên con cá bông lau nặng phải đến hơn 3 ký. Thấy tôi trầm trồ, vừa dùng vợt xúc “chiến lợi phẩm” lôi lên tắc ráng, anh vừa nói: “Ăn thua gì, có con còn nặng cỡ 11 - 12kg, giật nặng tay luôn!”. “Một đêm anh câu được khoảng bao nhiêu ký?” - Tôi hỏi khi con cá đã nằm gọn trong lòng thuyền. Anh Trương trả lời: “Cũng tùy, đêm nào trúng, được 10 - 12kg.
 
Bình quân mỗi đêm cũng được 3 - 4kg. Vào độ chục năm trước, cá còn nhiều, giật đến mỏi tay. Bây giờ, do hoạt động đánh bắt ráo riết và tàu bè qua lại thường xuyên nên cá dần dần giảm đi…”. “Một ký bông lau hiện nay giá bao nhiêu?”. “Thường, loại từ 3 ký đổ lại bán được 50 - 60 ngàn/ký. Còn nếu to hơn thì giá đắt thêm. Tui đem bỏ mối ở các nhà hàng, họ mê thứ cá này lắm”.

Trong khi anh Trương đang móc mồi câu, tôi lẩm nhẩm tính, “bét” ra 3kg cá cho một đêm câu, vị chi mỗi đêm thu nhập ít nhất trên 150.000 đồng. Mỗi tháng câu được khoảng 20 buổi (vì người câu chỉ xuống thuyền theo những “cầu nước” trong tháng) cũng thu nhập độ 3 triệu một tháng. “So với đồng lương “nhà báo quèn” của tôi thì nghề câu quả là vừa nhàn, vừa “ngon ăn”...” - Tôi nói đùa với anh Trương.

Khi chúng tôi đang chuyện vãn thì người bạn câu ngồi ở con xuồng gần đó giật được một con khá lớn. Anh Trương “ghen”: “Thằng này bữa nay được “tổ đãi” hả?” và anh quay sang tôi: “Thằng Linh là con anh bạn chí cốt nghề câu với tui đó. Hễ ở đâu có tui thì có nó. Hoàn cảnh nó tội lắm! Cha vừa mới mất vì bệnh nặng, nó và má phải nuôi cả nhà 5 miệng ăn. Nhờ theo nghề với tui mà nay cũng đỡ”.
 
Nghe chúng tôi nói chuyện, Linh quay sang pha trò như muốn “nói lảng”: “Các anh là nhà báo ở thành phố cứ tưởng nghề câu cá bông lau nhàn hạ, thảnh thơi. Nhưng đâu có đơn giản như anh nghĩ…”. Như “chọc đúng chỗ ngứa”, anh Trương tiếp lời: “Nghề câu cá bông lau đòi hỏi phải có tay nghề cao, cụ thể như phải xác định được cá bơi theo luồng nào... Những người hành nghề lâu năm, giàu kinh nghiệm có thể quan sát mặt nước và bãi sông mà đoán biết đoạn sông đó cá nhiều hay ít để buông câu.
 
Cùng câu ở một khúc sông, nhưng có người cá lúc nhúc sạp thuyền, người về tay không là chuyện thường tình… Nếu là một “sát thủ” cá bông lau thì không bao giờ dùng cần câu máy. Đặc biệt, thẻo câu phải là loại tự chế với bí quyết riêng, không được quá to để cá… cố nhiều lần mới ăn hết mồi hay quá nhỏ mà cá nuốt luôn cả lưỡi… “Cá bông lau rất thích mồi ruột gà, dán, dế cơm hoặc cá ủ, nhất là những con gián sống.
 
Chính từ nghề cá bông lau mà ở đồng bằng sông Cửu Long phát sinh ra một nghề đặc biệt, đó là nghề săn… gián. Hằng đêm, ở các nơi có cầu, cống, cứ thấy người nào tự dưng đứng lên rồi ngồi thụp xuống, sau đó thò tay rút vội một cây que đót vào miệng chiếc thùng bịt lưới mang theo bên hông khua khoắng mấy cái, xong lại đút cây que trở lại chỗ cũ. Đấy chính là “đối tác ruột” của chúng tôi. Họ làm nghề bắt gián để bán cho mấy người câu cá bông lau…” - Anh Trương nói vui.

… Và “có đức”

Sau những cú giật với khoảng hai yến cá bông lau “chiến lợi phẩm”, nhìn đồng hồ đã hơn 5 giờ sáng, anh Trương buông ra một câu ngắn gọn: “Đã đến lúc về”. Như “đọc” được thắc mắc của tôi, anh giãi bày một cách ngắn gọn: “Dân trong nghề câu cá bông lau thứ thiệt đều tuân thủ một “luật bất thành văn” là mỗi người đều có khu vực để thả câu mà không hề tranh giành chỗ của người khác.
 
 “Bạn câu” Linh và chiến lợi phẩm của mình.
Đặc biệt, khi thấy “Bà Cậu” đã phù hộ cho mình câu được một lượng cá “vừa đủ”, họ thường kết thúc buổi câu để “dành cá” cho những buổi sau”. Nghe những lời tâm sự như rút từ đáy lòng của anh Trương, tôi thực sự bất ngờ. Dù được người đời gọi là nghề “đâm hà bá”, nhưng nghề câu cá bông lau đâu phải là một nghề “mất đức” so với những người tận diệt các loài thủy tộc bằng việc đánh mìn và rê điện?

Bình minh bắt đầu lan trên mặt sông. Chiếc tắc ráng nhằm hướng cù lao Tân Lộc thẳng tiến. Phía đuôi tắc ráng, cánh tay gân guốc, rắn chắc của anh Trương đang nắm chặt cần lái kéo theo con xuồng nhỏ của Linh. Gương mặt của hai ngư dân một già, một trẻ sau một đêm câu vất vả vẫn toát lên vẻ rắn rỏi, can trường. Tôi tin rằng, đêm mai, anh cùng “chiến hữu” trẻ tuổi tên Linh lại tiếp tục có một buổi câu đầy may mắn.

  Bài & ảnh: Bình Hưng


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH