Theo chân thầy thuốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đến những vùng cao

13-01-2017 19:29 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Gác lại lo toan của những ngày cuối năm bận rộn, đoàn bác sĩ của Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đã về với bà con dân tộc ở những bản làng xa xôi của huyện Mường Ảng và Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên.

Gác lại lo toan của những ngày cuối năm bận rộn, đoàn bác sĩ của Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đã về với bà con dân tộc ở những bản làng xa xôi của huyện Mường Ảng và Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Dường như cái giá lạnh của mùa đông miền núi và những trận mưa rừng xối xả cũng không thể ngăn cản những bước chân háo hức, những trái tim bỏng cháy yêu thương đến với đồng bào. Và, giữa bốn bề mây núi, những nụ cười nồng ấm, những cử chỉ ân cần của thầy thuốc với bệnh nhân trao nhau như những đốm lửa tinh thần xua tan mùa đông buốt giá.

Với tinh thần xung kích, chung tay vì sức khỏe cộng đồng, từ ngày 6 - 12/1, Đoàn gồm 20 tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ của Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đã đến để khám chữa bệnh miễn phí và trao quà cho các gia đình chính sách khó khăn tại xã Xuân Lao huyện Mường Ảng và xã Tả Phìn, huyện Tủa Chùa của tỉnh Điện Biên.Công tác KCB từ thiện cho bà con vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn được BGĐ Học viện YDHCT Việt Nam đặc biệt quan tâm.

Công tác KCB từ thiện cho bà con vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn được BGĐ Học viện YDHCT Việt Nam đặc biệt quan tâm.

Con đường từ thị trấn Mường Ảng vào trung tâm xã Xuân Lao quanh co, uốn lượn theo triền núi, mặc dù đường vào xã đã dễ dàng hơn trước rất nhiều vì được trải nhựa, nhưng  đối với các thầy thuốc, đặc biệt là các bác sĩ trẻ lần đầu về bản cũng không khỏi nôn nao. Xã Xuân Lao là một trong những xã khó khăn của huyện Mường Ảng, dân cư chủ yếu là người dân tộc Thái, với 21 bản rải rác, trong đó có 6 bản chỉ có thể đi bộ mới vào đến nơi, đời sống kinh tế người dân vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu là làm nông nghiệp, đi rừng. Chúng tôi dừng chân ở Trạm Y tế xã Xuân Lao đã là 12h, đúng lúc cơn mưa rừng vừa đổ xuống, mưa rừng kèm theo nhiệt độ thấp ai nấy đều lạnh cóng, nhưng không ai bảo ai người nào người ấy khẩn trương vào việc chuẩn bị bàn khám, thuốc men để cho kịp buổi chiều khám bệnh cho bà con.

Mặc dù 13h30 phút chương trình khám mới bắt đầu, nhưng 13h đã có nhiều bà con có mặt. 4 mẹ con chị Lò Thị Pin ở bản Lao đã đến từ rất sớm để chờ được khám. Chị Pin không nói được tiếng Kinh, thông qua phiên dịch chị Pin cho biết, chị được xã thông báo có đoàn bác sĩ ở tận Hà Nội về xã khám bệnh cho bà con, chị mừng lắm, mấy mẹ con chuẩn bị từ sớm để đi bộ xuống trạm. Chị cảm động và biết ơn lắm! Bác cựu chiến binh Lò Văn Sương, 69 tuổi ở bản Món Hà, cũng chia sẻ, được đoàn khám bệnh về đây dài ngày ở với bà con, mình vui lắm, cảm ơn các lãnh đạo cấp trên đã quan tâm đến bà con mình... Trong dòng người nô nức xuống trạm khám bệnh, có một cô bé mà trong đoàn chúng tôi ai cũng bị đôi mắt buồn rười rượi ấy ám ảnh. Cô bé tên Lò Thị Hằng ở bản Món Hà, năm nay 9 tuổi, em bị tim bẩm sinh do gia đình không có điều kiện nên đã không cho đi khám và phát hiện sớm, mãi đến năm 8 tuổi em mới được phẫu thuật. Bây giờ em có thể đi lại được nhưng vẫn rất khó khăn.  Mẹ Hằng cho biết, biết có đoàn bác sĩ khám bệnh về xã nên bé đòi mẹ cho đến bằng được, bé muốn được gặp bác sĩ, được bác sĩ cho thuốc để có thể chạy nhảy như các bạn...! Chúng tôi lặng người khi nghe mẹ Hằng nói, rồi ai cũng động viên em thật nhiều... Khi ra về Hằng cứ ngoái lại vẫy tay chào bác sĩ...!KCB cho bà con xã Tả Phìn, Tủa Chùa, Điện Biên.

KCB cho bà con xã Tả Phìn, Tủa Chùa, Điện Biên.

ThS.BS. Đỗ Linh Quyên - Chủ tịch Công đoàn Học viện, một bác sĩ có “thâm niên” về bản khám chữa bệnh cho bà con chia sẻ, có đi đến những vùng sâu, vùng xa mới thấy những khó khăn, vất vả và hoàn cảnh của bà con. Chúng tôi không ngại khó và luôn mong muốn về  những vùng sâu, vùng xa nhất, khó khăn nhất để đem đến những kiến thức mình đã học chăm sóc sức khỏe cho đồng bào. Vì thế có những bác sĩ mặc dù đã lớn tuổi nhưng luôn sẵn sàng nhận lệnh lên đường về với bà con... ThS. Quyên cho biết thêm, có những đợt khám chữa bệnh đoàn “cắm bản” 7-10 ngày, các bác sĩ ở lại trong bản, sinh hoạt ăn ở cùng bà con và hướng dẫn bà con cách phòng tránh một số bệnh thông thường. Đặc biệt với thế mạnh về Đông y, các bác sĩ đã tư vấn để bà con biết vận dụng những cây thuốc Đông y quanh nhà phòng và chữa một số bệnh thông thường từ cây cỏ trong vườn.

Ở cách xã Xuân Lao hàng trăm cây số, trong xã Tả Phìn của huyện Tủa Chùa, một đoàn bác sĩ của Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Học viện Y Dược học cổ truyền cũng đang “cắm bản” khám chữa bệnh cho bà con. TS. Phạm Việt Hoàng, trưởng đoàn khám tại điểm xã Tả Phìn cho biết, qua thăm khám các bác sĩ đã phát hiện nhiều người dân bị các bệnh như hội chứng dạ dày, thoái hóa cột sống, viêm quanh răng, viêm mũi họng mạn, rối loạn tiêu hóa... Đáng nói là, trong đợt khám này các bác sĩ đã phát hiện nhiều người còn rất trẻ trong độ tuổi từ 25-30 bị tăng huyết áp. Đối với những trường hợp nhẹ, các bác sĩ cấp phát thuốc điều trị và hướng dẫn cách phòng tránh. Những trường hợp nặng, bác sĩ đã tư vấn, hướng dẫn, giới thiệu lên bệnh viện tuyến trên điều trị...

Được biết, qua những ngày “cắm bản” cùng bà con, đoàn bác sĩ của Học viện đã khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho 2.000 lượt người, đồng thời tặng 140 phần quà giá trị cho các hộ gia đình nghèo, gia đình có công với cách mạng thuộc hai xã trên. Ngoài ra, đoàn cán bộ của Học viện cũng tặng nhiều áo ấm trẻ em, đồ dùng sơ sinh và nhu yếu phẩm cho đồng bào. Tổng trị giá đợt khám chữa bệnh và cấp phát thuốc, tặng quà trị giá gần 200 triệu đồng. Đây là kinh phí do cán bộ, nhân viên của Học viện quyên góp và của các doanh nghiệp tài trợ.Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam tặng quà cho các gia đình khó khăn, gia đình chính sách tại xã Xuân Lao, huyện Mường Ảng.

Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam tặng quà cho các gia đình khó khăn, gia đình chính sách tại xã Xuân Lao, huyện Mường Ảng.

Chia sẻ về công tác từ thiện của đơn vị, GS.TS. Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, công tác từ thiện nói chung và khám chữa bệnh từ thiện nói riêng được Ban Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam rất quan tâm và chỉ đạo sát sao. Đơn vị thường xuyên tổ chức các buổi khám sàng lọc từ thiện cho đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung. Riêng năm 2016, Học viện đã cử 3 đoàn công tác đi về các xã khó khăn nhất để khám bệnh cho đồng bào. Đây là một trong nhiều hoạt động thiết thực của tập thể cán bộ Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn có cơ hội được khám, chữa bệnh miễn phí...


Tuệ Khanh - Như Quỳnh
Ý kiến của bạn