Hà Nội

Theo chân cộng tác viên dân số vùng cao ở Bắc Kạn

12-12-2016 15:01 | Thời sự
google news

SKĐS - Bắc Kạn là một tình miền núi phía Bắc, với 7 dân tộc anh em, trong đó phần đa là đồng bào dân tộc. Trong những năm qua, công tác DS – KHHGĐ của Bắc Kạn đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Nhiều thôn, bản hơn mười năm liền không có người sinh con thứ 3, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết cũng giảm đáng kể. Có được thành công này không thể không nhắc đến công lao của những cộng tác viên dân số - những người bám bản, bám làng hàng ngày hàng giờ đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà

Xung phong làm ctv dân số vì “đẻ nhiều, khổ quá”

Ở thôn Nà Phạ, xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể có lẽ không ai là không biết anh Ninh Văn Vừ, họ biết đến anh Vừ không phải vì anh là cộng tác viên dân số của thôn mà anh còn nổi tiếng cả vùng vì đẻ quá nhiều con và cái nghèo đeo đẳng. Anh Vừ cho biết, lúc ấy vì không hiểu biết nên cứ hết đứa nọ đến đứa kia ra đời, đẻ thì nhiều mà kinh tế không có nên con cái đứa nào cũng đói rách khổ sở. Hai vợ chồng làm vất vả mà vẫn không đủ ăn đủ mặc cho con, thấy cuộc sống sao mà bế tắc. "Vì thế, khi được thôn và xã vận động tôi đã xung phong tham làm cộng tác viên dân số. Tôi muốn nói với mọi người trong thôn của mình rằng, đừng đẻ nhiều làm gì, đẻ nhiều rồi nghèo như tôi, khổ lắm. Ở thôn Nà Phạ chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, thôn có 20 hộ nhưng ở rải rác ở các điểm khác nhau. Cũng như ở các địa phương khác vận động bà con không quá coi trọng con trai là việc làm không dễ dàng gì vì ý nghĩ phải có con trai thờ cúng đã ăn sâu vào nếp nghĩ của đồng bào. Thế nhưng, mình cứ đưa ví dụ về cuộc sống của mình để vận động thuyết phục và dần dần bà con cũng hiểu hơn. Vì thế, từ năm 2010 toàn thôn anh không có người sinh con thứ 3”.  anh Vừ cho biết.

anh Ninh Văn Vừ (áo đen) trong buổi gặp mặt cộng tác viên dân số tiêu biểu của tỉnh Bắc Kạn (ảnh N.H)

Không được thuận lợi như anh Vừ, nhưng chị Bàn Thị Xuân, dân tộc Dao ở xã Khuổi Khiếu, Hữu Thác, Na Rì vẫn trở thành một CTV dân số tiêu biểu của địa phương. Chị Xuân tham gia làm cộng tác viên dân số tử năm 1999, và gắn bó cho đến bây giờ. Chị Xuân cho biết, ở thôn chị có 4 khu, mỗi khu chỉ có vài nhà, nên việc đi vận động rất vất vả, chị thường phải đi bộ đến từng nhà. Có những lần đi cả đoạn đường núi khó khăn vất vả đến nơi lại bị người dân xua đuổi không cho gặp…thậm chí có người còn đến “ mắng vốn” chồng chị vì để vợ đến nhà người khác làm phiền. Lúc đó, chồng chị cũng bức xúc và bắt chị phải bỏ công việc này. Con nhỏ, chồng lại không ủng hộ nhưng chị Xuân vẫn không hề từ bỏ công việc, chị vẫn sắp xếp thời gian chu toàn mọi việc chăm con, khuyên nhủ chồng và làm tốt công việc của mình.Thế rồi, sự tận tụy của chị cũng đã được đến đáp. Chồng chị đã hiểu và thông cảm với công việc của vợ, anh còn giúp chị làm việc nhà để chị chuyên tâm vào công việc. Nhờ đó ở thôn chị phụ trách đã không còn tình trạng sinh con thứ 3. Việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở địa bàn cũng giảm rõ rệt.

Chị Bàn Thị Xuân cộng tác viên dân số ở xã Khuổi Khiếu, Hữu Thác, Na Rì, Bắc Kạn (ảnh N.H)

Chị Xuân, anh Vừ là hai trong rất nhiều cộng tác viên dân số của tỉnh Bắc Kạn đang hàng ngày, hàng giờ cần mẫn như con ong chăm chỉ làm tốt công tác dân số kế hoạch hóa gia đình dù rằng công việc đó rất gian nan, vất vả và thù lao thì hầu như không đáng kể. Song vì trách nhiệm và tình yêu công việc giúp họ vượt qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

“Con ong” cần nguồn lực để cho mật

Ông Nông Văn Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bắc Kạn cho biết, những năm qua, công tác DS-KHHGĐ của tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ của ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu nhiệt tình, có trách nhiệm trong công việc của tập thể cán bộ, công chức, viên chức trong ngành dân số và đội ngũ cán bộ dân số cấp xã và đặc biệt là các CTV dân số trên địa bàn toàn tỉnh.

Ông Dương cũng cho biết thêm, để công tác DS-KHHGĐ đem lại hiệu quả, việc tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong đó, đội ngũ CTV dân số là lực lượng nòng cốt. Đây là những người được ví như “cánh tay nối dài” của ngành dân số, là lực lượng gần dân nhất thực hiện sứ mệnh “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”.

Theo đó, hàng năm, tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng  cho đội ngũ CTVđể phục vụ công tác tuyên truyền hiệu quả nhất. Đa phần các CTV trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đều là người nhiệt tình, tâm huyết với công tác dân số. Do đó, từ đầu năm 2016 đến nay, mặc dù chưa nhận được phụ cấp từ nguồn kinh phí quốc gia nhưng các CTV vẫn cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, để đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông vận động thực hiện tốt các chính sách DS-KHHGĐ, theo ông Dương, cần có chế độ đãi ngộ phù hợp hơn cho đội ngũ CTV yên tâm công tác và phát huy vai trò một cách hiệu quả nhất.

Giai đoạn 2011-2016, chi cục Dân số - KHHGĐ Bắc Kạn đã tổ chức được 210 cuộc nói chuyện chuyên đề về DS – KHHGĐ bằng hình thức phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thu hút hơn 9000 người tham gia. Đặc biệt, Chi cục đã tổ chức được hơn 2000 cuộc tư vấn về SKSS/KHHGĐ tại địa bàn chiến dịch, 3600 cuộc tư vấn nhóm, truyền thông nhóm nhỏ, sinh hoạt câu lạc bộ. Bên cạnh đó, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, các hội thi, giao lưu tìm hiểu về vấn đề DS-SKSS/KHHGĐ; đẩy mạnh truyền thông tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; tuyên truyền giảm thiểu mất cân bằng giới tình khi sinh…

Tuệ Nguyên
Ý kiến của bạn