Mới tờ mờ sáng, chiếc điện thoại đã đổ chuông dồn dập, chị chép miệng bảo: Chắc một ai đó cần mình rồi. Vừa nghe điện thoại, chị vừa khoác vội chiếc áo blouse trắng rồi chuẩn bị đồ nghề. Gọi là đồ nghề chứ thực ra chỉ gói gọn trong một cái túi để chị đeo toòng teng bên người. Rồi chị tất bật lên đường.
Khám thai định kỳ.
Thai phụ của chị sáng nay là một bà mẹ trẻ tên Sùng Thị Má, mang thai lần đầu ở thôn Thèn Pả (xã Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang). Quãng đường từ nhà chị đến nhà Má chừng 3km, nhưng đường khó đi nên chị phải đi bộ. Chị bảo: Người phụ nữ mỗi lần sinh nở là một lần đứng trước vực thẳm. Phải gấp gáp và khó khăn lắm. Mình phải nhanh chân đến với họ thôi. Nhưng cũng có những người ở xa, đường khó đi, không đi được bằng xe máy, phải trèo núi mà đi. Rồi như gặp được người để trải lòng, chị kể: Bây giờ mình có lương rồi. Nhà nước trả lương cho mình đấy. Cũng đỡ đi được phần nào, chứ không cứ vừa đi làm rừng (làm nương, rẫy - PV) vừa lo đỡ và thăm khám cho các bà mẹ, cũng bất tiện lắm. Ngày trước, có lần đang đi làm nương, phải bỏ dở việc về để đi đỡ đẻ. Đỡ xong lại về làm tiếp.
Sản phụ thường ở xa, đường lại khó đi, nhiều lần cô đỡ Mỵ phải đi bộ.
Sùng Thị Má mới 19 tuổi, cái thai đã được 8 tháng. Nhưng mấy ngày nay Má hay bị đau bụng. Thầy mo bảo: Con ma rừng nó đòi bắt đứa bé đi. Vì đứa bé không phải là con của vợ chồng Má. Má sợ lắm, nhưng giờ có cô đỡ rồi. Má không sợ con ma rừng bắt con của mình nữa.
Sùng Thị Má mang thai lần đầu và hay bị những cơn đau bụng. Mỗi lần như vậy, bố mẹ và chồng lại đi rừng kiếm lá để đắp quanh bụng. Từ khi có cô đỡ đến tận nhà thăm khám, Má và gia đình rất yên tâm.
Chuẩn bị dụng cụ, chị vừa thăm khám, nghe tim thai cho Má: “Không sao đâu, cháu bé khỏe lắm. Cũng gần đến ngày sinh rồi nên cháu bé quậy đạp thôi. Nghỉ ngơi và ăn uống nhiều vào nhé”.
Chỉ với dụng cụ thăm khám thô sơ nhưng với kiến thức vững vàng cùng lòng nhiệt tình, cô đỡ thôn bản đã thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy cho bà con.
Rời ngôi nhà của người phụ nữ trẻ ấy ra về, chị lại tất tả đến nhà một thai phụ khác. Mặc dù lúc này mặt trời đã đứng bóng. Chị bảo: Lần này phải đi xa hơn, chỉ đi xe máy được chừng mươi cây số thôi, rồi phải gửi xe để đi bộ khoảng 3 tiếng đồng hồ nữa mới tới được.
Một ngày của cô đỡ thôn bản Vũ Thị Mỵ (xã Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang) là vậy. Chẳng quản thời tiết nắng, mưa hay đêm tối. Cứ có người gọi là chị lại lên đường, nhìn cái dáng tất bật của chị mới thấy hết nỗi nhọc nhằn của nghề “đỡ đẻ” nơi vùng cao.
Ðể khuyến khích, động viên và tăng cường nguồn nhân lực, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 07/2013/TT- BYT về Quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn bản. Theo đó, chính thức đưa cô đỡ thôn bản là một chức danh trong hệ thống y tế Việt Nam, là một loại hình nhân viên y tế thôn bản được hưởng phụ cấp theo Quyết định số 5/2009/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sự ra đời thông tư này đã động viên kịp thời, cũng như ổn định đội ngũ cô
đỡ thôn bản đã được đào tạo tham gia các hoạt động cung cấp các dịch vụ theo dõi, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, nhất là công tác quản lý, chăm sóc thai sản ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng còn tồn tại phong tục đẻ tại nhà, qua đó góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh, giảm tai biến sản khoa tại cộng đồng.
Bài và ảnh: Tuấn Anh