SKĐS - Mỗi chuyến đi điều tra, đặt bẫy ảnh trong khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống (tỉnh Nghệ An) có thể kéo dài đến 10 ngày. Việc đặt thiết bị không chỉ tìm được các loài động vật quý hiếm, mà đôi lúc còn giúp phát hiện người vào rừng bẫy thú, xâm hại rừng tự nhiên.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, trải rộng trên hơn 120 bản của 15 xã thuộc 5 huyện miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An. Với diện tích gần 46.500 ha, trong đó hơn 40.150 ha là rừng đặc dụng. Đây là một hành lang xanh quan trọng, kết nối môi trường, sinh cảnh và hệ sinh thái, góp phần bảo tồn sự đa dạng sinh học đặc trưng của rừng Bắc Trung Bộ và miền Tây Nghệ An.
Cùng với Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt và Vườn quốc gia Pù Mát, Pù Huống được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới vào tháng 9/2007.
Những năm qua, Ban Quản lý Khu bảo tồn Pù Huống đã áp dụng công nghệ bẫy ảnh để giám sát và đánh giá chính xác nguồn tài nguyên đa dạng sinh học tại đây.
Công việc này đòi hỏi nỗ lực lớn, khi đội ngũ thực hiện phải trèo đèo, lội suối tiếp cận các vị trí đặt bẫy ảnh. Có những chuyến đi kéo dài nhiều ngày, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, lực lượng tham gia đặt bẫy ảnh phải ngủ trong rừng sâu để hoàn thành công việc.
Một số hình ảnh cán bộ đi đặt bẫy ảnh động vật quý hiếm giữa đại ngàn Pù Huống, Nghệ An.