Hà Nội

Thêm thực phẩm này vào chế độ ăn có thể giúp ngừa bệnh trĩ hiệu quả

SKĐS - Bệnh trĩ có thể điều trị đơn giản bằng chế độ ăn uống cho đến các biện pháp can thiệp y tế phù hợp với từng mức độ bệnh. Tuy nhiên, biện pháp điều chỉnh lối sống, đặc biệt là chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng, giúp phòng và điều trị bệnh trĩ hiệu quả.

1. Dấu hiệu nhận biết bệnh trĩ

Theo ThS. BS. Nguyễn Ngọc Đan, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, trĩ là tình trạng bệnh lý xuất hiện do sự giãn quá mức của các đám rối tĩnh mạch vùng hậu môn- trực tràng. Từ đó gây sưng tấy, đau, hay chảy máu hậu môn, đặc biệt sau mỗi lần đại tiện.

Bệnh trĩ có 3 triệu chứng thường gặp nhất là: chảy máu khi đại tiện, khối trĩ sa hậu môn và đau vùng hậu môn.

Chảy máu khi đại tiện: Đây là triệu chứng thường gặp nhất. Giai đoạn đầu đại tiện máu số lượng ít, máu đỏ tươi dính phân, hay thấm giấy vệ sinh. Về sau, khi trĩ lớn máu có thể nhỏ giọt hoặc thành tia sau khi đại tiện khiến bệnh nhân rất lo lắng.

Khối trĩ sa hậu môn: Khối trĩ sa từng búi hay cả vòng trĩ khi đi ngoài hoặc gắng sức. Bó trĩ sa có thể tự co lên, phải dùng tay đẩy lên hay sa thường xuyên kèm chảy dịch hậu môn, ngứa… gây khó chịu.

Đau vùng hậu môn: Gặp khi có tắc mạch trĩ hoặc trĩ sa nghẹt phía ngoài hậu môn.

Ngoài ra còn có thể gặp một số triệu chứng khác như: ngứa vùng hậu môn do viêm nhiễm quanh hậu môn, chảy dịch nhầy vùng hậu môn hay gặp ở những bệnh nhân sa trĩ nặng…

Bí quyết ăn uống giúp phòng và điều trị bệnh trĩ hiệu quả  - Ảnh 2.

Chảy máu khi đại tiện là một trong những dấu hiệu điển hình của bệnh trĩ.

2. Các phương pháp điều trị bệnh trĩ

Theo BS. Nguyễn Ngọc Đan, bệnh trĩ có thể điều trị đơn giản bằng chế độ ăn uống, điều chỉnh chế độ làm việc, sinh hoạt cho đến các biện pháp can thiệp vào búi trĩ từ đơn giản đến phức tạp như: nong hậu môn, tiêm xơ, dùng tia hồng ngoại, thắt trĩ bằng vòng cao su, hay bằng các loại hình phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ.

Hiện nay có nhiều phương pháp mới điều trị bệnh trĩ với mức độ xâm lấn ít hơn, an toàn, ít đau, tỷ lệ khỏi bệnh cao như: phẫu thuật Longo; khâu triệt mạch trĩ dưới dướng dẫn siêu âm; tạo hình mô trĩ bằng Laser…

Việc lựa chọn phương pháp điều trị dựa vào một số yếu tố như: độ của trĩ, loại trĩ, và các biến chứng do trĩ gây ra. Bệnh nhân cần được bác sĩ thăm khám kỹ để quyết định phương pháp điều trị phù hợp.

Về chế độ ăn uống phòng và điều trị bệnh trĩ, người bệnh cần có chế độ ăn uống đủ chất, tăng cường chất xơ (rau xanh, củ quả tươi, ngũ cốc); Hạn chế ăn thức ăn cay nóng, nhiều gia vị như ớt, hạt tiêu; Tránh các chất kích thích như cà phê, rượu, bia, chè đặc…

Cần chú ý uống đủ nước, đảm bảo lượng nước cho cơ thể mỗi ngày khoảng 2 lít nước đối với người trưởng thành. Nước sẽ giúp cho phân mềm để khi đi vệ sinh phân dễ dàng đi qua hậu môn hơn, giúp ngăn ngừa táo bón dẫn đến bệnh trĩ.

Bí quyết ăn uống giúp phòng và điều trị bệnh trĩ hiệu quả  - Ảnh 3.

Chế độ ăn giàu chất xơ giúp phòng và điều trị bệnh trĩ hiệu quả.

3. Người mắc bệnh trĩ nên ăn thực phẩm giàu chất xơ

Một chế độ ăn uống giàu chất xơ là giải pháp dinh dưỡng đầu tiên và hiệu quả để điều trị bệnh trĩ. Ăn thực phẩm giàu chất xơ, cùng với việc uống nhiều nước có thể làm cho phân mềm và dễ đi ngoài hơn.

Tăng cường ăn thực phẩm giàu chất xơ giúp kích thích nhu động ruột, tạo sự phát triển vi khuẩn có ích trong ruột. Chế độ ăn nhiều chất xơ còn giúp tạo khối phân, giảm độ cứng của phân, tăng tần suất đi đại tiện, giúp tránh tổn thương trực tràng và hậu môn, ngăn ngừa táo bón và bệnh trĩ hiệu quả.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc bổ sung chất xơ tuy không giúp làm giảm tình trạng sa búi trĩ nhưng có thể làm giảm tình trạng chảy máu liên quan đến bệnh trĩ.

Chất xơ có trong các thực phẩm nguồn gốc thực vật. Có hai loại chất xơ khác nhau là chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan. Cả hai đều có thể giúp hỗ trợ điều trị bệnh trĩ.

3.1. Chất xơ hòa tan

Chất xơ hòa tan hút nước và chuyển sang dạng gel, làm chậm quá trình tiêu hóa.

Chất xơ hòa tan được tìm thấy nhiều trong các loại hạt đậu như: đậu nành, đậu ngự, đậu tây, đậu lăng, đậu Hà Lan; cám yến mạch, rau, trái cây...

3.2. Chất xơ không hòa tan

Chất xơ không hòa tan hút nước, tăng khối lượng chất bã, tạo thêm khối lượng lớn cho phân. Nó có thể giúp thức ăn đi qua hệ tiêu hóa nhanh hơn, khiến quá trình thải cặn bã mau hơn.

Chất xơ không hòa tan có nhiều trong cám lúa mì, rau và ngũ cốc nguyên hạt.

Bí quyết ăn uống giúp phòng và điều trị bệnh trĩ hiệu quả  - Ảnh 5.

Ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ không hòa tan.

3.3. Nên tăng cường chất xơ như thế nào?

Bạn nên bổ sung 20 - 35g chất xơ mỗi ngày, bao gồm cả chất xơ hòa tan và không hòa tan.

Khi tăng lượng chất xơ, hãy bắt đầu từ từ và tăng dần lên. Đặc biệt, đối với những người trước đó có chế độ ăn thường không có chất xơ nếu ăn nhiều một lúc có thể dẫn đến các triệu chứng khó chịu như đầy hơi và chướng bụng. Vì vậy, nên tăng lượng chất xơ từ từ để cơ thể thích nghi dần.

Ở một số ít trường hợp có thể nhạy cảm với gluten - một loại protein có trong lúa mì và các loại ngũ cốc khác - có thể gây ra chứng viêm. Trong trường này người bệnh có thể sử dụng các loại thực phẩm giàu chất xơ khác để thay thế.

3.4. Uống nhiều nước khi ăn chất xơ

Nước giúp chất xơ hoạt động hiệu quả hơn trong cơ thể. Vì vậy, khi ăn các món có chất xơ thì cần uống nhiều nước để giúp đẩy chất xơ qua ruột dễ dàng.

Cần lưu ý uống nhiều nước, khoảng 2 lít mỗi ngày đối với người trưởng thành. Nên uống nước lọc, nước canh, nước trái cây chứ không phải là thức uống có cồn hay chứa caffein.

Bí quyết ăn uống giúp phòng và điều trị bệnh trĩ hiệu quả  - Ảnh 6.

Cần uống nhiều nước khi ăn chất xơ.

4. Các thực phẩm cần tránh

Người mắc bệnh trĩ nên hạn chế hoặc tránh các thực phẩm sau:

- Thực phẩm có chứa ít hoặc không có chất xơ có thể làm cho táo bón và bệnh trĩ trầm trọng hơn.

- Thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều chất béo và ít chất xơ, góp phần gây ra táo bón và bệnh trĩ như: Bánh ngọt, bánh rán, xúc xích, lạp xưởng, thức ăn nhanh, khoai tây chiên…

- Thực phẩm giàu chất béo hoặc nhiều đường.

- Thức ăn nhiều gia vị, cay, mặn…

- Hạn chế uống rượu, bia, nước ngọt có gas… vì dễ gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa, gây giãn tĩnh mạch búi trĩ.

5. Thay đổi lối sống phòng và điều trị bệnh trĩ

Ngoài việc ăn uống lành mạnh, tăng cường chất xơ và uống nhiều nước, việc điều chỉnh lối sống, sinh hoạt cũng có tác dụng phòng và điều trị bệnh trĩ, bao gồm các biện pháp:

Không nên làm việc quá sức kéo dàiKhông ngồi làm việc, ngồi xổm hay đứng quá lâuChịu khó vận động thể lực, cách tốt nhất là tập thể dục đều đặn hàng ngày như đi bộ, bơi lội…Tập thói quen đi đại tiện hàng ngày vào một giờ nhất địnhNên đi vệ sinh ngay khi cảm thấy mắc đi đại tiệnKhông nên nhịn hay ngồi lâu khi đại tiệnTránh rặn khi đại tiện

Tránh nâng vật nặng thường xuyên

Người mắc bệnh trĩ nên ăn gì để bệnh không nặng thêm?Người mắc bệnh trĩ nên ăn gì để bệnh không nặng thêm?

SKĐS - Bệnh trĩ tuy không quá nguy hiểm nhưng khiến người bệnh luôn khó chịu, mệt mỏi, đau đớn, gây khó khăn trong sinh hoạt. Vậy người mắc bệnh trĩ nên ăn uống thế nào để cải thiện bệnh?

Xem thêm video đang được quan tâm

WHO cảnh báo: Virus đậu mùa khỉ có thể đã âm thầm lây lan rộng | SKĐS

Thanh Hà
Ý kiến của bạn