Giữ khoảng cách ngay từ đầu
Khi tin tức hồi tháng 11/2020 loan báo rằng ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Joe Biden đã giành đủ số phiếu đại cử tri để được tuyên bố là Tổng thống đắc cử, lãnh đạo thế giới đồng loạt phát đi những lời chúc mừng ông. Thế nhưng, Tổng thống Nga Vladimir Putin lại không nằm trong danh sách đó mà phải đợi hơn 1 tháng sau, mới gửi lời chúc mừng đến ông Biden. Nhà bình luận chính trị Nga Konstantin Eggert nhận định: “Đúng kiểu Putin kinh điển. Không vội vàng chúc mừng ông Biden, ông Putin-ít nhất trong cách nhìn nhận của chính ông ấy-muốn chứng tỏ rằng mình là một người cứng rắn, và nếu cần, ông ấy sẵn sàng chống lại Washington đến cùng”.
Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Những biểu lộ đối nghịch không đồng nghĩa với việc ông Putin không sẵn sàng đối thoại với ông Biden. “Đối với ông Putin, ưu tiên luôn là muốn được nhìn nhận sẵn sàng đối thoại với Mỹ. Nhưng thú vị là, chính quyền Trump đã bác bỏ khả năng này. Đối với nhà lãnh đạo Nga, việc có thể đối thoại song phương với Mỹ là bằng chứng về vị thế siêu cường của Nga và vai trò toàn cầu của ông ấy” - chuyên gia Eggert phân tích.
Ông Biden lần đầu tiên đến thăm Nga vào năm 1973. Năm 2011, trên cương vị Phó Tổng thống Mỹ, ông Biden cũng được ông Putin - khi đó là Thủ tướng Nga, đón tiếp. So với 3 đời Tổng thống Mỹ gần đây nhất, ông Biden là Tổng thống Mỹ có kinh nghiệm và hiểu biết thực tế trong cách đối phó với ông Putin hơn cả. “Chắc chắn, ông Putin và ông Biden hiểu rõ về nhau. Tôi nghĩ đó là một mối quan hệ khá thực tế nhưng có lẽ không dễ dàng. Tôi không nghĩ rằng sẽ sớm có bất kỳ bước đột phá nào trong mối quan hệ này” - GS. Angela Stent thuộc Đại học Georgetown (Mỹ) đánh giá.
Theo nhà phân tích chính trị Stanislav Belkovsky của Nga, Moscow coi chính quyền Biden chỉ là sự tiếp nối của nhiệm kỳ Tổng thống Obama. Rút bài học từ việc dù có mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với Tổng thống Trump song vẫn không ngăn được quan hệ giữa Nga - Mỹ đi xuống. Ông Putin sẽ có thể không coi trọng mối quan hệ cá nhân của mình với ông Biden. “Ông Putin nhận ra rằng các mối quan hệ cá nhân không đem lại điều gì cho mối quan hệ Nga-Mỹ. Ngay cả những mối quan hệ cá nhân đó thực sự tốt hay thực sự xấu thì cũng không có gì thay đổi. Vì vậy, ông không tính đến quan hệ cá nhân với các nhà lãnh đạo Mỹ mà chỉ tính đến những lợi ích chung trong một số lĩnh vực nhất định mà thôi” - ông Belkovsky cho biết.
Những trở ngại lớn
Một trong những lĩnh vực mà hai bên quan tâm sẽ là kiểm soát vũ khí. Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START mới) - Hiệp định cuối cùng hạn chế vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga - sẽ hết hiệu lực chỉ 16 ngày sau khi ông Biden nhậm chức. “Ưu tiên số 1 phải là gia hạn START mới. Các ưu tiên khác trong mối quan hệ Nga-Mỹ sẽ là vấn đề biến đổi khí hậu và tương lai của các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga vốn có từ thời chính quyền Obama và được thắt chặt dưới thời chính quyền Trump” - GS.Stent nhận định.
Bà Stent dự đoán rằng, các kênh ngoại giao giữa Mỹ và Nga vốn bị “chết yểu” dưới thời ông Trump sẽ được tái thiết lập. “Ông Biden được kỳ vọng sẽ có một chính sách đối ngoại nhất quán hơn đối với Nga, khác với chính sách thời Tổng thống Trump, khi mà bản thân ông Trump chỉ đi theo chính sách của mình nhằm cố gắng cải thiện mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo, trong khi phần còn lại của nhánh hành pháp lại tỏ ra cứng rắn hơn với Moscow” - bà Stent phân tích.