Đường dây làm giả giấy khám sức khỏe được bán tại các ki-ốt trong chợ
Thông tin từ Công an TP. Vinh cho biết, thời gian qua, trên địa bàn TP. Vinh xuất hiện nhiều giấy khám sức khỏe của các bệnh viện như: Bệnh viện Cửa Đông, Bệnh viện Thái An, Bệnh viện Giao thông... có dấu hiệu bị làm giả được bán lén lút tại các ki-ốt trong chợ Ga Vinh và một số cửa hàng văn phòng phẩm trên địa bàn. Ngay khi nắm bắt được tình hình, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh đã giao cho Công an thành phố, trực tiếp là Đội Cảnh sát Hình sự lập án, tập trung tối đa lực lượng, sử dụng đồng bộ các biện pháp công tác để đấu tranh, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi phạm tội. Qua công tác theo dõi, nắm tình hình địa bàn, nghiên cứu phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng và tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ và các thông tin nghiệp vụ khác có liên quan, các trinh sát phát hiện đối tượng Lê Thị Bích (thường gọi là Vân, SN 1954), trú tại phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, TP. Hà Nội, tạm trú tại TP. Vinh có nhiều biểu hiện nghi vấn liên quan đến đường dây làm giả giấy khám sức khoẻ nói trên. Sau một thời gian tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp vào cuộc quyết liệt để thu thập tài liệu, chứng cứ, cuối tháng 11/2019, Ban chuyên án đã tiến hành khám xét, giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với 3 đối tượng gồm: Lê Thị Bích, là đối tượng cầm đầu; Trương Thị Tình (SN 1963) trú tại khối Trung Nghĩa, phường Đông Vĩnh và Phan Thị Thành (SN 1963) trú tại khối 5, phường Quán Bàu, cùng TP. Vinh về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” quy định tại Điều 341, Bộ luật Hình sự.
Các đối tượng trong đường dây làm giả giấy khám sức khỏe bị Công an TP. Vinh triệt phá.
Khám xét nơi ở các đối tượng, Ban chuyên án đã phát hiện, thu giữ: 210 giấy khám sức khỏe giả của Bệnh viện Cửa Đông, Bệnh viện Thái An; 9 con dấu giả các loại; 4 điện thoại di động và nhiều tài liệu, đồ vật khác có liên quan. Tại cơ quan điều tra, bước đầu các đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Đối tượng Bích khai nhận do có mối quan hệ thân thiết với các tiểu thương bán văn phòng phẩm trong chợ Ga Vinh và một số địa điểm khác nên đối tượng Bích nhanh chóng chào mời họ khi có khách có nhu cầu sẽ gọi điện để thị cung cấp. Giá nhập cho các đầu mối đối với giấy khám sức khỏe của Bệnh viện Cửa Đông là 27.000 đồng (photo đen trắng), của Bệnh viện Thái An là 40.000 đồng (photo màu).
Tinh vi thủ đoạn làm giả con dấu của các bệnh viện
Cơ quan công an đã làm rõ, đối tượng Lê Thị Bích lấy mẫu giấy khám sức khỏe được sao thành nhiều bản hoặc sử dụng mẫu giấy khám sức khỏe trong các tập hồ sơ xin việc rồi giao cho Trương Thị Tình, Phan Thị Thành và một số đối tượng khác viết giả nhận xét, chữ ký của bác sĩ, mỗi tờ giấy khám sức khỏe giả các đối tượng được Bích trả 500 đồng. Sau khi viết xong, Tình, Thành đưa đến nơi hẹn cho Bích. Lê Thị Bích đặt khắc dấu tên của các bác sĩ và dấu của các bệnh viện để đóng dấu lên các tờ giấy khám sức khoẻ đó trước khi đem bán.
Điều đáng nói, để qua mặt lực lượng chức năng cũng như tránh trường hợp bị phía nhận hồ sơ phát hiện là tài liệu giả, Bích dùng dấu tròn làm giả con dấu của các bệnh viên cũng hết sức tinh vi. Theo đó, dấu mà Bích dùng để đóng lên giấy khám sức khỏe giả không phải là 1 con dấu nguyên vẹn mà được cấu tạo từ 2 bộ phận tách rời, bộ phận hình tròn phía ngoài bao gồm mã số thuế được khắc bằng gỗ, bộ phận trong cùng là tên cơ sở y tế được làm bằng cao su. Khi đóng dấu thì Bích đóng dấu tròn trước rồi để đó, khi chuẩn bị giao cho khách mới đóng dấu tên bệnh viện vào phía trong thành con dấu hoàn chỉnh. Sau khi nhận giấy đã viết về, Bích dùng các loại dấu đó đóng vào và đưa đi cất giấu tại nhiều địa điểm, các loại dấu cũng được cất giấu kỹ lưỡng.
Phiếu thu, giấy khám sức khỏe với đầy đủ nội dung của Bệnh viện đa Khoa Cửa Đông bị các đối tượng làm giả một cách tinh vi.
Làm rõ về thủ đoạn làm con dấu giả tinh vi hòng qua mắt lực lượng chức năng, Thiếu tá Trần Quốc Anh, Đội trưởng Hình sự Công an TP. Vinh cho biết, thực tế để làm nguyên vẹn một con dấu ở cơ sở khắc dấu thì sẽ không làm bởi quy định các con dấu này phải có giấy phép nên các đối tượng lách luật bằng cách làm rời hai bộ phận khác nhau. Những cơ sở làm dấu sẽ không nghĩ đến việc các đối tượng này ghép hai bộ phận lại để thực hiện hành vi lừa đảo. Khi khám xét nơi sản suất, hai bộ phận này các đối tượng cất giấu ở hai nơi khác nhau, khi thu hai bộ phận này cũng rất khó có thể nhận ra đây là một con dấu nguyên vẹn.
Có thể thấy, việc làm, bán và sử dụng các giấy khám sức khỏe giả này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, lợi ích hợp pháp của các cơ sở y tế và đội ngũ y, bác sĩ, gián tiếp gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội khi những người không đủ tiêu chuẩn sử dụng loại giấy này để được cấp giấy phép lái xe, giấy chứng nhận hành nghề, xin việc vào các cơ quan, đơn vị, thậm chí đi xuất khẩu lao động... Sau khi thu hồi số giấy tờ được làm giả từ các đầu mối mà thị Bích đã tuồn ra thị trường, Ban chuyên án cũng đã tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở các tiểu thương, chủ các cơ sở văn phòng phẩm nhận thức được việc làm sai trái này và không tái phạm. Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra mở rộng để làm rõ các đối tượng có liên quan, thu giữ tang vật và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.