Hiện nay, viêm gan vi-rút C mạn tính chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với viêm gan vi-rút B. Nguy hiểm hơn, viêm gan vi-rút C tiến triển thầm lặng, không có triệu chứng rõ rệt và sau thời gian mắc bệnh khoảng 10 – 30 năm, bệnh có thể biến chứng thành xơ gan (khoảng 10 - 20%) hoặc nguy hiểm hơn là ung thư gan (khoảng 5%) dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Đối tượng có nguy cơ cao nhiễm viêm gan virút C
Bệnh viêm gan vi-rút C (“HCV”) được coi như là một “sát thủ âm thầm” bởi vì hầu hết bệnh nhân đều không thể tự nhận ra rằng họ đang bị nhiễm bệnh và qua thời gian, nó tiến triển gây ra các bệnh về gan. Với mức độ ảnh hưởng của căn bệnh này, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã và đang tìm cách đối phó.
Ông Jan Van Acker, Trưởng Văn phòng Đại diện MSD tại Việt Nam trao tài trợ cho Bà Josselyn Neukom - đại diện tổ chức PSI. |
Đối tượng tiêm chích ma túy (“TCMT”) được xem là nhóm nguy cơ cao bị nhiễm HCV. Tại Việt Nam, từ 26,3% đến 98,5% những người TCMT (tỷ lệ trung bình ước tính khoảng 46%) nhiễm HCV. Tuy nhiên, vì lý do mặc cảm, kỳ thị xã hội và điều kiện kinh tế cho nên nhóm người này ít được tiếp cận với các biện pháp tầm soát HCV cũng như còn có hạn chế trong việc trang bị kiến thức về phòng tránh lây nhiễm căn bệnh này. Điều này khiến cho việc kiểm soát, điều trị cũng như phòng ngừa lây truyền HCV gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tình trạng đồng nhiễm HIV-HCV ở những người TCMT, ước tính 60%-90%, cũng là một vấn đề lớn cho hệ thống chăm sóc sức khoẻ trong việc điều trị vì chi phí tăng cao, làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống do “bệnh chồng bệnh”.
Dự án hỗ trợ phòng ngừa viêm gan vi-rút C
Hiện nay, vẫn chưa có vắc xin đặc trị phòng ngừa viêm gan vi-rút C cho nên các biện pháp phòng ngừa chủ yếu là: Ngăn chặn sự lây lan của vi-rút viêm gan C theo đường máu hoặc tiếp xúc với da niêm như không dùng chung kim tiêm hoặc các dụng cụ tiêm chích ma túy khác, không dùng chung các vật dụng cá nhân dễ gây chảy máu như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, kìm cắt móng tay…, đặc biệt là ở nhóm người có nguy cơ cao.
Trong nỗ lực ngăn ngừa sự lây nhiễm viêm gan vi-rút C, ngày 09/08/2013 vừa qua tại Hà Nội, Merck Sharp & Dohme (Asia) Ltd., (“MSD”) đã trao tài trợ 650.000 USD cho Tổ chức Dịch vụ Dân số Quốc tế (“PSI”) để thực hiện dự án: “Tăng cường những biện pháp phòng ngừa bệnh viêm gan vi-rút C tại Việt Nam”. Dự án này hiện ưu tiên chọn 5 tỉnh thành có số lượng bệnh nhân và các đối tượng nguy cơ dễ mắc phải nhất để triển khai.
Các hoạt động chủ yếu của dự án là nhằm ngăn chặn lây nhiễm HCV như tuyên truyền, tư vấn và khuyến khích thay đổi thói quen cần thiết để ngăn chặn HCV cho nhóm người nguy cơ cao và chưa được chăm sóc đầy đủ. Theo bà Josselyn Neukom, đại diện PSI cho biết: “Tỷ lệ nhiễm HCV tại Việt Nam khá cao so với các nước khác trong khu vực. Vì thế, các hoạt động của dự án này sẽ ưu tiên cho những người có nguy cơ mắc bệnh nhằm giúp họ thực hiện được thói quen ngăn ngừa bệnh thông qua việc phát triển hướng tiếp cận thông tin và các dịch vụ phòng ngừa HCV”.
Cũng trong buổi lễ trao tài trợ, ông Jan Van Acker, Trưởng Văn phòng Đại diện MSD tại Việt Nam chia sẻ: “Vi-rút viêm gan C gây ra áp lực đáng kể đối với bệnh nhân nói riêng cũng như hệ thống y tế của Việt Nam nói chung. Phối hợp cùng với PSI thực hiện dự án này, chúng tôi hy vọng đóng góp vào việc ngăn ngừa vi-rút viêm gan C tại Việt Nam, mang đến những phương pháp phòng ngừa hiệu quả, đồng thời giúp làm giảm gánh nặng điều trị cho bệnh nhân viêm gan vi-rút C”.
Có thể thấy thông qua việc tài trợ dự án này, MSD đã và đang góp phần nào trong việc nâng cao sức khoẻ cộng đồng cho người Việt Nam bên cạnh việc tiếp tục đầu tư nguồn lực đem đến những sự khác biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ tại thị trường Việt Nam.
Ngọc Tuấn