Trường Đại học CMC sử dụng 5 phương thức tuyển sinh năm 2024
Trường Đại học CMC vừa công bố phương án tuyển sinh năm 2024. Theo đó, năm nay, trường tuyển sinh theo 5 phương thức. Phương thức 1: Xét tuyển dựa vào kết quả học tập bậc THPT (học bạ) theo tổ hợp môn xét tuyển. Phương thức 2: Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 để xét tuyển. Phương thức 3: Xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT và theo đề án tuyển sinh của Trường Đại học CMC. Phương thức 4: Xét tuyển kết hợp kết quả học tập bậc THPT (học bạ) với chứng chỉ quốc tế. Phương thức 5: Xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế.
Trường Đại học Điện lực có 4 phương thức tuyển sinh
Trường Đại học Điện lực cũng vừa thông báo phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2024. Theo đó, với phương thức tuyển sinh dựa vào kết quả học tập THPT (học bạ), nhà trường tuyển 40% tổng chỉ tiêu tương đương hơn 1.600 sinh viên. Các tổ hợp xét tuyển bao gồm A00 (Toán, Lý, Hoá), A01 (Toán, Lý, Anh), D07 (Toán, Hoá, Anh) và D01 (Toán, Văn, Anh).
Trường Đại học Điện lực nhận hồ sơ xét tuyển theo phương thức này từ 4/3 đến 20/6. Điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình ba năm học THPT của 3 môn trong tổ hợp và cộng điểm ưu tiên (nếu có). Thí sinh có tổng điểm xét tuyển từ 18 trở lên theo thang điểm 30 sẽ đủ điều kiện nộp hồ sơ.
Đối với phương thức dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024, các tổ hợp vẫn giữ nguyên như với xét học bạ. Với phương thức này, Trường Đại học Điện lực sẽ tuyển 55% tổng chỉ tiêu tương đương hơn 2.000 thí sinh. Thời gian nhận hồ sơ, theo quy định của Bộ GD&ĐT và của Trường Đại học Điện lực. Ngoài ra, Trường Đại học Điện lực cũng xét tuyển kết hợp 5% tổng chỉ tiêu. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tổ chức xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT và không giới hạn chỉ tiêu.
Phương án tuyển sinh 3 trường khối ngành quân đội
Học viện Kỹ thuật quân sự dự kiến tuyển 540 chỉ tiêu, tăng 82 chỉ tiêu so với năm ngoái. Trong số đó, sẽ có 130 chỉ tiêu đào tạo tại nước ngoài, 5 chỉ tiêu đào tạo liên kết, số còn lại 405 chỉ tiêu đào tạo trong nước. Trong số 405 chỉ tiêu đào tạo trong nước sẽ có khoảng 30 chỉ tiêu đào tạo kỹ sư quân sự chất lượng cao của 2 ngành An toàn thông tin và Thông tin.
Năm nay cũng là năm đầu tiên Học viện Kỹ thuật quân sự áp dụng xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM. Ba phương thức tuyển sinh còn lại là xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng; xét tuyển học sinh giỏi bậc THPT, thực hiện với các thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba các môn toán, lý, hóa, tiếng Anh cấp tỉnh trở lên, hoặc có chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL, SAT, ACT; và xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Năm 2024, Học viện Kỹ thuật quân sự dự kiến đào tạo kỹ sư dân sự. Học viện sẽ thông báo tổ chức tuyển sinh khi có quyết chỉ tiêu sẽ được đi đào tạo ở nước ngoài, 30 chỉ tiêu đi đào tạo ở trường đại học ngoài quân đội. Với số chỉ tiêu còn lại, nhà trường tổ chức đào tạo ngành chỉ huy tham mưu thông tin (chuyên ngành thông tin: Lục quân, hải quân, phòng không - không quân); ngành chỉ huy tham mưu tác chiến không gian mạng.
Hai tổ hợp môn xét tuyển là A00, A01. Nhà trường thực hiện lấy cùng một mức điểm chuẩn đối với hai tổ hợp, điểm chung với đối tượng thí sinh là quân nhân và thanh niên ngoài quân đội. Điểm trúng tuyển theo chỉ tiêu của khu vực miền Bắc, miền Nam.
Đối tượng tuyển sinh, thanh niên ngoài quân đội từ 17 đến 21 tuổi; quân nhân tại ngũ hoặc đã xuất ngũ và công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia công an nhân dân từ 18 đến 23 tuổi.
Năm phương thức xét tuyển, gồm xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT; ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi bậc THPT theo quy định của Bộ Quốc phòng; xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024; xét học bạ; xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM.
Trường Sĩ quan Công binh dự kiến tuyển 251 chỉ tiêu (tăng 82 so với năm ngoái) đào tạo ngành chỉ huy kỹ thuật công binh, tổ hợp xét tuyển A00, A01. Trong đó, nhà trường dành 151 chỉ tiêu cho thí sinh nam, có nơi thường trú phía Bắc; 100 chỉ tiêu thí sinh nam, có nơi thường trú phía Nam. Đối tượng tuyển sinh gồm nam thanh niên ngoài quân đội và hạ sĩ quan, binh sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng phục vụ quân đội đủ 12 tháng trở lên (tính đến tháng 9 năm tuyển sinh).
Bốn phương thức tuyển sinh được nhà trường áp dụng như sau: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh giỏi bậc THPT không quá 15% chỉ tiêu; Xét tuyển dựa vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ 55% chỉ tiêu; Xét tuyển dựa vào học bạ THPT không quá 10% chỉ tiêu. Đối tượng xét tuyển là thí sinh đã tốt nghiệp THPT có điểm trung bình chung từng năm học THPT đạt từ 7,0 điểm trở lên, điểm tổng kết các môn từng năm học, thuộc tổ hợp xét tuyển đạt từ 7,5 trở lên; Xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do các trường đại học trong nước tổ chức không quá 20% chỉ tiêu.
Điều kiện xét tuyển, thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội tối thiểu 75/150 điểm hoặc có kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM đạt tối thiểu 600/1.200 điểm.
Học viện Quân y tuyển sinh các ngành Y khoa (tổ hợp A00, B00); Y học dự phòng (tổ hợp B00); Dược sĩ đại học (tổ hợp A00). Đối tượng tuyển sinh là thí sinh nam, nữ trong cả nước, trong và ngoài Quân đội; qua sơ tuyển, đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Quốc phòng và Bộ GD&ĐT.
Học viện cũng dự kiến sẽ tuyển sinh ngành Y khoa và Dược sĩ hệ dân sự (sẽ có thông báo chính thức vào tháng 3/2024). Học viện xét tuyển 2 phương thức: xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, tuyển học sinh giỏi (không quá 15% chỉ tiêu), xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT, xét tuyển từ kết quả thi Đánh giá năng lực do các trường đại học trong nước tổ chức (không quá 20% chỉ tiêu). Với phương thức này, Học viện Quân y xét tuyển thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà nội từ 75/150 điểm trở lên; Có kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM 600/1200 điểm trở lên.
Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, năm 2024 các phương thức xét tuyển vẫn cơ bản giữ ổn định.
Trong đó, mỗi trường đại học với đặc thù đào tạo của mình có thể điều chỉnh phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh. Tuy nhiên, quy chế tuyển sinh cũng nêu rõ trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học, phải làm rõ được căn cứ khoa học, căn cứ thực tiễn của việc sử dụng phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và các chỉ tiêu phân bổ.
Đối với việc các trường có sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ trong khi một số trường khác thông báo bỏ hẳn phương án xét tuyển bằng học bạ, thí sinh không cần lo lắng sẽ đánh mất cơ hội. Dù xét tuyển hay đánh giá thí sinh bằng phương thức nào đi nữa cũng dựa vào kiến thức nền tảng, cốt lõi của thí sinh nên các em cứ yên tâm học và ôn tập theo định hướng của nhà trường, thầy cô.