Hà Nội

Thêm nhiều quy định để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng

26-05-2023 09:38 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã có nhiều quy định cụ thể để bảo vệ quyền lợi giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 26/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, về khái niệm người tiêu dùng, có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức. Loại ý kiến thứ hai cho rằng không cần thiết đưa "tổ chức" vào khái niệm "người tiêu dùng". Sau khi nghiên cứu ý kiến ĐBQH, UBTVQH thống nhất bổ sung đối tượng "tổ chức" vào nội dung quy định giải thích từ ngữ về người tiêu dùng; đồng thời bổ sung thuật ngữ "tiêu dùng bền vững".

Đưa nhiều quy định cụ thể để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung quy định tại khoản 10 Điều 4 theo hướng khi sử dụng dịch vụ công người tiêu dùng được bảo vệ theo quy định của Luật này và pháp luật khác có liên quan. Đồng thời, để ngăn chặn việc cung cấp các dịch vụ không bảo đảm chất lượng, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 36 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ công) không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, giao kết.

Bổ sung nghĩa vụ của người tiêu dùng, cụ thể: "Bảo đảm cung cấp chính xác, đầy đủ về các nội dung thông tin liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh. Chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ theo quy định của pháp luật". Dự thảo Luật quy định nghĩa vụ kiểm tra hàng hóa được thực hiện theo quy định của pháp luật, không áp dụng bắt buộc đối với tất cả sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, dự thảo Luật đã có nhiều quy định cụ thể về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với các giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, như quy định việc tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có các trách nhiệm chung; quy định về giao dịch trên không gian mạng, giao dịch trên nền tảng số (bổ sung, hoàn thiện nhiều nội dung và giải pháp để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng như quy định về trách nhiệm chung của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng; xác thực danh tính tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên nền tảng số… Bên cạnh đó, nội dung này còn được điều chỉnh theo pháp luật về thương mại điện tử cũng như pháp luật khác có liên quan.

Đưa nhiều quy định cụ thể để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng - Ảnh 2.

Các ĐBQH tham dự Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sáng 26/5.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết thêm, về hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội, dự thảo Luật đã có nhiều quy định để tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (trong đó có Hội bảo vệ người tiêu dùng) như đại diện người tiêu dùng khởi kiện khi có yêu cầu và ủy quyền hoặc tự mình khởi kiện vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng…

Đồng thời, dự thảo Luật đã quy định cụ thể các hoạt động của Hội khi tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phân loại rõ các loại hình tổ chức xã hội để có căn cứ thực hiện việc Nhà nước giao nhiệm vụ, hỗ trợ kinh phí và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.

Về giải quyết tranh chấp tại Tòa án, UBTVQH lựa chọn phương án quy định rõ về việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, để đảm bảo các giao dịch từ 100 triệu đồng trở lên vẫn có thể áp dụng thủ tục rút gọn quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự, dự thảo Luật chỉnh sửa theo hướng vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự hoặc khi có đủ một số điều kiện cụ thể được quy định trong dự thảo Luật.

Ngoài ra, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện các quy định nhằm đảm bảo cân bằng quyền lợi của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong mối quan hệ với người tiêu dùng.

ĐBQH hiến kế chặn đứng tình trạng "trồng rau 2 luống, nuôi lợn 2 chuồng" nhằm bảo vệ người tiêu dùngĐBQH hiến kế chặn đứng tình trạng 'trồng rau 2 luống, nuôi lợn 2 chuồng' nhằm bảo vệ người tiêu dùng

SKĐS - Tiếp tục chương trình Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, chiều 5/4, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).


Lê Bảo
Ý kiến của bạn