Hà Nội

Thêm nhiều cây bút trẻ viết về biển đảo Tổ quốc

19-01-2021 04:41 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trong dòng chảy văn học Việt Nam, bên cạnh những tác phẩm nổi tiếng của các “cây đại thụ”, gần đây đã xuất hiện nhiều tác phẩm về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc do các tác giả trẻ thế hệ 7x, 8x sáng tác.

Không ít nhà văn, nhà thơ gạo cội cho rằng, viết về biên giới, biển đảo thời điểm này rất khó vì những người đi trước đã khai thác nhiều. Tuy nhiên, cái tài của các cây bút trẻ là họ đã có cách tiếp cận mới, cách nhìn mới, tạo được những “cột mốc” thiêng liêng ở biên giới, hải đảo.

Đó là Lữ Mai - Trần Thành với cuốn Nơi đầu sóng gồm 21 tản văn, ghi chép và bộ ảnh chọn lọc minh họa xoay quanh chủ đề biển đảo, cuộc sống của người chiến sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 và trên những con tàu... Cuốn sách tạo ấn tượng riêng bắt đầu từ những điều mến thương, bình dị nhất nơi biển đảo: Những hồi còi tàu thao thiết chào cảng, những loài hoa kiêu hãnh nở giữa bốn bề sóng biếc, cơn mưa đầu mùa gột muối mặn nắng rang làm dịu nước da đen cháy... Với góc nhìn cận cảnh hướng đến từng con người, sự vật cụ thể, Nơi đầu sóng mang đến cho độc giả trải nghiệm tình yêu, xúc cảm và niềm tin lan tỏa.

Một số cuốn sách văn học về biển đảo của các tác giả trẻ tạo sức hút gần đây.

Một số cuốn sách văn học về biển đảo của các tác giả trẻ tạo sức hút gần đây.

Theo đánh giá của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Nơi đầu sóng đã trở thành một con tàu đưa ông tới những vùng đảo xa của Tổ quốc mà ông chưa từng được đến. “Tôi đã được sống, được chìm vào và được cảm nhận bằng mọi giác quan những cơn mưa biển, những hồi còi tàu, những đêm biển đầy sao, những ngọn hải đăng, những câu chuyện về những người lính đảo, những người mẹ, người vợ ở đất liền, những lớp học và các thầy cô... Tất cả những cảnh đó, người kia cách tôi ngàn trùng sóng vỗ nhưng giờ đây đang hiện diện trong chính đời sống ngày ngày của tôi ở mọi nơi chốn” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.

Trường ca Sóng trầm biển dựng của nhà thơ Đoàn Văn Mật, Nước non mặt biển của nhà thơ Nguyễn Quang Hưng trong thời gian qua cũng đã được ghi nhận. Cả hai tác phẩm trên đều lấy cảm hứng từ hình ảnh người chiến sĩ hải quân đang ngày đêm canh giữ quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc. Với lối viết giàu cảm xúc, kỹ lưỡng, đậm chất suy tưởng và chiêm nghiệm, Đoàn Văn Mật và Nguyễn Quang Hưng đã dựng nên vẻ đẹp ngàn đời của biển Việt Nam, tái hiện lịch sử khai phá, bám đảo, giữ đảo hào hùng và đau thương của cha ông ta ngày trước, những người lính hải quân hôm nay.

Biển xanh màu lá của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về Trường Sa, về cuộc sống của những người lính, người dân, những con người tuy bình dị mà quả cảm đang ngày đêm làm việc, sinh sống và chiến đấu để bảo vệ Trường Sa. Câu chuyện bắt đầu từ khi Phương, một tân binh ra đảo nhận nhiệm vụ và kết thúc khi Phương trở lại đất liền. Giới chuyên môn cho rằng Biển xanh màu lá đã cắm thêm những cột mốc chủ quyền bằng văn chương cho quần đảo thiêng liêng, bất khả xâm phạm của chúng ta - đó là Trường Sa.

Ngoài ra, còn có các tác phẩm về biển đảo của những tác giả trẻ được chú ý như Thư con gửi Trường Sa (Hồng Diệu), Dấu chân biển cả (Phùng Hiệu), Sóng hát (Phạm Phương Lan), Tiếng chuông trong bão (Phan Trung Thành), Cánh chim chắn bão (Huỳnh Mẫn Chi), Về phía bình minh (Võ Thu Hương)...

Nhà thơ Trịnh Công Lộc, một trong những tác giả thế hệ trước được trao giải Nhất “Giải thưởng Sáng tác về biên giới, hải đảo” vào cuối 2020 với bộ 3 tác phẩm Từ biển mà đi, Thơ viết về biển, Mộ gió chia sẻ: Biên giới và hải đảo bao giờ cũng truyền cảm hứng mạnh mẽ đến văn nghệ sĩ.

Và thời gian đã chứng minh mảng sáng tác về biên giới, biển đảo đang ngày càng lớn mạnh, với nhiều sự dấn thân của các tác giả, nhất là những tác giả trẻ qua nhiều tác phẩm đã vươn tới câu chuyện của thời đại mới.


Phạm Hoa
Ý kiến của bạn