Ngộ độc thực phẩm tại trường học đang là nỗi lo
Ngày 17/11, vụ ngộ độc nghiêm trọng tại trường iSchool Nha Trang khiến hơn 600 em học sinh ngộ độc thực phẩm, trong đó có một trường hợp tử vong. Vụ việc đã được cơ quan chức năng xác định có dấu hiệu tội phạm trong vụ ngộ độc.
Theo kết quả mà Viện Pasteur Nha Trang công bố, đã phát hiện vi khuẩn Salmonella trong mẫu cánh gà chiên, vi khuẩn Bacillus cerus trong mẫu cánh gà chiên và mẫu nước mắm. Chủng Bacillus cerus trong hai mẫu trên là chủng sinh độc tố ly giải hồng cầu và độc tố ruột không ly giải hồng cầu. Ngoài ra, vi khuẩn Escherichia coli cũng được phát hiện trong mẫu cánh gà chiên.
Vụ việc nghiêm trọng này đã trở thành nỗi lo của hàng chục triệu gia đình có con em đang tuổi đến trường.
Ngày 23/11, công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố vụ án Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo Điều 317 Bộ luật Hình sự, xảy ra tại trường iSchool Nha Trang.
Trước đó, tối 21/11, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản về đã tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.
Thật buồn là chỉ sau có vài ngày lại xảy ra vụ nghi ngộ độc thực phẩm ở trường học. Khoảng 15h ngày 25/11, 16 học sinh trường Tiểu học Nguyễn Trãi, phường 7, TP Mỹ Tho (Tiền Giang) có biểu hiện nôn ói, đau bụng, tiêu chảy… sau khi được ăn bánh, dưa hấu và uống sữa. Các học sinh đã được ban giám hiệu nhà trường đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang cấp cứu, theo dõi và điều trị.
Trước sự việc này, nhiều bậc phụ huynh bày tỏ sự lo lắng, sợ hãi, một tài khoản FB chia sẻ: "Hôm bữa thì trường quốc tế bị ngộ độc và nhập viện nhiều học sinh, nay tới trường này. Thà chịu cực đưa rước cho con ăn uống ở nhà cho chắc." Tâm tư của vị phụ huynh này cũng đồng cảm với nhiều bậc cha mẹ có con đang tuổi đến trường và ăn bán trú tại trường học như tài khoản có tên Lưu Hoàng K. nhận xét: "Tình trạng báo động trong môi trường giáo dục về an toàn vệ sinh thực phẩm, đáng quan ngại".
Vì nhiều lý do như phụ huynh khó bố trí thời gian đưa đón con, chăm lo ăn uống giữa hai ca học sáng, chiều nên giải pháp học tập bán trú để học sinh có thể ở lại trường vào buổi trưa để ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt được đại đa số các bậc cha mẹ đồng thuận.
Mô hình này không chỉ phát triển ở các thành phố mà ngày càng phổ biến ở nhiều địa phương. Phụ huynh đều có suy nghĩ cho con em ăn nghỉ bán trú ở trường không chỉ giải quyết được bài toán đi lại mà còn bảo đảm con được nghỉ ngơi và ăn uống đủ chất dinh dưỡng, hợp vệ sinh, tránh được tình trạng nhiều học sinh lớn ăn hàng quán rong không đảm bảo an toàn vệ sinh.
Thấy gì qua những tồn tại qua kiểm tra bếp ăn trường học ở Hà Nội?
Ngày 24/11/2022, Sở Y tế Hà Nội tổ chức hội nghị truy xuất nguồn gốc thực phẩm nhằm tìm ra các giải pháp trong quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm.
Thông tin tại Hội nghị cho biết, thời gian qua, TP Hà Nội đã thành lập các đoàn thanh kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm tập trung vào điều kiện an toàn thực phẩm và kiểm soát nguyên liệu đầu vào tại bếp ăn tập thể các trường học.
Qua kiểm tra 215 cơ sở có 182 cơ sở đạt, chiếm tỷ lệ 84,7%. 100% danh sách nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm được niêm yết, công khai tại trường. Một số tồn tại ở các bếp ăn tập thể như khu bàn chia đồ ăn chín chưa phù hợp, thiếu dụng cụ che đậy bảo quản đồ ăn chín tại khu vực ra đồ. Một số bếp ăn tập thể chưa có xe chuyên dụng để vận chuyển suất ăn sẵn, chưa có biện pháp để bảo quản đồ ăn chín theo quy định, thùng rác tại một số nơi trong khu vực bếp không có nắp đậy kín…
Về truy xuất nguồn gốc, Trưởng phòng Chuyên môn nghiệp vụ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Lê Thị Hằng cho biết, tổng số cơ sở kiểm tra giám sát, truy xuất nguồn gốc là 75 trường. Qua giám sát kiểm tra, đa số các trường chủ động kiểm soát nguồn gốc thực phẩm sử dụng trong bếp ăn tập thể, công khai các đơn vị đã được lựa chọn.
Tuy nhiên, thực hành của nhân viên sơ chế, đóng gói chưa được thường xuyên, còn sơ chế và đóng gói nguyên liệu trực tiếp dưới nền nhà. Nhiều trường chưa thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc, kiểm tra giám sát định kỳ và đột xuất tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm thực phẩm cung cấp nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm cho bếp ăn tập thể. Các đơn vị cung cấp thực phẩm (rau, củ, quả) chưa chứng minh được nguồn gốc đến địa chỉ trồng trọt.
Trước những số liệu nêu trên, đòi hỏi các địa phương, các cơ quan chức năng phải phối hợp với các bếp ăn tập thể tại trường học nghiêm túc triển khai chỉ đạo của Bộ Giáo dục & Đào tạo về yêu cầu rà soát quy trình thực hiện bữa ăn học đường, kiểm soát chặt nguồn thực phẩm vào trường học khi tổ chức bữa ăn học đường nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng của học sinh.
Chúng ta đều hiểu, dinh dưỡng có vai trò cực kỳ quan trọng đối với con người ngay từ khi còn là một bào thai trải dài suốt các giai đoạn phát triển của cơ thể, đồng thời tăng sức đề kháng ngăn ngừa bệnh tật. Nhưng chế độ dinh dưỡng ấy không chỉ cần đầy đủ dưỡng chất, cân đối mà còn cần bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. An toàn thực phẩm phải được quan tâm, chú trọng từ khâu nuôi trồng, sản xuất, nguồn gốc sản phẩm tới lưu thông, vận chuyển và chế biến... mới có thể bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng
Câu nói " Bệnh từ miệng vào" vẫn còn nguyên giá trị, nhất là khi tình trạng an toàn thực phẩm vẫn là một nỗi canh cánh không chỉ với học sinh mà với toàn xã hội. Giải quyết nỗi lo này không thể đặt riêng trách nhiệm cho một cơ quan, một cá nhân nào mà đòi hỏi ý thức vào cuộc của cả cộng đồng. Sẽ không có nhiều người tiêu dùng thông thái nếu không có một cộng đồng những người sản xuất có lương tâm, trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng!
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cách bảo quản trái cây và rau quả luôn tươi ngon