Mới đây, ĐH Quốc gia TP.HCM vừa có công bố lịch thi đánh giá năng lực 2024. Theo đó, năm nay, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM tiếp tục được phát triển theo hướng ổn định, bền vững. Kỳ thi được tổ chức 2 đợt, trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, đợt 1 dự kiến tổ chức vào ngày 7/4/2024 và đợt 2 dự kiến tổ chức vào ngày 2/6/2024. Ngoài 21 địa điểm đã tổ chức trong năm 2023, kỳ thi cũng dự kiến sẽ bổ sung thêm hai điểm thi tại tỉnh: Bình Phước và Tây Ninh.
ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ định hướng tiếp tục được mở rộng quy mô kỳ thi đánh giá năng lực trong năm 2025; đồng thời cấu trúc đề thi sẽ có điều chỉnh để phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM được tổ chức lần đầu từ năm 2018, với mục tiêu tuyển chọn được người học có năng lực tốt, phù hợp với triết lý giáo dục toàn diện. Kỳ thi hướng đến việc đánh giá các năng lực quan trọng của thí sinh để học đại học như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề…
Sau 6 năm tổ chức, số lượng thí sinh đăng ký tăng lên. Năm 2018, gần 5.000 thí sinh (đến từ khoảng 616 trường THPT đăng ký dự thi), đến năm 2023 con số này là hơn 100.000 thí sinh (đến từ 1.815 trường THPT). Số lượng đăng ký dự thi năm 2023 tăng 9% so với năm 2022 và tăng hơn 50% so với năm 2021.
ĐH này cũng mở rộng công tác phối hợp tổ chức, nếu năm 2018, kỳ thi tổ chức trong phạm vi 7 trường đại học thành viên, đến năm 2023 đã có 47 trường đại học, cao đẳng trong cả nước cùng tham gia phối hợp. Số lượng các trường đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi cũng tăng theo từng năm, từ 7 trường năm 2018 lên đến 97 trường vào năm 2023. Trong thực tế, số lượng này cao hơn do có những đơn vị chưa gửi văn bản chính thức về việc sử dụng kết quả thi.
Trước đó, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đã công bố lịch 6 đợt thi đánh giá tư duy trong năm 2024. Theo đó, đợt thi đầu tiên diễn ra vào ngày 2 và 3/12/2023 và đợt cuối vào ngày 15 và 16/6/2024. Các đợt thi đều diễn ra vào thứ bảy, chủ nhật để tạo thuận lợi cho thí sinh. Các đợt thi đánh giá tư duy sẽ được tổ chức tại 8 địa phương: Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng.
Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá tư duy sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi có thời hạn trong hai năm và có thể sử dụng điểm số này để đăng ký xét tuyển vào các trường đại học chấp nhận kết quả này. Các ngành tuyển sinh đại học có thể sử dụng kết quả kỳ thi được mở rộng, bao gồm khoa học công nghệ, kinh tế, kỹ thuật, công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, y dược.
Đối với ĐH Quốc gia Hà Nội, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2024 dự kiến có 6 đợt thi từ tháng 3 đến tháng 6/2024, tổ chức vào các ngày thứ bảy và chủ nhật. Kỳ thi sẽ tổ chức tại 10 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Theo Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Tiến Thảo cho biết, về cơ bản kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 sẽ tương tự năm 2023. Về quy chế thi, theo ông Nguyễn Tiến Thảo, có một số thí sinh không nghiêm túc, cố tình gian lận, vi phạm quy chế nhưng chế tài xử lý chưa đủ mạnh. Bên cạnh đó, việc thí sinh, thậm chí là giáo viên tham gia thi để lấy đề về ôn luyện cũng làm ảnh hưởng đến uy tín của kỳ thi. Vì vậy, Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ bổ sung chế tài xử lý với thí sinh cố tình vi phạm quy chế như cấm thi, hủy kết quả, thông báo cho các đơn vị liên quan để có hình thức kỷ luật (hạ hạnh kiểm, cấm thi, dừng tuyển sinh 1-2 năm).
Thi đánh giá năng lực, tư duy để làm gì?
Kỳ thi đánh giá năng lực và Kỳ thi đánh giá tư duy đều là các kỳ thi được tổ chức riêng và các trường đại học sử dụng kết quả của kỳ thi đó để xét tuyển. Cả hai kỳ thi cùng hướng đến mục tiêu kiểm tra năng lực (sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý dữ liệu hay giải quyết vấn đề) của thí sinh. Kỳ thi cũng nhằm đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh đại học và đồng thời tăng thêm cơ hội trúng tuyển cho thí sinh, hướng nghiệp cho học sinh trên nền tảng kiến thức và năng lực cá nhân.
Đối với học sinh/thí sinh: Giúp các thí sinh sẽ gia tăng cơ hội vào được các trường đại học mà các em mong muốn; Đánh giá được năng lực toàn diện của các em học sinh THPT, từ đó giúp các em hướng nghiệp sau này.
Đối với các đơn vị tuyển dụng: Thông qua kỳ thi đánh giá năng lực này, biết được năng lực và kiến thức chính xác hơn của thí sinh qua các môn học và hiểu biết về xã hội; Ngoài ra, kỳ thi này còn giúp kiểm tra trình độ cơ bản của các thí sinh như sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, phân tích dữ liệu và giải quyết các vấn đề. Từ đó, các trường Đại học chủ động dễ dàng đạt được mục đích tuyển sinh của mình đề ra; Đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh nhằm chọn được nhiều sinh viên chất lượng hơn.