Bệnh nhân V. T. A. T., sinh năm 1988 (Đồng Tháp) được chuyển từ tuyến dưới đến BV ĐKTƯ Cần Thơ từ ngày 22/7 với chẩn đoán: Nhiễm SARS-CoV2 mức độ nặng, sốc nhiễm khuẩn và viêm phổi nặng ở bệnh nhân đang mang thai 22 tuần. Đây là lần mang thai thứ 3 của bệnh nhân.
Được biết, cách nhập viện 6 ngày, bệnh nhân khởi phát mệt, khó thở, ho đờm được nhập viện địa phương điều trị SARS-CoV2. Tuy nhiên sau 6 ngày nhập viện, tình trạng suy hô hấp ngày càng nặng, huyết áp tụt phải can thiệp đặt nội khí quản, thở máy, sử dụng vận mạch. Ngay lập tức, người bệnh được chuyển lên Trung tâm Hồi sức tích cực quốc gia (BV ĐKTƯ Cần Thơ) điều trị.
Sản phụ nhập viện trong tình trạng hôn mê, tụt huyết áp, thở máy thông số cao, sốt cao liên tục. Các bác sĩ chẩn đoán sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan, viêm phổi nặng do SARS-CoV-2. Bệnh nhân được hồi sức tích cực, sử dụng thuốc an thần liều cao, lọc máu liên tục bằng quả hấp phụ cytokines. Tuy nhiên tình trạng suy hô hấp vẫn tiến triển rất nặng.
Ê-kíp tiến hành hội chẩn trực tuyến với chuyên gia Hồi sức tích cực Bệnh viện Chợ Rẫy và tiến hành can thiệp ECMO cho bệnh nhân với mong muốn có thể cứu sống cả mẹ lẫn con.
Tuy nhiên, sau khi hội chẩn nhiều chuyên khoa (Sản, Hồi sức, Gây mê hồi sức...) và chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ cho rằng, sản phụ nhiễm COVID-19 thể nặng ảnh hưởng nặng đến chức năng hô hấp.
Trao đổi ôxy qua màng ngoài cơ thể (extracorporeal membrane oxygenation ECMO) là phương pháp cấp cứu hô hấp tuần hoàn khi tim hay phổi hoặc cả hai đều không thể hoạt động bình thường.
Sau 16 ngày sử dụng kỹ thuật ECMO, lọc máu liên tục sử dụng quả lọc hấp phụ nhiều đợt, thay huyết tương, hồi sức nội khoa tích cực, kháng sinh phổ rộng, tình trạng bệnh nhân đã phục hồi dần, chỉ số cận lâm sàng đang cải thiện, đã ngưng được ECMO.
Trong cả quá trình điều trị, bệnh nhân được theo dõi, đánh giá liên tục và sử dụng phối hợp các biện pháp hồi sức tích cực với kỹ thuật ECMO, thở máy bảo vệ phổi, lọc máu hấp phụ cytokines, chống đông phòng huyết khối, kháng sinh chống nhiễm khuẩn, dinh dưỡng và tập vật lý trị liệu .
Đến nay, sau gần 01 tháng điều trị, chức năng phổi và toàn trạng bệnh nhân dần hồi phục. Bệnh nhân cai được ECMO và máy thở, đang thở oxy qua canyl, người bệnh tỉnh táo, tiếp xúc được với các bác sĩ. Xét nghiệm Realtime-PCR cho kết quả âm tính ba lần.
Trước đó, ngày 24/7, Trung tâm cũng đã cứu sống kỳ diệu cả mẹ lẫn con cho một sản phụ mang thai 34 tuần, nhiễm COVID-19 nặng phải can thiệp ECMO.
Bên cạnh việc thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, cấp cứu cho người dân trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ cũng đang nỗ lực chống dịch, đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế và người bệnh với nhiều biện pháp như:
- Chia ca kíp nhân viên y tế để giảm mật độ người và dự phòng tình huống bị lây nhiễm.
- Giảm tải chủ động số lượng người bệnh điều trị nội trú
- Bố trí nhân viên làm vệ sinh, bảo vệ… làm việc theo vị trí cố định theo khoa/phòng và làm việc trái giờ, hạn chế tiếp xúc với nhân viên y tế
- Xét nghiệm cho toàn bộ người trong bệnh viện bao gồm nhân viên y tế, người bệnh, người nuôi bệnh, các đơn vị thuê ngoài như bảo vệ, siêu thị…định kỳ 3 ngày/lần bằng kỹ thuật RT-PCR.
- Thực hiện tiêm ngừa cho nhân viên y tế, bệnh nhân lọc máu định kỳ và nhân viên các đơn vị có hợp đồng làm việc trong bệnh viện. Đến nay tỷ lệ tiêm ngừa đã đạt gần 100%.
Từ giữa tháng 8 đến nay, bệnh viện đã xét nghiệm liên tục 3 đợt cho toàn bộ người trong bệnh viện, tất cả đều cho kết quả âm tính. Bệnh viện đã truy vết kịp thời nguồn lây các ca nhiễm COVID- 19 phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc, không ảnh hưởng đến công tác điều trị của bệnh viện.
Hiện trong khu vực nội trú BV ĐKTƯ Cần Thơ đang điều trị 328 trường hợp, hầu hết là các trường hợp bệnh nặng, bệnh phức tạp và khám bệnh điều trị ngoại trú khoảng 350 trường hợp/ngày.
BSCK 2 Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc bệnh viện cho biết: Bệnh viện thực hiện nghiêm chỉ đạo Bộ Y tế không từ chối tiếp nhận người bệnh cấp cứu, người bệnh nặng, nguy kịch tới khám và điều trị; kể cả những người bệnh nghi mắc hay mắc COVID-19.