Ngày 15/3, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã có thông báo đến các phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, yêu cầu các đơn vị nhắc nhở, chỉ đạo các trường chủ động cảnh báo cho phụ huynh học sinh về thủ đoạn lừa đảo mới xuất hiện trong thời gian gần đây trên trên địa bàn.
Ông Trần Nguyễn Minh Thành, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Đà Nẵng khuyến cáo để tránh bị sập bẫy thủ đoạn lừa đảo bằng cách giả danh giáo viên gọi điện cho phụ huynh thông báo con bị tai nạn đang cấp cứu, từ đó hối thúc chuyển tiền để phẫu thuật rồi chiếm đoạt, các phụ huynh cần thận trọng trong việc tiếp nhận thông tin.
Ông cũng lưu ý thêm: "Các giáo viên chủ nhiệm phải sẵn sàng nghe điện thoại, trao đổi với phụ huynh về tình hình của học sinh, tránh trường hợp phụ huynh không liên hệ được giáo viên, hoảng loạn và chuyển tiền theo yêu cầu của người lạ…".
Theo ghi nhận, những ngày qua, một số phụ huynh trên địa bàn TP. Đà Nẵng có con theo học tiểu học và THCS nhận được nhiều cuộc điện thoại của người tự xưng là giáo viên của con và thông báo học sinh vừa bị tai nạn tại trường học, được thầy/cô đưa đi cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng chấn thương nặng, cần được phẫu thuật gấp. Các đối tượng đã yêu cầu phụ huynh chuyển gấp một số tiền lớn để ứng viện phí để các cháu được cứu chữa kịp thời.
Theo anh N.V.Đ, có con đang học tại Trường tiểu học L.L (TP. Đà Nẵng) cho biết, khi đang đi làm ở xa thì anh Đ. nhận được một cuộc gọi từ số điện thoại lạ, người này tự xưng là giáo viên của con anh Đ. và thông báo cháu bị tai nạn tại trường học đang được cấp cứu ở Khoa Cấp cứu, BV Đà Nẵng.
"Người tự xưng là giáo viên nói giọng rất gấp gáp, hoảng loạn… thông báo bé bị chấn thương rất nặng và yêu cầu tôi chuyển khoản 50 triệu đồng để ứng viện phí thì mới được mổ. Khi hỏi về tình trạng sức khỏe của bé, thì ngay lập người này đã chuyển điện thoại cho một giọng nam thứ 2 tự xưng là bác sĩ Khoa Cấp cứu và một lần nữa bác sĩ này cũng yêu cầu chuyển tiền gấp", anh Đ. kể.
Cũng theo phụ huynh Đ., sau khi nhắn tin số tài khoản thì các đối tượng lừa đảo liên tục gọi điện hối thúc như đang "ngồi trên đống lửa" để tạo niềm tin.
"Họ gửi số tài khoản nói là của BV, yêu cầu chuyển gấp để cứu mạng con tôi. Sau đó không thấy tiền đâu, những kẻ lừa đảo này liên tục gọi để hối thúc. Tôi có hỏi vị trí ở đâu để người thân chạy đến BV gặp đưa tiền trực tiếp thì phía bên kia im lặng", anh Đ. nói thêm.
Trước sự việc trên, các trường đã phát đi thông báo đến phụ huynh qua các kênh thông tin cảnh báo về tình trạng lừa đảo. Trong đó nhấn mạnh, trong thời gian học sinh ở trường, nếu có tình huống các con té ngã hay các sự cố không mong muốn khác, ban giám hiệu nhà trường hoặc giáo viên chủ nhiệm sẽ gọi điện thoại trực tiếp cho phụ huynh thông qua số điện thoại cá nhân chứ không uỷ quyền cho bất cứ ai bên ngoài hoặc bệnh viện để gọi điện thoại báo. Vì vậy, các trường cũng mong quý phụ huynh bình tĩnh, cảnh giác, không thực hiện bất kỳ yêu cầu nào của đối tượng xấu.
Bên cạnh đó, một số trường và giáo viên chủ nhiệm cũng đồng thời chuyển thông báo của nhà trường qua các nhóm zalo để phụ huynh cẩn trọng trước thông tin lừa đảo trên.
Được biết, tính đến nay, tại Đà Nẵng chưa ghi nhận trường hợp người dân nào bị mất tiền vì thủ đoạn lừa đảo trên. Tuy nhiên, để phòng ngừa tình trạng "sập bẫy" các đối tượng lừa đảo, nhiều trường học trên địa bàn Đà Nẵng đã nhanh chónh phát thông báo cảnh báo sự việc trên đến phụ huynh học sinh. Ngoài nội dung thông báo của nhà trường, các giáo viên chủ nhiệm còn nhắn kèm thêm số điện thoại cá nhân để phụ huynh có thể gọi điện xác minh.