Thêm một ca thuyên tắc ối được cứu sống ở tuyến tỉnh

16-02-2014 20:54 | Thời sự

SKĐS - BVĐK tỉnh Khánh Hòa vừa cứu sống cả mẹ và con một sản phụ bị thuyên tắc ối. “Đây là ca bệnh hy hữu, một trường hợp thập tử nhất sinh được cứu sống”

BVĐK tỉnh Khánh Hòa vừa cứu sống cả mẹ và con một sản phụ bị thuyên tắc ối. “Đây là ca bệnh hy hữu, một trường hợp thập tử nhất sinh được cứu sống” - BS. Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trưởng khoa Sản, BVĐK tỉnh Khánh Hòa, người trực tiếp tham gia ca cấp cứu cho biết.

Sản phụ Hòa đang dần hồi phục sức khỏe. Ảnh: Thảo Ly

Sản phụ Lê Thị Hòa, 37 tuổi, mang thai lần 3, tuần thứ 41, được người nhà đưa đến Trạm Y tế phường Cam Lợi, TP. Cam Ranh ngày 7/2/2014 chờ sinh. Tuy nhiên, sau 4 ngày theo dõi tại trạm, chị Hòa được chuyển lên BV Cam Ranh, với chẩn đoán: thai lần 3, tuần 41 chuyển dạ kéo dài. Sau khi được nhập viện, đến 15h20, ngày 11/2/2014, sản phụ Hòa vỡ ối tự nhiên nhưng có dấu hiệu tím tái, khó thở. Các bác sĩ của BV Cam Ranh nhận thấy tình trạng bệnh nhân chuyển biến xấu đã khẩn trương sơ cứu và chuyển cấp cứu đến BVĐK tỉnh Khánh Hòa lúc 16h51 cùng ngày với chẩn đoán: thai lần 3, tuần thứ 41 chuyển dạ, ối vỡ, đề nghị theo dõi tắc mạch ối.

Tại Khoa Cấp cứu ban đầu, BVĐK tỉnh Khánh Hòa, tình trạng của sản phụ rất nguy kịch: mạch không đếm được, huyết áp không đo được, toàn thân tím tái... Bệnh nhân được xử trí hồi sức khẩn cấp với chẩn đoán chuyển dạ, ối vỡ, theo dõi tắc mạch ối, cần mổ ngay để bảo đảm an toàn tính mạng cho trẻ và mẹ. Vừa hồi sức tích cực, vừa mổ lấy thai được bé gái nặng 3,2kg, nhưng có chỉ số Apgar: 6đ/1p, cháu được hồi sức sơ sinh và chuyển Khoa Nhi chăm sóc. Trong quá trình mổ, truyền máu và hồi sức tích cực, huyết áp của bệnh nhân Hòa đã được tăng lên 80/50mmHg. Nhưng đến sáng hôm sau sản phụ có dấu hiệu xuất huyết ổ bụng, các chỉ số về huyết học như hồng cầu, Fibrinogen... đều giảm nhiều. Trước tình hình nguy cấp của sản phụ, một cuộc hội chẩn toàn viện với sự tham gia của lãnh đạo Bệnh viện, Khoa Sản, Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức đã đi đến quyết định tiến hành phẫu thuật lần 2. Giải thích lý do phải tiến hành phẫu thuật lần 2, BS. Tâm cho biết, sản phụ Hòa được mổ lần 1 trong tình trạng huyết áp không đo được, khi đóng ổ bụng huyết áp rất thấp nên mạch máu vẫn đang xẹp, khi truyền máu huyết áp được nâng lên rất dễ dẫn đến chảy máu. Một nguyên nhân nữa là do sản phụ thiếu ôxy trong thời gian dài, rối loạn đông máu... “Trong sản khoa, việc tiến hành phẫu thuật lần 2 là hoàn toàn bình thường”, BS. Tâm khẳng định.

Sau phẫu thuật lần 2, cắt tử cung toàn phần, truyền 14 đơn vị máu (cả 2 lần phẫu thuật), sức khỏe của chị Hòa đã ổn định trở lại với mạch đo được: 90 lần/phút, huyết áp 130/90mmHg... Bệnh nhân đã ăn cháo được, thể trạng phục hồi tốt, hiện đã rút ống dẫn lưu.

Tuy đã vượt qua cơn nguy kịch nhưng bệnh nhân Hòa vẫn phải tiếp tục được các thầy thuốc theo dõi. Ảnh: BVĐK Khánh Hòa cung cấp

Đến chiều 16/2, BS. Nguyễn Thị Thanh Tâm cho PV báo SK&ĐS biết, hiện nay sản phụ Hòa đang tiếp tục được cấp cứu với biểu hiện suy thận vì thiếu ôxy trong thời gian dài. Theo chỉ định của các bác sĩ, trong thời gian tới, sản phụ sẽ phải tiến hành chạy thận trong khoảng 5 ngày, nếu điều trị nội khoa tốt, bệnh nhân sẽ được ra viện ngay sau đó. Còn về cháu bé, hiện nay da dẻ hồng hào và đã bú được.

Kinh nghiệm được rút ra sau ca cấp cứu ngoạn mục này được BS. Nguyễn Thị Thanh Tâm chia sẻ đó là sự phối hợp rất tốt giữa tuyến trên và tuyến dưới. Đặc biệt, BVĐK Cam Ranh đã chẩn đoán được nguy cơ nguy hiểm đối với tính mạng của sản phụ và cháu bé. Cùng với đó là trong suốt quá trình chuyển viện đã có sự chuẩn bị tốt như đặt nội khí quản, truyền dịch... Khi đến BVĐK tỉnh Khánh Hòa, các thầy thuốc đã chuẩn bị đầy đủ các phương án để đưa sản phụ Hòa vào ngay phòng mổ, xử trí kịp thời.

Minh Khánh


Ý kiến của bạn