Theo hồ sơ bệnh án, ngày 9/7, bệnh nhân (BN) vào BVĐK khu vực 333, huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk trong tình trạng sốt cao 410C, rét run, ra mồ hôi, đau đầu, lơ mơ, tiếp xúc kém. Ngay sau đó, BN được chuyển lên BVĐK vùng Tây Nguyên điều trị. Kết quả xét nghiệm cho thấy BN mắc sốt rét ác tính (SRAT).
BN cho biết, trước khi phát hiện mắc SR, anh thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy nên bị muỗi cắn. Do chủ quan nên khi sốt, anh không nhập viện điều trị ngay mà ở nhà, đến khi bệnh trở nặng thì người nhà mới đưa anh nhập viện điều trị.
ThS. BSCKII Trịnh Hồng Nhựt, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BVĐK vùng Tây Nguyên cho biết, BV đang tiến hành lọc máu liên tục để điều trị cho BN. Đến nay, sức khỏe BN đã vào giai đoạn tương đối ổn định nhưng vẫn phải tích cực theo dõi, điều trị.
Có thể nói SRAT là thể bệnh sốt rét nặng có nhiều biến chứng rất dễ có nguy cơ dẫn đến tử vong. Chúng thường xảy ra trên những BN sốt rét bị nhiễm loại ký sinh trùng Plasmodium falciparum hoặc nhiễm phối hợp có Plasmodium falciparum; tuy vậy các nhà khoa học cũng lưu ý ở những vùng đã có hiện tượng ký sinh trùng SR kháng thuốc chloroquin, nếu bị nhiễm loại ký sinh trùng Plasmodium vivax và Plasmodium knowlesi cũng có thể gây ra SRAT.
Điều trị cho bệnh nhân mắc sốt rét.
Dấu hiệu của SRAT và xử trí
Dấu hiệu dự báo SRAT có biểu hiện rối loạn ý thức nhẹ, thoáng qua như li bì, cuồng sảng, vật vã...; sốt cao liên tục; rối loạn tiêu hóa như nôn, tiêu chảy nhiều lần trong ngày, đau bụng cấp; đau đầu dữ dội, thiếu máu nặng, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt... Sau đó BN chuyển sang SRAT với các biểu hiện lâm sàng của biến chứng nặng như: rối loạn ý thức, hôn mê, mệt lả người, co giật, thở sâu và rối loạn nhịp thở, phù phổi cấp hoặc hội chứng suy hô hấp cấp, khó thở; suy tuần hoàn hoặc sốc, suy thận cấp, vàng da và niêm mạc, chảy máu tự nhiên hoặc tại chỗ tiêm truyền...
Khi phát hiện bệnh nhân sốt rét có dấu hiệu dự báo SRAT hay đã chuyển sang SRAT, cần phải nhanh chóng xử trí can thiệp bằng thuốc điều trị đặc hiệu và thực hiện các phương pháp điều trị hỗ trợ để hạ nhiệt độ cơ thể, cắt cơn co giật; chống sốc, suy hô hấp cấp, suy thận cấp; chống thiếu máu do huyết tán hoặc xuất huyết, hạ đường huyết, tiểu huyết cầu tố; điều chỉnh rối loạn nước, điện giải, kiềm toan và chăm sóc, nuôi dưỡng. Trong biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng người bệnh, cần lưu ý đến việc chăm sóc tình trạng hôn mê của BN đúng theo yêu cầu cần thiết để hỗ trợ tích cực cho việc điều trị biến chứng có hiệu quả nhằm giúp người bệnh thoát khỏi sự nguy kịch có thể dẫn đến tử vong.
Các biện pháp phòng bệnh
- Thường xuyên ngủ màn, ngay cả ban ngày và màn cần được tẩm hóa chất diệt muỗi. Đây là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh sốt rét.
- Sử dụng một số biện pháp xua đuổi muỗi như: dùng vợt muỗi, nhang đốt muỗi, thoa kem chống muỗi, khi làm việc vào buổi tối cần được trang bị quần áo dài tay để đề phòng muỗi đốt.
- Cần vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở, loại bỏ những nơi trú ẩn của muỗi như phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, sắp xếp vật dụng trong nhà ngăn nắp, sạch sẽ, quần áo phải được xếp gọn gàng không nên treo hay móc quần áo trên tường làm chỗ cho muỗi đậu, vv...
- Những người đi làm ở vùng rừng núi cần mang theo màn để ngủ, trước khi đi nên đến cơ sở y tế để được cấp thuốc uống phòng và khi trở về từ vùng rừng núi nên đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, nếu có bị sốt rét sẽ được điều trị kịp thời.
- Khi thấy các triệu chứng của bệnh sốt rét như: rét run, sốt nóng sau đó vã mồ hôi hoặc cảm thấy ớn lạnh, gai rét, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.