Thêm mối lo từ chương trình hạt nhân Triều Tiên

18-03-2021 14:08 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngày 17/3, Tướng Glen VanHerck - Chỉ huy Bộ Tư lệnh phương Bắc của Mỹ (NORTHCOM) kiêm Chỉ huy Bộ Tư lệnh phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD) tuyên bố, Triều Tiên có thể thử nghiệm thiết kế ICBM mới “trong tương lai gần”, sau hơn 3 năm tạm ngưng những vụ thử tên lửa chiến lược.

Thành công đáng báo động

Cảnh báo từ người đứng đầu USNORTHCOM được đưa ra dựa trên việc Triều Tiên đã công bố về loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) lớn nhất của nước này tại một cuộc duyệt binh hồi tháng 10/2020. Phát biểu tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Tướng VanHerck khẳng định mẫu tên lửa “được cho là lớn hơn và mạnh hơn” của Bình Nhưỡng sẽ làm tăng thêm những mối đe dọa mới đối với Washington. Ông VanHerck khẳng định Triều Tiên đã đạt được “thành công đáng báo động” trong việc theo đuổi năng lực hạt nhân và tên lửa tầm xa.

“Chính quyền Triều Tiên cho thấy họ không còn bị ràng buộc với thỏa thuận ngừng thử hạt nhân và ICBM được ký kết hồi năm 2018 nữa, vì vậy nên ông Kim Jong-un có thể sẽ bắt đầu thử nghiệm một mẫu ICBM cải tiến trong tương lai gần” - Tướng VanHerck nhận xét. Được biết, ngay cả trong thời gian ngừng thử nghiệm, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vẫn kêu gọi chính quyền nước này tiếp tục chế tạo vũ khí hạt nhân, phóng một loạt tên lửa nhỏ và hé lộ nhiều thông tin mới về ICBM.

Các chuyên gia nhận định tên lửa mới của Triều Tiên có vẻ được thiết kế dựa trên Hwasong-15, vốn là ICBM có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và đạt tầm bắn xa nhất trong kho vũ khí nước này. Xe chở kiêm bệ phóng (TEL) dành cho ICBM mới của Triều Tiên có đến 11 trục và 22 bánh xe, dài hơn cả tên lửa hạt nhân lớn nhất là Hwasong-15. Một quan chức giấu tên trong chính phủ Mỹ còn cho biết, Triều Tiên đã xuất hiện một số dấu hiệu chuẩn bị phóng tên lửa trong vài tuần qua.

Hãng tin NHK (Hàn Quốc) trích lời nhà phân tích Ankit Panda thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế nhận định rằng, dù cảnh báo của tướng Glen VanHerck không gây ra sự ngạc nhiên, nhưng những nhận xét về mối đe dọa từ cuộc thử nghiệm ICBM mới của Triều Tiên rất đáng lưu tâm.

Triều Tiên đã công bố về loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) lớn nhất của nước này.

Triều Tiên đã công bố về loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) lớn nhất của nước này.

Mỹ suy tính mối quan hệ với Triều Tiên

Thông điệp lo ngại trên được chỉ huy USNORTHCOM công bố chỉ một ngày trước khi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin có chuyến thăm đầu tiên tại Hàn Quốc kể từ khi nhậm chức. Giới chuyên gia nhận định, thông qua chuyến thăm của 2 Bộ trưởng Mỹ, Seoul đang cố gắng điều phối và tác động đến quá trình xem xét chính sách về Triều Tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Hàn Quốc mong muốn bảo đảm phối hợp về chính sách với Mỹ trong việc nối lại cuộc đàm phán bị đình trệ với Triều Tiên, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo.

Ngày 16/3, bà Kim Yo Jong - em gái Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đưa ra một thông điệp cứng rắn khi chỉ trích các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn, đồng thời khẳng định Triều Tiên sẽ theo dõi thái độ và hành vi của Hàn Quốc trong tương lai và nếu nước này trở nên khiêu khích hơn, Bình Nhưỡng có thể thực hiện các biện pháp đặc biệt như mạnh dạn hủy bỏ thỏa thuận quân sự liên Triều.

Ngày 15/3 trước đó, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận chính quyền Tổng thống Joe Biden gần đây đã tìm cách tiếp cận Triều Tiên để đối thoại về chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này, song đến nay Bình Nhưỡng chưa có phản hồi. Người phát ngôn Jalina Porter nói: “Để giảm nguy cơ tình hình leo thang, bắt đầu từ tháng 2, chúng tôi đã liên hệ với Chính phủ Triều Tiên thông qua một số kênh, bao gồm cả ở New York, nhưng cho tới nay, chúng tôi chưa nhận được phản hồi nào từ Bình Nhưỡng”.

Đến ngày 17/3, kênh tin tức NBC News (Mỹ) đưa tin rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang sử dụng những lời lẽ “bớt gay gắt” đối với Triều Tiên nhằm tránh sự leo thang căng thẳng không cần thiết trước khi hoàn tất rà soát chính sách đối với Bình Nhưỡng. Người phát ngôn của Nhà Trắng Jen Psaki nêu rõ: “Mục tiêu của chúng tôi luôn là tập trung vào các biện pháp ngoại giao và phi hạt nhân hóa ở Triều Tiên”.


Hà Anh
Ý kiến của bạn