Thêm lợi ích của tiêm vaccine phòng COVID-19 trong quá trình mang thai

01-10-2022 14:05 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS- Theo kết quả một nghiên cứu mới đây đăng trên Tạp chí The Journal of Infectious Diseases, phụ nữ mang thai mắc COVID-19 và sau đó tiêm vaccine phòng COVID-19 trước khi sinh thì có nhiều khả năng truyền kháng thể bảo vệ cho trẻ sơ sinh hơn những phụ nữ không được tiêm phòng.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 trong quá trình mang thai giúp tăng cường khả năng miễn dịch ở trẻ sơ sinh

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học tại Đại học California, Los Angeles (Mỹ), đã tiến hành đánh giá cả những bà mẹ đã tiêm và chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 sau mắc COVID-19. Họ đã thu thập mẫu máu của 148 bà mẹ và 122 trẻ sơ sinh khi mới sinh. Khi được 6 tháng, 45 mẫu khác được thu thập từ mẹ và 48 mẫu từ trẻ sơ sinh của họ. Lý giải về giảm số lượng bà mẹ và trẻ được đánh giá tại thời điểm 6 tháng, nhóm nghiên cứu cho biết một số đối tượng nghiên cứu đã không tiếp tục tham gia, cũng như một số bà mẹ đã sinh đôi và sinh ba trẻ.

Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Mary Cambou, giảng viên lâm sàng thuộc Khoa bệnh truyền nhiễm của Đại học California, cho biết: "Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng những bà mẹ có tiền sử mắc COVID-19 trong khi mang thai có thể truyền kháng thể cho con của họ khi sinh. Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi đã đi sâu đánh giá một số yếu tố, bao gồm: thời gian, mức độ nghiêm trọng của bệnh COVID-19 và tình trạng tiêm chủng sau đó, ở cả mẹ và trẻ sơ sinh tại thời điểm mới sinh và lúc 6 tháng".

Kết quả cho thấy, vào thời điểm mới sinh, 78% số trẻ sơ sinh của tất cả các bà mẹ trong nghiên cứu có kháng thể kháng SARS-CoV-2. Trong đó bao gồm tất cả trẻ sinh ra từ những bà mẹ đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 và khoảng 3/4 số trẻ của những bà mẹ chưa được tiêm chủng. Ngay cả vào thời điểm 6 tháng sau sinh, 52% trẻ sơ sinh trong nghiên cứu vẫn có kháng thể kháng SARS-CoV-2.

Thêm lợi ích của tiêm vaccine phòng COVID-19 trong quá trình mang thai - Ảnh 2.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 trước khi sinh có khả năng truyền kháng thể bảo vệ trẻ sơ sinh

Ý nghĩa thực tiễn của nghiên cứu

Các nhà khoa học cho biết, sự hiện diện của kháng thể kháng SARS-CoV-2 ở trẻ sơ sinh là do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm: trẻ sơ sinh của các bà mẹ được tiêm vaccine phòng COVID-19 có nhiều kháng thể hơn khi sinh ra so với những trẻ được sinh ra từ các bà mẹ không được tiêm chủng và các kháng thể này có thể suy giảm dần theo thời gian.

Theo các chuyên gia, ngay cả khi phụ nữ bị mắc COVID-19 trong khi mang thai thì việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho họ cũng có thể là một chiến lược hiệu quả để tăng cường kháng thể cho bản thân họ và cả những trẻ sinh ra còn ở độ tuổi quá nhỏ chưa thể tiêm phòng được.

Các nhà khoa học cho rằng: "Trạng thái tiêm phòng sau mắc COVID-19 và trước khi sinh là yếu tố dự báo về mức độ kháng thể kháng SARS-CoV-2 ở trẻ sơ sinh khi mới sinh. Đáng chú ý là nồng độ kháng thể kháng SARS-CoV-2 ở trẻ sơ sinh giảm đáng kể sau 6 tháng, điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của khả năng bắt đầu có thể tiến hành hoạt động tiêm vaccine phòng COVID-19 ở trẻ sớm nhất là 6 tháng sau sinh".

Xuất hiện nhiều biến thể mới, Bộ Y tế yêu cầu đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19Xuất hiện nhiều biến thể mới, Bộ Y tế yêu cầu đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19

Trước tình hình Việt Nam đang xuất hiện nhiều biến thể mới của Omicron như BA.4, BA.5, BA2.74, BA 2.12.1 lây lan nhanh, mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố; Các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur; Các Bệnh viện trực thuộc Bộ về việc tăng cường công tác tiêm vaccine COVID-19 và phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.

Mời xem video nhiều người quan tâm:

Cảnh báo nguy cơ nhiễm độc thuốc giảm cân khi tự ý sử dụng


BS.Tài Văn
Ý kiến của bạn