Thêm hơn 2.000 giường bệnh để giảm nằm ghép

02-04-2015 09:33 | Thời sự
google news

SKĐS - Từ đầu năm 2015 đến nay, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đã được bổ sung hơn 2.000 giường bệnh.

 

Từ đầu năm 2015 đến nay, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đã được bổ sung hơn 2.000 giường bệnh.

Cùng với đó, hàng loạt các trang thiết bị kỹ thuật cao đã được đưa vào sử dụng đã không chỉ giúp người bệnh được chẩn đoán, điều trị bệnh nhanh, chính xác mà còn làm rút ngắn thời gian điều trị, từ đó góp phần không nhỏ làm cho tình trạng quá tải bệnh viện được giải tỏa…

Thêm giường bệnh, thêm trang thiết bị hiện đại: Người bệnh hưởng lợi

Liên tục trong thời gian gần đây, hàng loạt công trình khám chữa bệnh hiện đại với trang thiết bị đồng bộ đã lần lượt được khánh và đưa sử dụng tại nhiều BV lớn tuyến TW ở cả hai miền Nam, miền Bắc.

Mới đây nhất, ngày 28/3, Trung tâm Ung bướu hiện đại của BV Việt Nam- Thụy Điển Uông Bí đã khánh thành và đưa vào sử dụng với quy mô 200 giường bệnh và hệ thống máy xạ trị hiện đại nhất miền Bắc. Phát biểu tại lễ khánh thành trung tâm, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh việc đầu tư xây dựng trung tâm này nhằm dần hoàn thiện Hệ thống khám và điều trị bệnh ung thư trên toàn quốc theo quy hoạch, tiến tới xây dựng BV Việt Nam- Thụy Điển Uông Bí thành BVĐK hoàn chỉnh tuyến TW, phát huy vai trò của BV vùng Đông Bắc, góp phần thực hiện cam kết không để bệnh nhân phải nằm ghépgiảm tải cho BV chuyên khoa tuyến TW.

Thủ tưởng Nguyễn Tấn Dũng cùng các lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo TP HCM và BV Thống Nhất cắt băng khánh thành khu điều trị mới.
Thủ tưởng Nguyễn Tấn Dũng cùng các lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo TP HCM và BV Thống Nhất cắt băng khánh thành khu điều trị mới.

Trước đó một tuần, sáng ngày 22/3, tại TP Hồ Chí Minh, BV Thống Nhất đã tổ chức tổng kết dự án Dự án cải tạo BV Thống Nhất giai đoạn 1 gồm 2 tòa nhà chính với quy mô 7 tầng, gồm 500 giường bệnh và khu vực phòng khám được xây dựng với diện tích sử dụng trên 87.500m2. Dự án đã nâng số giường điều trị nội trú của BV từ 700 lên 1.200 giường, đảm bảo bệnh nhân vào điều trị nội trú có đủ 1 người/giường, không để bệnh nhân nằm ghép hoặc chuyển tuyến vì thiếu giường, góp phần chia sẻ áp lực giảm tải các BV trong khu vực.

Đặc biệt, trong tháng 2/2015, một loạt công trình, hạng mục của các BV lớn chuyên khoa đặc thù được đưa vào sử dụng. Theo đó, ngày 26/2, tòa nhà kỹ thuật công nghệ cao của BV Việt Đức có tổng diện tích sàn hơn 27.500 mét vuông, với 365 giường bệnh, gồm 7 khoa lâm sàng. Tòa nhà kỹ thuật đi vào hoạt động, BV có thêm khu chẩn đoán hình ảnh, khu xét nghiệm và 22 phòng mổ hiện đại, nâng tổng số giường bệnh của BV lên 1.450 giường với 52 phòng mổ, trong đó có phòng mổ công nghệ cao đạt tiêu chuẩn châu Âu đã được khánh thành và đưa vào sử dụng.

Cũng trong ngày 26/2, Khu khám bệnh 15 tầng có diện tích sử dụng 90.000 mét vuông gồm: khu khám bệnh, khoa Cấp cứu chống độc và Trung tâm phẫu thuật nội soi Nhi khoa có ứng dụng người máy của BV Nhi TW đã được khánh thành và đưa vào sử dụng.

Ngày 24/2, BVĐK TW Thái Nguyên cũng khánh thành và đưa vào sử dụng công trình nhà 7 tầng điều trị nội trú ngoại khoa với 200 giường bệnh.

Đầu tháng 2 (ngày 9/2), Bộ Y tế đã khánh thành và đưa vào sử dụng Khu khám bệnh và điều trị kỹ thuật cao- BV Lão khoa TW. Tòa nhà này được xây dựng hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế cho phép kê 150 giường bệnh nội trú và tiếp nhận 500 bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú mỗi ngày.

Việc bổ sung thêm giường bệnh với trang thiết bị hiện đại, đồng bộ đã giúp các BV giảm quá tải và thực hiện cam kết không để bệnh nhân nằm ghép, đặc biệt là ở một số BV đã và đang quá tải như BV Việt Đức, BV Nhi TW, BV Thống nhất...

Đã có 41 BV cam kết không để bệnh nhân nằm ghép

Tính đến đầu tháng 4/2015, đã có 23/38 BV tuyến TW; 18 BV tuyến cuối của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh ký cam kết không để người bệnh nằm ghép theo 3 khoảng thời gian là ngay sau khi nhập viện, sau 24 giờ nhập viện và sau 48 giờ nhập viện. Cùng với việc không để người bệnh nằm ghép, quy trình khám chữa bệnh tại hầu hết các BV cũng được tinh giản đến mức tối đa, được rút gọn để giảm thời gian chờ đợi của người bệnh trong khám chữa bệnh, từ đó làm tăng sự hài lòng của người bệnh đối với ngành y tế.

Để tiếp tục thực hiện cam kết vì người bệnh này, theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế tiếp tục xây dựng, cải tạo và mở rộng được nhiều bệnh viện, tăng tỷ lệ giường bệnh/ vạn dân; Phát triển và duy trì hiệu quả hoạt động của mạng lưới bệnh viện vệ tinh bao gồm 14 BV hạt nhân và 46 bệnh viện vệ tinh.

Bệnh viện Nội tiết TW cơ sở 2 Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội đã không còn bệnh nhân phải nằm ghép. 
Ảnh: TM
Bệnh viện Nội tiết TW cơ sở 2 Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội đã không còn bệnh nhân phải nằm ghép. Ảnh: TM

Phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình bao gồm 155 phòng khám bác sĩ gia đình, đang hoạt động thí điểm và bước đầu mang lại kết quả tích cực. Tăng cường quản lý chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, tiếp nhận xử lý thông tin đường dây nóng; Rút ngắn ngày điều trị nội trú hợp lý; Tăng cường kết hợp với các bệnh viện trên địa bàn để chuyển bệnh nhân sang (mô hình vệ tinh); hoặc chuyển bệnh nhân sau khi đã điều trị ổn định về tuyến dưới tiếp tục theo dõi điều trị.

Tuy nhiên, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng cho rằng, chính các BV cũng phải tăng cường vai trò quản lý, điều hành, giao quyền và trách nhiệm cho lãnh đạo các khoa lâm sàng, điều dưỡng trưởng bệnh viện, trưởng khoa để tăng cường điều trị ngoại trú, hạn chế bệnh nhân vào điều trị nội trú để tương ứng với số xuất viện hàng ngày.

Đồng thời, linh hoạt điều động, bố trí giường bệnh giữa các khoa, giường bệnh tạm kê thêm (giường gấp, cáng…), thậm chí kê cho phép kê thêm giương bệnh ở hành lang nhưng phải đảm bảo “ấm về mùa đông và mát về mùa hè” và tăng cường kiểm tra, giám sát đưa vào nội dung báo cáo tình trạng nằm ghép trong giao ban hàng ngày của các khoa và BV.

Thái Bình

 

 

 


Ý kiến của bạn