Hà Nội

Thêm hàng trăm người sập bẫy website giả mạo ngân hàng

29-06-2020 08:24 | Pháp luật
google news

SKĐS - Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an vừa phối hợp với Công an tỉnh Thừa Thiên Huế triệt phá, làm rõ nhóm đối tượng giả mạo website ngân hàng, dịch vụ chuyển tiền, từ đó chiếm đoạt tiền của người dùng.

Từ tháng 10/2019 đến thời điểm bị bắt, nhóm đối tượng này đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 117 tỷ đồng của nhiều nạn nhân ở khắp các tỉnh, thành phố.

Chiếm đoạt hơn 117 tỷ đồng của nhiều nạn nhân

Theo Đại tá Phạm Văn Toàn - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, liên quan đến đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet quy mô hơn 117 tỷ đồng do đối tượng Lê Anh Tuấn (SN 1989, trú tỉnh Quảng Trị) cầm đầu vừa được đơn vị phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an triệt phá, hiện số nạn nhân của đường dây lừa đảo này đã lên đến gần 500 trường hợp. Phần lớn nạn nhân là những người bán hàng online ở khắp các tỉnh thành như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, TP. Hồ Chí Minh...

Ngoài những người kinh doanh, bán hàng online bị đường dây của Lê Anh Tuấn nhắm đến, nhóm đối tượng này còn thực hiện hành vi lừa đảo đối với cả những người có đăng tin bán một số sản phẩm trên các trang hội, nhóm. Cụ thể như trường hợp của anh N.H.T.C. (37 tuổi, trú phường Bến Nghé, quận 1, TP. Hồ Chí Minh). Anh C. cho biết, ngày 4/6 mới đây, anh đăng nội dung bài viết trên trang website Chợ tốt để bán 1 chiếc loa âm thanh với giá 12 triệu đồng. Ít giờ sau, có một người nhắn vào zalo anh C. đồng ý mua chiếc loa. Người này cho biết đang ở nước ngoài, sau khi chuyển tiền mua hàng sẽ nhờ anh C. vận chuyển chiếc loa đến nhà người thân ở đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh). Không lâu sau, điện thoại anh C. nhận được tin nhắn có nội dung “Western Union xin thông báo: Số dư tài khoản thay đổi 12 triệu đồng”. Tiếp đó, người này yêu cầu anh C. điền đầy đủ các thông tin vào một trang website để hoàn tất thủ tục nhận 12 triệu đồng. Vì tin tưởng nên anh C. làm theo thì sau đó, 100 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của anh “không cánh mà bay”.

Một trường hợp khác là chị Nguyễn T.V. (chủ shop áo quần thời trang ở TP. Huế) được một người mua hàng vào facebook hỏi mua 4 cái áo. Người này cho biết đang sống ở Mỹ và yêu cầu chị V. chuyển hàng đã mua theo địa chỉ được cung cấp. Tiếp đó, người này gửi cho chị V. một đường link đề nghị truy cập điền đầy đủ thông tin cá nhân thì mới nhận được tiền bán hàng. Tin tưởng nên chị V. làm theo hướng dẫn, cung cấp mã OTP xác nhận thông tin và sau đó toàn bộ số tiền hàng chục triệu đồng trong tài khoản của chị V. cũng “biến mất”. Ngoài các trường hợp trên, cơ quan công an vừa làm rõ 1 nạn nhân ở TP. Hồ Chí Minh bị đường dây này lừa đảo rút hơn 3 tỷ đồng trong tài khoản.

3 đối tượng trong đường dây lừa đảo qua mạng internet bị bắt giữ.

3 đối tượng trong đường dây lừa đảo qua mạng internet bị bắt giữ.

Không cung cấp mã xác thực OTP cho bất cứ ai

Làm rõ về hành vi của các đối tượng, Đại úy Lưu Thanh Tùng - Đội trưởng Đội phòng ngừa, đấu tranh tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài, phòng CSHS Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đối tượng Lê Anh Tuấn từng tốt nghiệp một trường đại học đào tạo về công nghệ thông tin tại TP. Đà Nẵng. Để thực hiện các phi vụ lừa đảo, Tuấn cấu kết với Nguyễn Tuấn Dũng (SN 1994, trú tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) và Nguyễn Ngọc Thành (SN 1989, trú tại tỉnh Quảng Trị) thuê trọ tại số nhà 29/48 đường Ngự Bình, phường An Cựu, TP. Huế.

Cụ thể, Dũng, Thành chịu trách nhiệm lập nhiều facebook ảo có độ tin cậy cao, lên mạng vào các diễn đàn, hội nhóm tìm kiếm thông tin của những người bán hàng online, nhắn tin trò chuyện mua hàng. Riêng Lê Anh Tuấn trực tiếp thiết kế, tạo ra nhiều website giả mạo ngân hàng, website giả mạo dịch vụ chuyển tiền trung gian từ nước ngoài về Việt Nam như http://www.westers-unions.com/un... để thực hiện rút tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân. Khám xét nơi ở của các đối tượng, lực lượng công an thu giữ 6 ĐTDĐ, 2 laptop lưu trữ tài liệu phạm tội và 1 hệ thống chỉnh âm thanh để chỉnh, giả giọng nói cùng nhiều tang vật, tài liệu liên quan khác. Từ tháng 10/2019 đến thời điểm bị bắt, nhóm đối tượng này đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 117 tỷ đồng của nhiều nạn nhân ở các tỉnh, thành trong cả nước.

Để phòng tránh các thiệt hại gây ra bởi tấn công lừa đảo trực tuyến, các chuyên gia khuyến nghị, người dùng không click vào những link bất thường; trang bị phần mềm bảo mật phù hợp. Đặc biệt, người dùng cần phải để ý, kiểm tra kỹ tên miền của trang web trước khi điền thông tin tài khoản; không cung cấp mã xác thực OTP cho bất cứ ai, ngay cả nhân viên ngân hàng; không cho mượn hoặc cho thuê thông tin cá nhân để mở thẻ, tài khoản ngân hàng...


Thế Vinh
Ý kiến của bạn