Bộ GD&ĐT vừa công nhận hoạt động của tổ chức ACQUIN (Viện kiểm định, chứng nhận và đảm bảo chất lượng, Đức) tại Việt Nam. Tổ chức ACQUIN được thực hiện các hoạt động đánh giá, công nhận theo quy trình và các tiêu chuẩn ghi trong hồ sơ đề nghị đối với các chương trình đào tạo trình độ ĐH theo quy định của pháp luật Việt Nam. Thời hạn hoạt động của tổ chức ACQUIN tại Việt Nam là 5 năm đối với việc đánh giá, công nhận chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học kể từ ngày 9/1/2024.
Trước đó, ngày 8/1, Bộ GD&ĐT cũng đã ký quyết định công nhận hoạt động của tổ chức International Centre of Excellence in Tourism and Hospitality Education (THE-ICE) tại Việt Nam.
Theo đó, tổ chức THE-ICE được thực hiện các hoạt động đánh giá, công nhận theo quy trình và các tiêu chuẩn ghi trong hồ sơ đề nghị đối với các cơ sở giáo dục có chương trình đào tạo trình độ ĐH các nhóm ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Cùng ngày, tổ chức The Accreditation Council for Business Schools and Programs (ACBSP - Hội đồng kiểm định các trường và chương trình kinh doanh) đến từ Mỹ cũng được công nhận hoạt động tại Việt Nam.
Tổ chức ACBSP được thực hiện các hoạt động đánh giá, công nhận theo quy trình và các tiêu chuẩn ghi trong hồ sơ đề nghị đối với các chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi (nhóm ngành kinh tế học); kinh doanh và quản lý; du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân (nhóm ngành du lịch; khách sạn, nhà hàng).
Tổ chức ABET (Hội đồng kiểm định các chương trình đào tạo kỹ thuật và công nghệ) đến từ Mỹ cũng được Bộ GD&ĐT công nhận hoạt động tại Việt Nam. Theo đó, ABET được thực hiện các hoạt động đánh giá, công nhận theo quy trình và các tiêu chuẩn ghi trong hồ sơ đề nghị đối với các chương trình giáo dục ĐH, gồm các lĩnh vực đào tạo trình độ đại học về máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật; các lĩnh vực đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ về khoa học sự sống, khoa học tự nhiên, toán và thống kê, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng, môi trường và bảo vệ môi trường.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, cả 4 tổ chức này có trách nhiệm duy trì, đáp ứng các điều kiện hoạt động theo quy định pháp luật Việt Nam, minh bạch thông tin về hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục tại Việt Nam thông qua việc gửi các báo cáo đánh giá ngoài cơ sở giáo dục về Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT sau khi kết thúc mỗi cuộc đánh giá.
Bên cạnh đó, định kỳ hàng năm các tổ chức kiểm định giáo dục này phải báo cáo Bộ GD&ĐT về kết quả hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục tại Việt Nam vào trước ngày 31/12 và báo cáo về sự thay đổi (nếu có) liên quan đến tình trạng pháp lý của tổ chức. Đồng thời, tuân thủ các quy định về giám sát tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và quy định pháp luật khác có liên quan của Việt Nam.
Hiện Việt Nam có 17 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục gồm:
5 trung tâm kiểm định thuộc các cơ quan nhà nước là: Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia TP.HCM; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Đà Nẵng; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Vinh; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội các trường Đại học, cao đẳng Việt Nam.
2 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục tư nhân là: Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn (Công ty Cổ phần đầu tư giáo dục TP.HCM); Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long (Công ty Cổ phần đầu tư giáo dục Hà Nội).
Ngoài 4 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hoạt động tại Việt Nam vừa được Bộ GD&ĐT công nhận mới đây thì trước đó có 6 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, gồm: HCERES, AUN-QA, QAA, FIBAA, AQAS và ASIIN. Thời gian được công nhận và hoạt động tại Việt Nam là 5 năm. Cả 3 tổ chức FIBAA, AQAS, ASIIN có trụ sở tại Đức, HCERES có trụ sở ở Pháp, AUN-QA có trụ sở tại Thái Lan và QAA có trụ sở tại Anh.