Hà Nội

Thêm gần 800 bác sĩ chuyên khoa II và thạc sĩ đào tạo tiếp cận chuẩn quốc tế cho các bệnh viện

30-12-2019 09:12 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trong hai ngày 26 và 27/12, Trường Đại học Y Hà Nội đã long trọng tổ chức lễ tốt nghiệp và trao bằng cho gần 800 bác sĩ chuyên khoa cấp II và thạc sĩ được đào tạo theo hình thức mới, tiếp cận chuẩn quốc tế.

 

Nét mới của lễ tốt nghiệp và trao bằng năm nay là thay vì trước đây chỉ có Ban Giám hiệu trao bằng cho tất cả các học viên, năm nay, việc trao bằng do Hiệu trưởng cùng với một thầy/cô lãnh đạo đơn vị khoa hoặc bộ môn chuyên ngành có học viên tốt nghiệp.

GS.TS. Tạ Thành Văn - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội phát biểu tại buổi lễ

Theo PGS.TS. Lê Minh Giang – Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo Sau đại học của Trường Đại học Y Hà Nội: Mục đích là để thầy cô bộ môn đã trực tiếp đào tạo các học viên cùng có mặt trong giờ phút quan trọng để chào tiễn các em.

Ngoài ra, nhằm vinh danh học viên đã phấn đấu đạt được học vị cao nhất trong hệ đào tạo thực hành (bác sĩ chuyên khoa cấp II) và hệ hàn lâm (tiến sĩ), từng học viên đạt các học vị này được nhận Bằng với một thầy trong Ban giám hiệu và một thầy/cô lãnh đạo Bộ môn chuyên ngành. Các cấp học khác như thạc sỹ, chuyên khoa I, bác sĩ nội trú, được nhận Bằng theo một nhóm 4 người mỗi lần trao.

GS.TS. Tạ Thành Văn và lãnh đạo bộ môn trao Bằng tốt nghiệp cho các tân thạc sĩ

Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS. Tạ Thành Văn - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội – nhấn mạnh: Việc các học viên được nhận Bằng tốt nghiệp hôm nay, là kết quả nỗ lực suốt 2 năm qua của từng học viên, của các thầy cô hướng dẫn, cũng như của các cán bộ công nhân viên nhà trường. Đào tạo sau đại học liên tục đổi mới để nâng cao chất lượng và nhân lên uy tín và thương hiệu vốn có của Trường Đại học Y Hà Nội, với việc cung cấp cho xã hội những bác sĩ có trình độ tay nghề cao, có đạo đức nghề nghiệp tốt, và thông thạo ngoại ngữ trong chuyên môn và giao tiếp.

Hiệu trưởng nhà trường cũng yêu cầu đổi mới hoạt động thông qua đề cương luận văn cho các học viên bác sĩ chuyên khoa cấp II và thạc sĩ theo định hướng “Giảm thiểu các yêu cầu như họp Hội đồng nhưng không “thả nổi”. Bởi nếu gần 600 học viên mà cứ “thả” ra, để tự “bơi” với một thầy hướng dẫn, mà thầy lại bận, thì nguy cơ cao ảnh hưởng đến chất lượng luận văn. Trước mắt sẽ tiến hành thí điểm ở một số chuyên ngành, bộ môn có ít học viên trước.

Tân bác sĩ chuyên khoa cấp II Nguyễn Trung Cấp- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương được nhận Bằng do thầy Hiệu trưởng và lãnh đạo bộ môn trao

Đây là năm thứ 2, Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức trao bằng sớm cho các học viên sau đại học, ngay sau khi thi tốt nghiệp 2 tháng, là một nỗ lực của nhà trường, nhằm tạo điều kiện cho các học viên sớm ổn định công việc.

GS.TS. Lê Thanh Hải – Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Phó Trưởng bộ môn Nhi của Trường Đại học Y Hà Nội nhấn mạnh yếu tố con người quyết định mọi thành bại của một đơn vị. Vì thế, việc tổ chức đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế mà Trường Đại học Y Hà Nội đang thực hiện là cơ sở để hội nhập ngày một sâu hơn.

Các học viên tri ân các thầy cô giáo trước khi tốt nghiệp

GS. TS Lê Thanh Hải mong muốn Trường Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Nhi Trung ương sẽ nhanh chóng ký hợp tác toàn diện để 2 đơn vị trở thành điển hình của sự hợp tác Viện -Trường không thể tách rời, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cho tương lai.

 

Từ năm 2017 đến nay, cùng với đổi mới chất lượng đào tạo sau đại học, Trường Đại học Y Hà Nội cũng có nhiều đổi mới trong việc tuyển sinh và thi tốt nghiệp, theo hướng quốc tế hóa.

Theo đó, việc tuyển sinh và thi tốt nghiệp đều được thi trắc nghiệm trên máy tính, đảm bảo sự công bằng, khách quan, nghiêm túc. Trường chú trọng hình thức đào tạo y khoa liên tục, đào tạo tập trung theo chứng chỉ và đặc biệt coi trọng lấy học viên làm Trung tâm với các đổi mới về tổ chức bảo vệ luận văn, trao bằng sớm, định kỳ thu thập thông tin phản hồi và triển khai hành chính một cửa nhận hồ sơ và giải quyết các thủ tục trong quá trình đào tạo cho học viên.

Trường hiện đào tạo tới 46 chuyên ngành sau đại học, là những chuyên ngành xã hội đang cần, như chẩn đoán hình ảnh, da liễu, dị ứng – miễn dịch, gây mê hồi sức, giải phẫu người, hồi sức cấp cứu, thần kinh, truyền nhiễm, vi sinh, y học gia đình, y học hạt nhân, nhi khoa, xét nghiệm y học và dinh dưỡng tiết chế vv…

Không chỉ có các học viên Việt Nam theo học, hiện còn có nhiều học viên là người nước ngoài theo học, đặc biệt là chương trình đào tạo thạc sĩ Y tế công cộng hoàn toàn bằng tiếng Anh của nhà trường.

Với truyền thống đào tạo Sau đại học lâu đời, đến nay, Trường Đại học Y Hà Nội đã đào tạo được 29.357 học viên sau đại học, gồm 1.770 tiến sĩ, 7073 thạc sĩ, 2359 bác sĩ nội trú, 14.131 bác sĩ chuyên khoa I và 4.066 bác sĩ chuyên khoa II.

Thái Bình
Ý kiến của bạn