Hơn 40 tóm tắt về kết quả nghiên cứu của 8 thuốc khác nhau, gồm thuốc đã cấp phép và các thuốc đang nghiên cứu của AstraZeneca được báo cáo tại Hội nghị Thế giới về Ung thư phổi được tổ chức tại Singapore từ ngày 9-12/9/2023 của Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Phổi Quốc tế (IASLC). Chẳng hạn, liệu pháp trúng đích cho các đột biến thường gặp trong ung thư phổi, bao gồm EGFR và HER2, cũng như thuốc liên hợp kháng thể (ADC) kết hợp với liệu pháp miễn dịch đã đưa AstraZeneca đến gần hơn với mục tiêu đem đến một loại thuốc có thể điều trị được cho hơn một nửa số bệnh nhân ung thư phổi vào năm 2030.
"Chúng ta đang thực hiện một bước tiến quan trọng trong việc định hình tương lai của phương pháp điều trị ung thư phổi và cung cấp bằng chứng thuyết phục về tiềm năng của các liệu pháp điều trị khác nhau của chúng tôi trong việc nâng cao kết quả điều trị cho bệnh nhân ở các giai đoạn khác nhau của bệnh. Tiến bộ này tiếp thêm động lực cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của AstraZeneca trên toàn cầu và tại Việt Nam trong cuộc chiến chống lại bệnh ung thư phổi.
Chúng tôi cam kết trong việc nâng cao nhận thức, tăng cường tỷ lệ sàng lọc và chẩn đoán sớm, đồng thời tạo điều kiện cho bệnh nhân tiếp cận các dịch vụ y tế thông qua các chương trình "Vì lá phổi khỏe" và "Thương phổi", cũng như vượt qua những ranh giới của khoa học để đem đến các loại thuốc giúp thay đổi cuộc sống. Tôi tin tưởng rằng, thông qua những nỗ lực chung, chúng ta có thể cải thiện đáng kể cuộc sống của vô số bệnh nhân ung thư phổi ở Việt Nam và trên toàn thế giới", ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam cho biết.
Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các trường hợp tử vong liên quan đến ung thư trên toàn cầu, ước tính khoảng 1,8 triệu ca tử vong trong năm 2020. Các yếu tố môi trường, bao gồm ô nhiễm không khí – và đang bị trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu cũng có khả năng góp phần trong diễn tiến ung thư phổi trên toàn cầu. Các yếu tố dịch tễ học đa dạng trên thế giới đòi hỏi phương pháp điều trị chuyên biệt.
Ở châu Á, ngày càng nhiều người không hút thuốc, đặc biệt là các phụ nữ trẻ lại được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi. Ngoài ra, sự phổ biến của các yếu tố liên quan đến hệ gen đặc trưng ở Châu Á lại khác với người dân các nước phương Tây. Dân số châu Á có tần suất mang thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGFR) cao hơn và tần suất đột biến gen KRAS (Đột biến gen gây ung thư của virus Kirsten sarcoma) thấp hơn.
Giáo sư Pan-Chyr Yang, Khoa Nội, Đại học Y khoa, Đại học Quốc gia Đài Loan (Trung Quốc) cho biết: "Khuyến nghị được đồng thuận từ các chuyên gia kêu gọi những thay đổi khẩn cấp để bắt đầu các chương trình sàng lọc với chụp CT liều thấp cho người có nguy cơ mắc ung thư phổi trên toàn châu Á. Điều quan trọng là phải áp dụng những phương pháp sàng lọc có độ nhạy cao hơn trong toàn khu vực, và thúc đẩy việc phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn sớm, khi mà người bệnh còn có khả năng được chữa khỏi cao hơn".
Hướng tới mục tiêu loại bỏ ung thư như 1 nguyên nhân gây tử vong, AstraZeneca đang đầu tư vào việc sàng lọc sớm – yếu tố quan trọng để phát hiện sớm và giảm tỷ lệ tử vong do ung thư phổi. Năm 2023, lần đầu tiên có một tài liệu đồng thuận đưa ra các khuyến nghị về sàng lọc ung thư phổi ở châu Á, được xây dựng và công bố bởi LAA (Liên minh tham vọng phổi), là một liên minh toàn cầu mà AstraZeneca là một thành viên sáng lập, hướng tới mục tiêu thúc đẩy nhanh các tiến bộ và đem đến những sự cải thiện trong điều trị và hơn thế nữa cho bệnh nhân ung thư phổi.
Tại Việt Nam, AstraZeneca đã hợp tác với 6 bệnh viện trên cả nước nhằm hỗ trợ thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trên X-quang phổi. Chương trình này là một phần trong dự án sàng lọc và chẩn đoán sớm ung thư phổi toàn cầu của AstraZeneca tại Việt Nam. Với những kết quả tích cực từ nghiên cứu của tổ chức FIT được công bố tại Hội nghị Thế giới về Ung thư phổi về tiền sàng lọc ung thư phổi kết hợp với lao phổi bằng X-quang ngực thẳng có ứng dụng AI cùng một số thí điểm nói trên, từ năm 2024 trở đi, AstraZeneca sẽ mở rộng chương trình thí điểm ứng dụng AI này đến nhiều bệnh viện/tổ chức trên toàn quốc, hướng tới mục tiêu phát hiện sớm bệnh ung thư phổi thông qua bước tiền sàng lọc bằng X-quang ngực trước khi chụp CT phổi liều thấp.
Ngoài ra, AstraZeneca cũng đang triển khai chương trình "Vì lá phổi khỏe", một sáng kiến đa quốc gia nhằm nâng cao chất lượng quản lý ngoại trú bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và ung thư phổi ở 9 quốc gia châu Á. Bệnh nhân ung thư phổi Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ chương trình "Vì lá phổi khỏe Việt Nam" giai đoạn 2021-2023, đã được đồng thuận với Bản ghi nhớ ký kết giữa Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (MSA), Bộ Y tế và AstraZeneca, sau thành công của giai đoạn 1 năm 2017-2020.
Gần đây nhất, vào tháng 8 năm 2023, Bộ Y tế, Quỹ Ngày mai tươi sáng với sự đồng hành của AstraZeneca đã tổ chức phát động chiến dịch nâng cao nhận thức về ung thư phổi kéo dài 5 năm mang tên "Thương phổi" với thông điệp chính "Tầm soát ngay, sớm chữa lành". Chiến dịch này nhằm mục đích nâng cao nhận thức trong cộng đồng về bệnh ung thư phổi, thúc đẩy các chương trình sàng lọc cho những người có nguy cơ cao và tăng tỷ lệ chẩn đoán sớm để cải thiện kết quả điều trị cho bệnh nhân.