Thêm báo động tình trạng giới trẻ phạm trọng tội

22-07-2015 15:50 | Thời sự
google news

SKĐS - Sau 17 ngày quyết liệt phá án, đối tượng Vi Văn Mằn (24 tuổi - tên thường gọi là Vi Văn Hai) nghi can gây ra vụ thảm án khiến 4 người trong gia đình anh Lo Văn Thọ (bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An)...

Sau 17 ngày quyết liệt phá án, đối tượng Vi Văn Mằn (24 tuổi - tên thường gọi là Vi Văn Hai) nghi can gây ra vụ thảm án khiến 4 người trong gia đình anh Lo Văn Thọ (bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An) tử vong, đã bị cơ quan công an bắt giữ.  Đáng suy nghĩ hơn khi gần đây liên tiếp các vụ thảm án, gây rúng động dư luận đã báo động tình trạng giới trẻ phạm tội đang có xu hướng gia tăng về số vụ cũng như mức độ tàn bạo.

Ra tay tàn độc vì chuyện cỏn con

Vào khoảng 15 giờ, ngày 2/7, trong lúc đi đánh cá ở khu vực khe Cạn Tả, thuộc địa bàn bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, người dân bất ngờ phát hiện nhiều thi thể người chết nằm rải rác khắp nơi. Danh tính các nạn nhân được xác định là anh Lo Văn Thọ (28 tuổi) bà Viêng Thị Chương (mẹ anh Thọ 60 tuổi), chị Lê Thị Yến (25 tuổi, vợ anh Thọ) và con trai anh Thọ (mới 8 tháng tuổi).

Đối tượng Vi Văn Mằn – nghi can sát hại 4 người trong một gia đìnhvì mâu thuẫn cỏn con.

Ngay sau đó, Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An và Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã có công văn yêu cầu công an tỉnh và các ngành liên quan tập trung lực lượng khẩn trương điều tra vụ trọng án. Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cũng đã cử một tổ trinh sát vào để phối hợp điều tra. Đại tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo Tổng cục Cảnh sát và Công an tỉnh Nghệ An huy động lực lượng tinh nhuệ, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kỹ thuật để điều tra, khám phá vụ án trong thời gian sớm nhất.

Đến chiều 19/7, sau khi củng cố chứng cứ, lực lượng công an đã bắt giữ nghi can gây ra vụ thảm sát trên là Vi Văn Mằn (24 tuổi - tên thường gọi là Vi Văn Hai) ở cùng bản Phồng với gia đình anh Thọ. Theo lời khai ban đầu của Mằn, nguyên nhân đối tượng ra tay sát hại cả gia đình anh Thọ là do trước đó, Mằn vào hái chanh ở khu vực nhà anh Thọ, dẫm lên lúa nhà anh Thọ, nên hai bên nảy sinh mâu thuẫn. Giữa hai người xảy ra xô xát nên Mằn đã lấy con dao đi rừng của anh Thọ, chém nạn nhân chết tại chỗ. Thấy chồng bị chém, chị Yến đang bế con hoảng hốt bỏ chạy. Mằn cầm dao đuổi theo. Khi đuổi đến khu vực bờ suối, Mằn nhìn thấy bà Chương, mẹ anh Thọ đang tắm nên ra tay sát hại. Sau đó, hắn tiếp tục đuổi theo 2 mẹ con chị Yến và sát hại cả 2 mẹ con.

Kiểu sống và lối suy nghĩ của một số người trẻ có vấn đề

Nhận định về những thảm án gây chấn động dư luận gần đây mà chủ yếu do tội phạm trẻ gây nên, GS.TS. Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết, chúng ta đã từng biết đến vụ giết người yêu dã man của Nguyễn Đức Nghĩa; vụ án cướp của, giết người do Lê Văn Luyện gây nên,... Điểm giống nhau ở những vụ thảm án là những kẻ thủ ác đều trong độ tuổi thanh niên, là người lao động bình thường, chưa từng có tiền án, tiền sự. Đặc biệt, tất cả những kẻ gây tội ác đều quyết tâm thực hiện đến cùng hành vi phạm tội. Điều đó chứng tỏ những kẻ nói trên đã không hề run sợ, ngần ngại khi phạm tội ác, giết người, cướp của. Đây thực sự là điều không bình thường trong nhân cách của những cá thể này. Và cũng là những cảnh báo rất nghiêm trọng đối với xã hội nói chung.

Nhà nghiên cứu tâm lý PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý xã hội Việt Nam cho biết, nhân tố dẫn đến tình trạng này, lý giải theo cách giản đơn nhất đó là kiểu sống và lối suy nghĩ của nhiều bạn trẻ có vấn đề. Các bạn dễ chán với cuộc sống nhạt nhẽo của mình, thiếu những “gia vị” mạnh trong cuộc sống tuổi trẻ, nên phải làm cái gì đó mang tính độc đáo và thậm chí là đình đám. Cùng đó, một số bạn trẻ dễ nổi cáu vì những chuyện không đâu. Sự dễ dàng nản chí, sự lười nhác, sự nóng vội, sự ỷ lại, sự ích kỷ cá nhân ở một số bạn trẻ dễ đẩy các bạn đi đến sự ứng xử sai, sự hành động lệch lạc và việc phạm tội là rất gần. Một thực tế cũng cần được thừa nhận là hiện nay các tác động về nhân văn còn thiếu đồng bộ, hệ thống và sâu sắc. Một số bạn trẻ chưa cảm nhận được các rung động về tình thương, về lòng nhân ái và sự bao dung trong cuộc sống. Những thái độ tiêu cực, là sự nản lòng, là sự bực tức hay có những cảm xúc tiêu cực không được thẳng thắn bày tỏ dẫn đến hụt hẫng và hành vi tội ác hay phạm tội lại có thể xuất phát không ít thì nhiều từ những hẫng hụt như vậy trong cuộc sống.

Liên quan đến vấn đề này, theo ông Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đối với người chưa thành niên thì tư tưởng chung là lấy giáo dục làm chính. Nhưng nếu cứ nặng về giáo dục thì cũng không được vì hiện nay số người chưa thành niên phạm tội gia tăng, song không thể áp dụng hình phạt tử hình đối với họ được. Tuy nhiên, trong các khung hình phạt tù, tôi cho rằng cũng cần nâng mức hình phạt để đảm bảo tính răn đe. Đặc biệt đối với tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe người khác như giết người, cướp của... cần có khung hình phạt mạnh hơn nữa.

Tuấn Kiệt

 

 


Ý kiến của bạn