Thèm... bánh đa cù kỳ Móng Cái

20-04-2018 15:14 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Cách đây vài năm, lần đầu tiên tôi có dịp đi Móng Cái. Khi về có người bất ngờ hỏi: Ấn tượng gì nhất ở Móng Cái và tôi cười trừ... Cười bởi không dám nói ngay ra cái từ mình nghĩ trong đầu.

Cười vì hình  ảnh ấy đến quá nhanh, lại với một kẻ chả mấy khi biết thèm như tôi, mỗi khi nghe nói ai đó chạy cả một quãng đường chỉ để tìm ăn một món ưa thích lại lấy làm kinh ngạc. Cười còn bởi tên món ăn ấy là lạ: bánh đa cù kỳ. Đọc lần đầu thấy kỳ, lần sau lại thấy... dễ thương!

Chuyến ấy, mục đích tôi đi chẳng phải ngao du sơn thủy gì mà có tư việc nghiêm chỉnh. Bởi thế, nhăm nhăm làm cho xong việc thì hết 2 ngày. Mai mới lên xe về Hà Nội,  vậy là rảnh rỗi sinh nông nổi đi bộ ra chợ đêm. Chợ đêm Móng Cái lần đó thưa thớt, hàng hóa lèo tèo, chả có gì gọi là đặc sản địa phương, toàn đồ của anh hàng xóm, mà lại là đồ vớ vẩn. Thôi thì được cái không khí thanh bình tĩnh lặng. Ấn tượng về Móng Cái cũng chỉ đến thế. Sáng hôm sau, trước khi đi, nhóm tôi hỏi em lễ tân khách sạn: Em ơi, ở đây ăn sáng có món gì ngon? Trước khi nghe em ấy trả lời, tôi phải thú thật ngay suy nghĩ trước nay của mình khi đi các địa phương khác  mà chọn món ăn bún miến, phở cháo gì gì đó, là: “Ăn gì cũng chả ngon bằng phở Hà Nội”. Với suy nghĩ ấy đóng đinh trong đầu nên tôi khá thờ ơ khi nghe em lễ tân nhiệt tình chỉ vẽ đường ra quán ăn sáng, nghe đâu là nổi tiếng nhất ở xứ này. May mà khá gần khách sạn tôi ở. Quán có cái tên Bún, bánh đa cù kỳ nghe rất lạ tai.

Thèm... bánh đa cù kỳ Móng CáiBánh đa cù kỳ.

Vì cái tên cù kỳ lần đầu tiên nghe thấy nên tôi đứng lại rất lâu trước bàn để đồ chế biến và nồi nước dùng. Chị ơi, cù kỳ là cái gì hả chị? Bà chị bán hàng cười xởi lởi: là con cù kỳ í em. Ối, trả lời thế có khác gì không trả lời. Lại hỏi: “Nó đâu hả chị?”. Lần này thì được chỉ tận nơi rồi nhá! Biết rồi, nó là thứ giống như thịt cua bể gỡ ra rồi xào săn với hành khô, màu sắc trắng hồng khá quyện mắt. Cạnh khay thịt cù kỳ là khay... cũng cù kỳ nốt. Nhưng đây là thịt càng cù kỳ được lấy ra một cách khéo léo nên vẫn nguyên hình dáng cái càng xinh xinh trông rất hấp dẫn.

Em ăn bún hay bánh đa? Ở đây có bún tôm, bún cù kỳ, bánh đa cù kỳ..., cho em bánh đa thập cẩm nhé! Tôi gọi theo người bạn đi cùng, nhưng cô ấy ăn bún còn tôi chọn bánh đa. Bát bánh đa cù kỳ thập cẩm rất đầy đặn. Đầu tiên là người bán chần bánh đa, xếp vào bát. Sau đó là rau cải ngọt cắt khúc vừa ăn, những cọng giá trắng ngần, hành lá xanh mướt, thì là nhỏ nhẹ tinh tế. Nếu chỉ ăn cù kỳ, người bán bốc rất hào phóng một lượng cù kỳ xé nhỏ rải phủ gần kín miệng bát, rồi nhón tay đặt khẽ một miếng thịt càng cù kỳ lên trên. Nhưng bát của tôi là thập cẩm, có nghĩa là sắp đủ vị, nào là thịt cù kỳ trắng hồng, vài con tôm bóc nõn đỏ đắn cong tròn xen lẫn với miếng chả lá lốt trông ngầy ngậy, miếng chả cá vàng sậm, thêm cả 2-3 con bề bề săn chắc. Khi muôi nước dùng được chan vào thì bát bánh đa cù kỳ đã trở nên hấp dẫn khôn tả, lóng lánh ánh sao của chất tinh túy rút từ xương, thịt, thơm ngọt mùi tôm khô.

Tôi ăn đồ nước như bún, miến, phở... luôn có một thói quen là nhón tay hớt một thìa nước dùng nếm náp trước đã. Nước dùng có ngon thì mới đáng ăn, nó phải là thứ đầu vị, khơi dậy các giác quan. Thìa nước dùng tràn qua các gai vị giác khiến chúng run lên đồng loạt hoặc im lìm nằm thở dài. Sẽ có người hỏi, vậy thế còn các gia vị chua, cay như dấm tỏi, chanh, ớt thì thế nào? Ồ, có sao đâu. Mỗi thứ có giá trị riêng. Chanh chua thì có cái duyên của chanh chua. Cay nồng lại có cái hấp dẫn của cay nồng. Vấn đề là vừa miệng từng người mà thôi. Nói đến đây mới lại nghĩ, làm hàng ăn, lấy được tiền trong túi thiên hạ đâu có dễ. Tựa như một người con gái đi làm vợ người ta, lúc đầu anh nào cũng thích gấu của mình dịu dàng, ngoan ngoãn, dễ bảo càng tốt, biết yêu chiều càng hay. Nhưng khi cưới về làm vợ rồi làm mẹ, chèo chống gia đình lại muốn cô ấy sắc sảo, khôn ngoan, biết đá đáp người ngoài, lên được phòng khách xuống được phòng bếp... Quay lại với món bánh đa cù kỳ, giống như mọi món ăn nước, tôi thích nếm thứ nước dùng nguyên vị trước đã, sau đó mới thêm gia vị vào. Vị nguyên thủy khơi dậy hứng thú, kiểm chứng chất lượng nhưng nếu sau đó kết hợp với cái lại cần gia giảm gia vị chua, cay.  Giống  như một người con gái  lúc yêu tỏ rõ khí chất, phong vị thục nữ, nhưng khi đã làm vợ làm mẹ lại cần bộc lộ bản lĩnh đàn bà vậy. Nếu ăn bánh đa, phở, tôi thích cho chanh, nếu là bún tôi lại ưa dùng quất. Có lẽ là do khẩu vị riêng thôi. Có người ăn phở gà thì thích dùng với nước cốt chanh, nhưng ăn phở bò lại nhất định nêm một thìa dấm tỏi mới ưng, chả nên tranh luận nhiều làm gì. Như bạn tôi, cô ấy gọi một bát bún cù kỳ, trước khi ăn bảo tôi nếm thử. Bún cù kỳ đương nhiên phải có hương vị... không giống bánh đa cù kỳ. Chuyện, 2 nguyên liệu khác nhau mà. Vì thế chỉ có hợp nhất chứ không có ngon nhất. Triết lý này áp vào chuyện nào xem ra cũng ổn chứ chẳng riêng gì chuyện ẩm thực.

Thèm... bánh đa cù kỳ Móng CáiCác quán bánh đa cù kỳ ở Móng Cái luôn hấp dẫn thực khách.

Khi về, ấn tượng cù kỳ với tôi sâu đến độ tôi phải tìm hiểu ngay xem cái con cù kỳ là cái giống gì mà thịt nó ngon thế. Hóa ra nó họ nhà cua, xếp hạng trên cả ghẹ, chỉ đứng sau con cua biển đặc sản. Bản thân con cù kỳ cũng là đặc sản của vùng nước biển ấm như Quảng Ninh, Khánh Hòa... Nghe nói, ở Quảng Ninh, cù kỳ ngon nhất là cù kỳ Móng Cái. Bám chắc vào đá nên cù kỳ có 2 cái càng to bự chảng. Cả con cù kỳ giá trị nhất 2 cái càng. Thảo nào khi ăn bát bánh đa cù kỳ, cắn ngập răng vào miếng thịt càng được đặt một cách long trọng giữa bát, cảm giác mới thật thỏa mãn làm sao.

Tự nhiên thấy thèm bát bánh đa cù kỳ ghê gớm, một cảm giác hy hữu với tôi, một đứa mà thờ ơ là bản chất. Từ Hà Nội đi Móng Cái  nhanh cũng mất hơn nửa ngày trên đường. 300 cây chứ chả phải chỉ 3 quãng đồng. Có sao đâu nhỉ! Biết đâu, lần này đi tôi sẽ phát hiện và nhớ  thêm điều gì đó ngoài một bát bánh đa cù kỳ.


Bài và ảnh: Thu Ba
Ý kiến của bạn