Biến thể Omicron có thể gây bệnh nhẹ hơn so với biến thể Delta
Ba nghiên cứu mới ở Nam Phi, Scotland và Anh đã cho thấy nhiễm biến thể Omicron nhẹ hơn biến thể Delta. Bên cạnh đó, thông tin đáng quan tâm là làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron dường như đã lên đến đỉnh điểm ở Nam Phi.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế công cộng cho biết: "Omicron rất dễ lây nhiễm nên có khả năng sẽ làm tăng số ca nhập viện, và những người chưa được tiêm chủng vẫn cần phải rất thận trọng".
Nghiên cứu mới của Nam Phi cho thấy nguy cơ nhập viện ở những trường hợp Omicron thấp hơn khoảng 70% so với những người bị nhiễm các biến thể SARS-CoV-2 khác. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng cảnh báo rằng dữ liệu nghiên cứu của họ được thu thập trong giai đoạn đầu của làn sóng biến thể Omicron, khi mà những người có các triệu chứng nhẹ được nhập viện với tỷ lệ mắc bệnh còn thấp.
Bên cạnh đó, vì biến thể Omicron dễ gây nhiễm bệnh ở những người đã từng mắc COVID-19, nên có thể dẫn tới nhiều trường hợp nhẹ hơn. Mặc dù Omicron có thể "qua mặt" các kháng thể được sản sinh trước đó, nhưng nó khó tránh khỏi các đáp ứng miễn dịch sau đó của cơ thể nhằm ngăn chặn tình trạng bệnh trầm trọng. Thực tế, khoảng 70% số người trong nghiên cứu đã từng bị mắc COVID-19 trước đó và 30% đã được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Hai nghiên cứu độc lập của Anh đã củng cố kết quả nghiên cứu ở Nam Phi, nơi các nhà nghiên cứu một lần nữa nhận thấy số ca nhập viện giảm ở các trường hợp nhiễm biến thể Omicron. Cụ thể, trong tháng 11 và 12/2021, nhiễm biến thể Omicron ở Scotland có liên quan đến việc giảm 2/3 nguy cơ nhập viện so với biến thể Delta.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu ở Anh nhận thấy rằng bệnh nhân nhiễm Omicron có nguy cơ phải nhập viện thấp hơn 15 - 20% so với bệnh nhân nhiễm Delta và những bệnh nhân này có ít nguy cơ phải nằm viện điều trị hơn 40 - 45%.
Các nhà khoa học tại Đại học hoàng gia London (Anh) đã đưa ra giả thuyết rằng khả năng miễn dịch có được trước đây có thể đã góp phần giúp cho tình trạng bệnh nhẹ hơn khi nhiễm biến thể Omicron.
Vẫn cần cảnh giác trước nguy cơ lây nhiễm Omicron gia tăng
Giáo sư Mark Woolhouse, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại ĐH Edinburgh (Anh), cho biết, biến thể Omicron vẫn có thể khiến rất nhiều người phải nhập viện một cách nhanh chóng.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng các kết quả này mới chỉ là sơ bộ và số liệu thống kê có thể thay đổi khi các ca lây nhiễm chuyển sang những người cao tuổi gây nguy cơ nhập viện cao hơn.
Theo các nhà khoa học, biến thể Omicron đã lan rộng đến tất cả 50 bang của Mỹ khi kỳ nghỉ lễ đang đến. Một điểm đáng mừng là Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép cho thuốc viên đầu tiên điều trị COVID-19. Paxlovid, do Pfizer phát triển, được phép sử dụng điều trị cho bệnh nhân COVID-19 từ 12 tuổi trở lên có nguy cơ bị bệnh nặng. Pfizer cho biết thuốc viên này có tác dụng chống lại biến thể Omicron.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, trong khi hơn 204 triệu người Mỹ được tiêm đủ 2 mũi vaccine, thì cho đến nay mới chỉ có 63,2 triệu người được tiêm mũi vaccine tăng cường (mũi vaccine thứ 3). Cũng theo CDC Mỹ, mũi vaccine tăng cường giúp cơ thể bảo vệ mạnh nhất chống lại nguy cơ nhiễm biến thể Omicron. Một số quốc gia đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 80% dân số của họ, trong khi hiện chỉ có 62% người Mỹ được tiêm phòng.
Christina Ramirez, chuyên gia thống kê sinh học tại ĐH California, Los Angeles (Mỹ) cho biết "Để làm chậm sự lây lan của Omicron, chúng ta nên thực hiện test nhanh COVID-19 trước các sự kiện, kỳ nghỉ lễ. Trong trường hợp cần tụ họp thì nên tụ họp ngoài trời, nếu ở trong nhà thì nên gần nơi thông thoáng hoặc áp dụng các biện pháp cải thiện hệ thống thông gió để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh".
Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19