Hà Nội

Thêm ảnh với một số thuê bao di động là cần thiết

18-04-2018 09:00 | Pháp luật
google news

SKĐS - Sau một năm, Nghị định 49/2017/NĐ-CP được ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 24/4/2017, trong đó yêu cầu khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông phải cung cấp ảnh chụp chân dung bên cạnh các thông tin cá nhân khác. Thực tế, mỗi thuê bao di động khi đăng ký đều khai báo tên tuổi, số CMND.

Trong khi đó, Luật Viễn thông không quy định nhưng Nghị định lại bắt người dân chụp ảnh. Không thể có quy định trên luật, yêu cầu này đã vấp phải sự phản đối của người dùng cho rằng không cần thiết và quan tâm nhất của các chủ thuê bao đó là sợ lộ bí mật thông tin cá nhân.

Bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đồng thời bảo vệ quyền lợi cho người dân

Chia sẻ với báo SK&ĐS, lãnh đạo Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho rằng: Không phải tất cả thuê bao di động đều phải bổ sung ảnh chân dung. Theo quy định, ảnh chụp người đến trực tiếp sẽ là bằng chứng xác thực nhất để bảo đảm đúng người, tránh được tình trạng các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông cố tình sử dụng giấy tờ của một cá nhân để đăng ký thông tin thuê bao cho các SIM thuê bao khác (mà cá nhân đó không biết) trong khi doanh nghiệp (DN) chưa có đủ công cụ để phát hiện như đã xảy ra trong thời gian qua, đặc biệt là trong bối cảnh Nghị định đã lược bỏ quy định về giới hạn số SIM thuê bao. Trên thực tế, việc chụp ảnh này đã có nhiều quốc gia như Mỹ, Đức, Nhật Bản thực hiện trên cơ sở dữ liệu thông tin điện tử cá nhân. Ngoài ra, các nước như Thái Lan, Pakistan gần đây đã yêu cầu triển khai hệ thống nhận diện vân tay của người đến đăng ký thông tin thuê bao với chi phí rất cao và thủ tục phức tạp hơn rất nhiều so với việc chụp ảnh.

Bổ sung thông tin cá nhân là cần thiết nhằm đam bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đồng thời bảo vệ quyền lợi cho người dân.

Bổ sung thông tin cá nhân là cần thiết nhằm đam bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đồng thời bảo vệ quyền lợi cho người dân.

Việc chụp ảnh chỉ áp dụng cho các thuê bao phát triển mới hoặc các thuê bao có thông tin không chính xác, phải đi đăng ký lại. Đối với các thuê bao mà DN có sở cứ là thông tin đã chính xác (ví dụ thuê bao trả sau, thuê bao chuyển từ trả sau sang trả trước, thuê bao mới đăng ký lại thông tin theo đúng qui định trong thời gian vừa qua) thì không cần chụp ảnh mà DN chỉ cần bổ sung ảnh chụp và DN phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về điều đó.

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của công nghệ, ứng dụng di động cũng đã phát sinh nhiều nguy cơ trở thành công cụ phương tiện vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, trong đó đặc biệt có thể kể đến các vụ tấn công khủng bố tại nhiều quốc gia như Pháp, Thái Lan. Ở Việt Nam cũng đã có nhiều trường hợp các đối tượng sử dụng các SIM thuê bao để phục vụ hành vi vi phạm pháp luật (đe dọa, tống tiền, nhắn tin quấy rối, lừa đảo,…). Trong các trường hợp này, nếu các SIM thuê bao có thông tin chính xác thì sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đồng thời bảo vệ, bảo đảm quyền lợi cho người dân. Vì vậy, Việt Nam là một trong số hơn 80 quốc gia trên thế giới (Đức, Thụy Sỹ, Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, …) đã có những quy định quản lý về thông tin thuê bao nhằm bảo đảm tối đa tính chính xác của thông tin thuê bao.

Trên cơ sở đó, việc bổ sung thêm ảnh chân dung thông tin thuê bao di động là việc làm hết sức cần thiết, đảm bảo việc triển khai cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao đầy đủ và đúng quy định, nhằm mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ người dân. Đồng thời cũng nhằm tăng cường trách nhiệm của DN trong việc triển khai các điểm đăng ký thông tin thuê bao của mình, hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc lựa chọn những đối tác để ủy quyền và sự tuân thủ quy định của pháp luật của các đối tác đó và phù hợp thông lệ quốc tế.

Làm lộ thông tin cá nhân sẽ bị xử lý nghiêm

Chia sẻ về việc nhiều thuê bao e ngại việc thông tin cá nhân bị lộ, Cục Viễn thông cho rằng, Nghị định 49/2017/NĐ-CP cũng quy định đến việc bảo đảm an toàn và bí mật thông tin thuê bao. Theo đó, nếu DN viễn thông tiết lộ thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ viễn thống sẽ bị phạt tiền từ 30-50 triệu đồng; nếu mua bán hoặc trao đổi thông tin cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 50-70 triệu đồng và tùy theo mức độ vi phạm, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Theo khảo sát của PV, hiện các nhà mạng sẵn sàng chuẩn bị các phương án kịp thời khách hàng hoàn thiện thông tin thuê bao theo quy định. Lượng khách hàng đến bổ sung ảnh và thông tin thuê bao tại các cửa hàng tăng đột biến. Theo báo cáo của Cục Viễn thông, tính đến ngày 15/4, đã có hơn 4 triệu thuê bao trong tổng số 38 triệu thuê bao mà các doanh nghiệp đã xác định là có thông tin chưa đầy đủ, chính xác, đã thực hiện việc cập nhật lại thông tin thuê bao.

Theo quy định, trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều (sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo). Nhà mạng sẽ tiếp tục thông báo và thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện yêu cầu. 30 ngày sau nếu thuê bao vẫn không thực hiện yêu cầu sẽ bị chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông. Đây là quy định nhằm quản lý thuê bao di động chặt chẽ hơn tránh tình trạng sim rác và giúp bảo vệ thông tin của khách hàng tốt hơn.

Với những trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu của Nghị định 49 của Chính phủ, các nhà mạng sẽ thực hiện theo những quy định của pháp luật và chờ hướng dẫn từ Bộ Thông tin và Truyền thông. Tính đến nay, Việt Nam có hơn 120 triệu thuê bao di động đang hoạt động. Các nhà mạng đang hối thúc khách hàng đến cửa hàng giao dịch của họ để cập nhật ảnh và thông tin chính chủ. Tuy nhiên, có thể thời gian thực hiện sẽ được kéo dài hơn.


Lâm Viên
Ý kiến của bạn