Thêm 7 ca bệnh nhập cảnh là người trở về từ Kuwait, Việt Nam có 342 ca

18-06-2020 17:59 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bản tin lúc 18h ngày 18/6 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết đã phát hiện 7 trường hợp mắc COVID-19 là người trở về từ Kuwait, được cách ly ngay khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Như vậy, đến thời điểm này Việt Nam có 342 ca

BN336: bệnh nhân nam, 29 tuổi, có địa chỉ tại Nghi Lộc, Nghệ An

BN337: bệnh nhân nam, 25 tuổi, có địa chỉ tại Hoằng Hoá, Thanh Hoá

BN338: bệnh nhân nam, 38 tuổi, có địa chỉ tại Lạng Giang, Bắc Giang

BN339: bệnh nhân nam, 37 tuổi, có địa chỉ tại Diễn Châu, Nghệ An

BN340: bệnh nhân nam, 33 tuổi, có địa chỉ tại Yên Thành, Nghệ An

BN341: bệnh nhân nam, 35 tuổi, có địa chỉ tại Tứ Kỳ, Hải Dương

BN342: bệnh nhân nam, 41 tuổi, có địa chỉ tại Hương Khê, Hà Tĩnh.

Ngày 16/6 các bệnh nhân này từ Kuwait (quá cảnh Quatar) về sân bay Tân Sơn Nhất, TP. Hồ Chí Minh trên chuyến bay QH9092 và được cách ly ngay tại khu cách ly thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Ngày 17/6, các bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm ngày 17/6 là dương tính với SARS-CoV-2. Hiện 7 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bà Rịa.

Như vậy, tính đến 18h ngày 18/6, Việt Nam có tổng số 342 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó có 202 bệnh nhân được cách ly ngay sau khi nhập cảnh; 63 ngày liên tiếp không có ca nhiễm trong cộng đồng.

Tổng số ca mắc:

- Tính từ 6h ngày 16/4 đến 18h ngày 18/6: đã tròn 63 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

- Tính đến 18h ngày 18/6: Việt Nam có tổng cộng 202 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

- Tính từ 6h đến 18h ngày 18/6: ghi nhận 7 ca mắc mới.



Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 6.285, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 93

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 5.775

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 417

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến nay tổng số trường hợp mắc COVID-19 được chữa khỏi ở nước ta là 325/342 bệnh nhân (chiếm  tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam), trong đó 49/50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi (hiện cả nước chỉ còn duy nhất bệnh nhân 91 là phi công người Anh đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy).

17 bệnh nhân COVID-19 còn lại của nước ta đang được điều trị tại 8 cơ sở y tế (cơ sở điều trị nhiều nhất hiện nay là bệnh viện Bà Rịa), đa số bệnh nhân có sức khỏe ổn định.

Tính đến chiều ngày 18/6, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 4 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 13 bệnh nhân dương tính với COVID-19.

Liên quan đến bệnh nhân 91- nam phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị- Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, sức khoẻ của nam phi công tiếp tục có những phục hồi kỳ diệu.

Hiện phổi bệnh nhân 91 đã hồi phục được 90%, thận, tim, gan, men tụy hồi phục như bình thường. Tay anh đã sử dụng được như bình thường, đã dùng được điện thoại di động từ 1 tuần nay, chân đã hồi phục được 4/5.

"Với những thông số này, tôi cho rằng bệnh nhân không cần phải ghép phổi" – PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.

Tại cuộc họp, triển khai công tác phòng chống dịch của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 diễn ra tại Văn phòng Chính phủ sáng ngày 18/6, Ban Chỉ đạo đánh giá, ở trong nước chúng ta cơ bản đã khống chế được dịch bệnh, nhưng diễn biến dịch bệnh trên thế giới hết sức phức tạp. Trong khi tâm lý người dân và các cơ quan phòng, chống dịch trong thời gian gần đây ít nhiều có dấu hiệu chững lại.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế cho biết: “Chính trong giai đoạn này chúng tôi rất lo lắng, quan ngại”. Đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa khôi phục phát triển kinh tế, xã hội, nhưng nguy cơ bùng phát dịch trở lại rất cao bởi nguồn bệnh từ bên ngoài có thể tấn công vào trong nước bất cứ lúc nào. Thực tế cho thấy làn sóng thứ 2 của dịch COVID-19 đã bùng phát ở nhiều nước.

Nhấn mạnh quan điểm, thực hiện mục tiêu kép nhưng phải bảo đảm an toàn, Ban Chỉ đạo đề nghị tất cả các thành viên rà soát lại toàn bộ các công việc, nhiệm vụ được giao; yêu cầu các lực lượng phòng, chống dịch không được chủ quan, nơi lỏng, sẵn sàng ứng phó với tình huống mới có thể xảy ra.

Theo Ban Chỉ đạo, để bảo vệ những thành quả đã đạt được trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội trong nước, chúng ta phải tiếp tục siết chặt quản lý các tuyến biên giới, quản lý người nhập cảnh, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Thái Bình
Ý kiến của bạn