Kết quả số mẫu dương tính có giảm so với lô mẫu trong 2 tuần trước, cụ thể tuần 43 có 16/60 mẫu (26,67%), tuần 44 có 8/47 mẫu (17,02%).
Như vậy đến nay tổng số ca bệnh do vi rút Zika trên địa bàn TP là 35 ca và số phường, xã có ca bệnh Zika là 24 tại 13/24 quận, huyện.
Về tình hình sốt xuất huyết, số ca sốt xuất huyết phát hiện trong những tuần đầu năm 2016 tăng trên 80% so với cùng kỳ 2015. Tính đến đầu tháng 10 năm 2016, số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng giảm và chỉ còn tăng 19% so với cùng kỳ năm 2015 và đến tuần 45 số ca sốt xuất huyết được phát hiện là 15.874 ca, chỉ còn tăng 10% so với số ca sốt xuất huyết cộng dồn cùng kỳ năm 2015 (14.874 ca).
Với tình hình bệnh như trên, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân TPHCM, Sở Y tế và các đơn vị trong ngành đã phối hợp các địa phương triển khai các biện pháp trọng tâm như: Phát động phong trào Vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng; Tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng tại các phường, xã có ca bệnh và tại các điểm nguy cơ, vùng nguy cơ trên địa bàn quận, huyện; Tiếp tục tầm soát để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, đặc biệt là phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; Tăng cường công tác truyền thông với nhiều hình thức, nội dung để vận động người dân tự diệt muỗi, diệt lăng quăng, phòng tránh muỗi đốt. Đánh giá chung, số ca bệnh mới phát hiện có giảm nhiều so với 2 tuần vừa qua.
Việc phát động phong trào vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng kèm phun hóa chất diệt muỗi ở ổ dịch và vùng nguy cơ đã cho thấy có hiệu quả ban đầu, không những giảm số ca mắc Zika mà còn giảm số ca mắc SXH. Theo kế hoạch của Uỷ ban nhân dân TP.HCM, chiến dịch Vệ sinh môi trường tiếp tục được triển khai đến 30/12/2016, đảm bảo kéo giảm dịch bệnh Zika và SXH trên địa bàn Thành phố.
- Người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, cần chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có một trong các biểu hiện nghi ngờ của bệnh hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị.
- Chủ động phòng chống muỗi đốt, diệt muỗi, bọ gậy (loăng quăng):
• Phòng muỗi đốt: ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày, dùng kem xua muỗi, hương muỗi.
• Diệt muỗi: dùng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hoá chất phòng, chống dịch.
• Loại bỏ bọ gậy (loăng quăng): đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; thu dọn các vật dụng, lật úp dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
- Phụ nữ chậm kinh 7-10 ngày nên chủ động đi khám thai và siêu âm thai ngay để đánh giá sức khỏe, xác định thai và được tư vấn hẹn lịch khám chi tiết. Phụ nữ có thai nên siêu âm 3 lần trong thời gian mang thai: 12 tuần, 22 tuần và 32 tuần.