Ngày 10/9, Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần phát đi 5 bản tin cảnh báo động đất liên tiếp. Trận đầu tiên xảy ra hồi 5h55'46'' có độ lớn 2,8 độ Richter, tại tọa độ 14.922 độ vĩ Bắc, 108.205 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km. Trận thứ hai xảy ra lúc 6h30'55'' có độ lớn 2,5 độ Richter tại tọa độ 14.925 Độ vĩ Bắc, 108.208 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km.
Trận thứ ba xảy ra hồi 7h16'01'' có độ lớn 2,8 độ Richter tại tọa độ 14.935 độ vĩ Bắc, 108.203 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km. Trận thứ tư xảy ra lúc 7h34'36'' có độ lớn 3,1 độ Richter, tại tọa độ 14.925 độ vĩ Bắc, 108.188 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km. Động đất huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Trận thứ năm xảy ra từ lúc 11h35 phút 25 giây ( giờ Hà Nội) tại tọa độ 14.934 vĩ độ Bắc,108.203 độ kinh Đông, có độ sâu khoảng 10km và độ lớn là 3,5 độ Richter.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu thì từ tháng 4/2021 đến nay đã có hơn 300 trận động đất diễn ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, trận lớn lớn nhất là 4,7 độ Richter. Trong khi đó theo số liệu lưu trữ thì từ năm 1903 – 2020 thì tại khu vực này mới chỉ có hơn 33 trận động đất, trận lớn nhất là 3,9 độ Richter. Đây là động đất kích thích, bước đầu nguyên nhân có thể do các hồ chứa, khi các hồ đập tích nước dẫn đến áp lực lên cấu tạo địa chất khu vực.
Hiện đã có 06 trạm quan trắc được đặt tại Kon Plông, mỗi trạm cách nhau khoảng 30km. Ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công thương Kon Tum cho biết, ngày 9/9, Thuỷ điện Thượng Kon Tum đã hoàn thành lắp đặt mới ba trạm quan trắc cảnh báo động đất, nâng tổng số trạm quan trắc thuộc khu vực hoạt động của thủy điện này lên 6 trạm. Tổng kinh phí để lắp đặt, vận hành khoảng 4,9 tỷ đồng.
Trong 3 trạm quan trắc mới lắp đặt hoàn thành, có 1 trạm đặt ở đập Thuỷ điện Thượng Kon Tum, 2 trạm còn lại đặt ở xã Măng Bút (huyện Kon Plông) và xã Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông, cùng thuộc tỉnh Kon Tum). 3 trạm quan trắc được lắp trước đó nằm ở Nhà máy Thượng Kon Tum, Trung tâm huyện Tu Mơ Rông và Trung tâm huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi).
Theo PGS.TS Cao Đình Triều, Viện địa vật lý ứng dụng, động đất kích thích có quy luật riêng của nó. Có thể xảy ra kịch bản như động đất kích thích ở sông Tranh 2. Động đất kích thích xảy ra tại sông Tranh 2 bắt đầu từ năm 2012, kéo dài đến nay với hàng trăm trận, từng gây xáo trộn đời sống người dân hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) trong thời gian dài. Vì vậy, trong nhiều tháng tới, hoặc nhiều năm tới, Kon Tum vẫn sẽ ghi nhận các trận động đất.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Trưa 10/9: Trích xuất camera quán karaoke cháy ở Bình Dương, phát hiện thông tin bất ngờ | SKĐS