Thẻ tín dụng: Mở dễ - đóng khó?

20-03-2024 17:28 | Xã hội
google news

SKĐS – Nhiều khách hàng đang sử dụng thẻ tín dụng có phản ánh với phóng viên báo Sức khỏe và Đời sống rằng, việc mở thẻ tín dụng đơn giản và nhanh chóng, nhưng để đóng thẻ thì phải tốn khá nhiều thời gian.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Mai (33 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, cách đây hơn 1 năm chị đã phải đóng thẻ tín dụng sau vài tháng mở thẻ tại một ngân hàng có chi nhánh ở Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội. Chị Mai cho biết, việc sử dụng thẻ tín dụng khiến bản thân chị cảm thấy mình như một "con nợ", hàng tháng luôn bị ngân hàng "đòi nợ" nên không muốn sử dụng nữa.

Cách đây khoảng 2 năm, chị Mai được một người gọi đến số điện thoại, giới thiệu là nhân viên của một ngân hàng và cho biết chị đủ điều kiện mở thẻ tín dụng. Người này còn cho hay, loại thẻ này khi sử dụng để chi tiêu có thể hoàn tiền lại được đến 10% giá trị đơn hàng.

Điều kiện mở thẻ rất đơn giản, chỉ cần căn cước công dân (CCCD), hợp đồng lao động là đã có thể mở thẻ. Sau khi hoàn tất việc mở thẻ tín dụng, thẻ sẽ được ngân hàng giao đến tận tay khách hàng mà không hề mất một khoản phí nào.

"Hí hửng vì nghĩ mua hàng là sẽ được hoàn lại tiền đến 10% nên tôi rất mong chờ chiếc thẻ này, nhưng sự thật không như mong đợi. Tôi sử dụng thẻ để mua một vài món đồ trên sàn thương mại điện tử Shopee, nhưng không được hoàn lại 10% giá trị tiền hàng như nhân viên ngân hàng giới thiệu trước đó.

Gọi điện hỏi lại thì nhân viên này nói "nhiều nhất là hoàn 10%, còn không là sẽ ít hơn". Hơn nữa, việc hoàn lại sẽ phải đủ một con số nhất định thì tiền mới được hoàn về", chị Mai nói.

Thẻ tín dụng: Mở dễ - đóng khó?- Ảnh 1.

Hiện nay, việc chi tiêu, mua sắm hàng hóa được thanh toán qua thẻ tín dụng tương đối phổ biến.

Cũng theo chị Mai, sau một thời gian sử dụng thẻ để mua hàng chị vẫn chưa được hoàn lại tiền. Chưa kể, cứ đến một thời điểm trong tháng chị lại nhận được thông báo số tiền cần trả khiến chị cảm thấy mình như một "con nợ".

"Tài chính của tôi đủ để chi trả, tôi không có nhu cầu nợ nần gì hết, nên tôi muốn đóng thẻ. Khi gọi điện thông báo ngân hàng muốn đóng thẻ lại có nhiều người gọi cho tôi hỏi nguyên nhân vì sao, rồi khuyên không nên đóng thẻ. Tôi vẫn nhất quyết đóng thẻ thì lại được thông báo còn nợ mấy chục nghìn khoản tiền gì đó mà tôi không hề biết. Nhưng vì muốn đóng thẻ nên tôi cũng thanh toán luôn.

Để đóng được thẻ thì không hề đơn giản như tôi nghĩ. Tôi phải làm rất nhiều thao tác, rồi phải chờ xác nhận từ phía ngân hàng. Hợp đồng mở thẻ thì phải chờ tới 30 ngày sau mới được hủy. Nói chung tôi thấy mở thẻ tín dụng thì dễ chứ đóng thẻ thì khá mất thời gian", chị Mai cho hay.

Theo một nhân viên ngân hàng có chi nhánh tại Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội, để tiếp cận thẻ tín dụng thì rất đơn giản. Khách hàng chỉ cần điền thông tin vào phần đăng ký là sẽ có nhân viên ngân hàng liên hệ trực tiếp để hướng dẫn.

"Khách hàng chỉ cần không có nợ xấu, sau đó cung cấp căn cước công dân, hợp đồng lao động. Nếu không có hợp đồng lao động thì chỉ cần có giao dịch đủ số lượng tiền qua ngân hàng, hoặc có tiền tiết kiệm gửi ở ngân hàng là sẽ đủ điều kiện mở thẻ tín dụng.

Còn nếu muốn đóng thẻ thì sẽ mất thời gian hơn. Khách hàng cần tất toán hết số dư nợ thẻ, sau đó làm một vài thao tác trên app hoặc ra quầy trực tiếp để đóng thẻ. Thao tác đúng thì thẻ sẽ được đóng luôn, tuy nhiên cần chờ 30 ngày để hủy hợp đồng thẻ", nhân viên ngân hàng này cho biết.

Cũng theo nhân viên ngân hàng này, thẻ tín dụng sẽ được miễn phí thường niên năm đầu, từ năm tiếp theo, nếu chi tiêu đủ "doanh số" thì sẽ được miễn phí thẻ. Nếu không sẽ bị mất phí, tùy vào hạng thẻ, số phí phải đóng tương đương với từng hạng thẻ là 330 nghìn đồng/năm, 660 nghìn đồng/năm, 990 nghìn đồng/năm…

Nhân viên này cũng đưa ra lời khuyên, khi chi tiêu bằng thẻ tín dụng, khách hàng cần trả đúng hạn theo sao kê ngân hàng để tránh rủi ro. Tránh việc "quên" trả tiền đúng hạn, bởi điều này sẽ có thể hình thành những khoản lãi mà khách hàng khó có thể lường trước được.

Sử dụng thẻ tín dụng cần tránh nợ xấu

Theo Luật sư Hoàng Thị Hương Giang, văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), Điều 18, Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam (được sửa đổi bổ sung tại Khoản 5, Điều 1, Thông tư 41/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2016) quy định về nguyên tắc đảm bảo an toàn trong sử dụng thẻ.

Theo đó, chủ thẻ và cá nhân được chủ thẻ là tổ chức ủy quyền sử dụng thẻ của tổ chức phải bảo quản thẻ. Bảo mật PIN, các mã số xác nhận chủ thẻ khác, các thông tin thẻ, thông tin giao dịch, không để lộ thông tin thẻ. Thông báo và phối hợp với tổ chức phát hành thẻ để xử lý khi xảy ra các trường hợp mất thẻ hoặc có yêu cầu tra soát, khiếu nại.

"Hiện nay, việc chi tiêu, mua sắm hàng hóa được thanh toán qua thẻ tín dụng là tương đối phổ biến. Thẻ tín dụng không chỉ mang đến sự tiện lợi khi thanh toán cho người dùng, mà còn tối ưu các chi phí mua sắm và tận dụng được nhiều nguồn lực tài chính cho tương lai.

Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả loại thẻ này, người tiêu dùng cũng cần quan tâm đến thời hạn sử dụng thẻ, hạn mức thẻ, thời hạn trả nợ, chi phí khi sử dụng thẻ và các quy định về rút tiền mặt hay lãi chậm trả để sử dụng một cách hiệu quả nhất. Tránh trường hợp để phát sinh lãi khi trả chậm hay những rủi ro khi bị đánh cắp thông tin hoặc khi bị mất thẻ", luật sư Giang phân tích.

Luật sư Giang cũng nhấn mạnh, khi sử dụng thẻ tín dụng cần tránh để rơi vào tình trạng nợ xấu. Nợ xấu được hiểu là các khoản nợ khó đòi khi người vay không thể trả nợ khi đến hạn phải thanh toán như đã cam kết trong hợp đồng tín dụng. Cụ thể, nếu quá thời gian quá hạn thanh toán trên 90 ngày thì bị coi là nợ xấu.

Cách kiểm tra nợ xấu

Chia sẻ với Báo Sức khỏe và Đời sống, Luật sư Nguyễn Đức Đoàn, Công ty Luật TNHH một thành viên số một YB cho hay, thực tế ghi nhận không ít trường hợp bỗng dưng phát hiện bị nợ xấu. Có thể là do từng vay hoặc mua các sản phẩm trả góp… nhưng chưa thanh toán đúng hẹn hoặc lỡ "quên" suốt thời gian dài. Nhất là khi người nợ thay đổi số điện thoại, không xem được thông báo của ngân hàng về khoản nợ.

Luật sư Nguyễn Đức Đoàn cũng cho biết, có 3 cách để kiểm tra nợ xấu. Cách đầu tiên là kiểm tra nợ xấu tại ngân hàng bằng căn cước công dân. Cần đến trực tiếp ngân hàng cho vay tín dụng, cung cấp căn cước công dân cho tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng sẽ tiến hành kiểm tra và thông báo kết quả có đang bị nợ xấu ngân hàng hay không.

Cách thứ 2 là kiểm tra nợ xấu trên website CIC (Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam). Theo đó truy cập website CIC qua đường link: https://cic.gov.vn/#/register, thực hiện đăng ký theo hướng dẫn. Sau đó nhập mã OTP được gửi về số điện thoại đã đăng ký, rồi ấn "tiếp tục".

Hệ thống CIC sẽ gọi để xác thực thông tin, thông tin khớp kết quả sẽ được gửi qua email đã đăng ký. Khi thông tin đã được xác nhận, người dùng truy cập vào website và thực hiện đăng nhập, sau đó chọn "khai thác báo cáo" để kiểm tra nợ xấu CIC.

Cách thứ 3 là kiểm tra nợ xấu thông qua ứng dụng CIC. Người dùng cần tải ứng dụng CIC Credit Connect – Kết nối nhu cầu vay (trên điện thoại Android), tải ứng dụng iCIC National Credit Information Centre Of Vietnam (trên điện thoại IOS). Nếu chưa có tài khoản cần đăng ký, sau đó đăng nhập và điền đầy đủ thông tin cá nhân. Chờ kiểm tra và phê duyệt.

Sau khi hệ thống CIC đã phê duyệt, bấm chọn vào mục "khai thác báo cáo". Sau đó vào mục "xem báo cáo" để biết được kết quả nợ xấu.

Xem thêm:

Nhiều người kiểm tra nợ xấu sau vụ vay 8,5 triệu thành nợ 8,8 tỷ đồngNhiều người kiểm tra nợ xấu sau vụ vay 8,5 triệu thành nợ 8,8 tỷ đồng

SKĐS - Sau sự việc hy hữu tại Eximbank, nhiều người lo lắng kiểm tra tài khoản ngân hàng tránh những khoản phí phát sinh, rơi vào nợ xấu.


Khánh Đan
Ý kiến của bạn