Thể thao Việt Nam sẽ đột phá trong năm 2014

15-02-2014 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Kết thúc năm 2013, thể thao nước nhà đã có những bước tiến bộ trong các môn thuộc hệ thống thi đấu Olympic, đây cũng chính là tiền đề để thể thao Việt Nam mạnh dạn đặt ra những mục tiêu tại các giải thi đấu ASIAD ,Olympic hay thế giới tới đây.

Kết thúc năm 2013, thể thao nước nhà đã có những bước tiến bộ trong các môn thuộc hệ thống thi đấu Olympic, đây cũng chính là tiền đề để thể thao Việt Nam mạnh dạn đặt ra những mục tiêu tại các giải thi đấu ASIAD ,Olympic hay thế giới  tới đây. Xin giới thiệu cuộc trao đổi về các mục tiêu của thể thao thành tích cao Việt Nam năm 2014 với PGS.TS Lâm Quang Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Phó Chủ tịch  Ủy ban Olympic Việt Nam.

 

Xin ông cho biết về phương hướng đầu tư và phát triển thể thao thành tích cao năm 2014?

Năm 2014 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ngành TDTT nói chung và thể thao thành tích cao nói riêng. Đối với chúng ta, việc triển khai thực hiện các chính sách lớn về phát triển TDTT của Đảng và Nhà nước: Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 16/NQ-CP của Chính phủ; Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020; Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030; Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch cơ sở vật chất kỹ thuật thể dục thể thao quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030... đều rất cấp bách.

Đây cũng là năm toàn ngành phải tập trung tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7, tích cực chuẩn bị tổ chức Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 năm 2016, Asiad 18 năm 2019, đồng thời chuẩn bị lực lượng tham dự Đại hội thể thao châu Á lần thứ 17 tại Hàn Quốc, Đại hội thể thao Olympic trẻ lần thứ 2 tại Trung Quốc, Đại hội thể thao Bãi biển lần thứ 4 tại Thái Lan, Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á lần thứ 2 tại Hàn Quốc, Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 7 tại Myanmar và các giải thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới. Có rất nhiều mục tiêu phải giải quyết, song cũng là cơ hội lớn để thể thao thành tích cao có sự đột phá cả về chất lẫn lượng.

 

Vũ Thị Hương đoạt HCV cự ly 100m
Vũ Thị Hương đoạt HCV cự ly 100m

 

Việc chuẩn bị cho các đại hội thể thao như Asiad, Olympic trẻ sẽ diễn ra theo lộ trình như thế nào?

Trọng điểm của thể thao Việt Nam năm 2014 chính là đấu trường Asiad 17 sẽ diễn ra tại TP. Incheon (Hàn Quốc) vào tháng 9 và bên cạnh đó là việc vượt qua vòng loại Olympic trẻ 2014 và Olympic 2016. Việc chuẩn bị cho các đại hội này đã diễn ra trong nhiều năm nay chứ không phải chỉ đến 2014 chúng ta mới bắt tay vào chuẩn bị. Các VĐV trọng điểm của 15 môn Olympic đã được chuẩn bị từ lâu, có một quá trình theo dõi, huấn luyện, đầu tư, chăm sóc bài bản cả về y tế, dinh dưỡng, khoa học. Hiện tại, chúng tôi đã xác định tổng số các môn tham dự Asiad là 20/36 môn. Cụ thể có 15 môn nhóm có huy chương: bắn súng, bắn cung, cử tạ, đua thuyền, đấu kiếm, điền kinh, bơi, wushu, karatedo, taekwondo, boxing, vật, judo, cầu mây, thể dục dụng cụ và 5 môn nhóm nỗ lực phấn đấu đạt huy chương gồm: xe đạp, bóng chuyền, bóng đá, bóng bàn, cầu lông. Từ 15/2/2014 sẽ thực hiện Quyết định số 82/2013/QĐ-TTg về một số chính sách đặc thù đối với HLV, VĐV thể thao xuất sắc. Các VĐV ưu tú sẽ được hưởng 400.000 đồng tiền ăn và 400.000 đồng tiền công tập mỗi ngày và thực hiện kế hoạch tập huấn nước ngoài cho đến khi lên đường tham dự Asiad. Đó là một sự động viên tinh thần kịp thời không thấp đối với các tuyển thủ đang cống hiến hết sức cho thể thao nước nhà.

Hiện nay, đã có kế hoạch chi tiết về việc tham dự Asiad 17 tại Hàn Quốc trong đó có chỉ tiêu của từng môn, kế hoạch tập huấn, thi đấu cọ xát... Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự chuẩn bị cẩn trọng, trọng điểm và khoa học, chắc chắn chúng ta sẽ hái “quả ngọt” ở kỳ đại hội này.

Mục tiêu của đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad 17 là bao nhiêu huy chương, thưa ông?

Chúng tôi đăng ký tối thiểu là 2HCV, trong đó 6 môn thể thao trọng điểm có thành tích tiệm cận HCV Asiad gồm có: điền kinh, thể dục dụng cụ, bắn súng, taekwondo, karatedo và wushu phấn đấu chỉ tiêu này cần phải chuẩn bị tốt nhất cho việc tham dự Asiad, sẽ có một đội hình riêng để chuẩn bị gồm có dinh dưỡng, y tế và cả các nhà khoa học cũng sẽ tham gia các đội tuyển để theo dõi, nghiên cứu. Các VĐV chuẩn bị Asiad cũng được kiểm tra, giám định thường xuyên, chăm sóc y học thể thao, đánh giá quá trình huấn luyện liên tục, việc mua thiết bị tập luyện theo chuẩn quốc tế cũng sẽ được đẩy mạnh trong thời gian này.

Việc có được vé tham dự Olympic trẻ cũng là một vấn đề cần phải suy xét lựa chọn các môn mũi nhọn. Theo ông, ngoài cử tạ, rowing đã có vé tham dự, các môn nào sẽ cần phải có mặt trong đấu trường này?

Các môn tiệm cận thành tích châu Á, thế giới như điền kinh, thể dục dụng cụ, bắn súng, taekwondo, karatedo, bắn cung, đua thuyền, đấu kiếm... đều phải cố gắng hết mình để vượt qua vòng loại Olympic trẻ bởi những VĐV đó cũng chính là những tài năng đã được đầu tư mạnh, sẵn sàng để tỏa sáng ở Asiad 18 tại Việt Nam. Về lực lượng và chuẩn bị chuyên môn, chúng tôi đều đã có sự bàn bạc và có hướng đầu tư.

Đâu là giải pháp cho tương lai nếu muốn có được thành tích cao không chỉ ở Asiad trong năm nay, thưa ông?

Thể thao Việt Nam đã trải qua nhiều thời kỳ phát triển. Việc đi tắt đón đầu không còn phù hợp với tình hình chung, cần phải thay đổi tư duy của các địa phương khi làm thể thao. Các môn Olympic cần phải được định hướng phát triển bền vững. Muốn có như vậy, theo tôi, cần có nhiều giải pháp đồng bộ.

Chúng ta cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các Trung tâm HLTTQG phục vụ cho các đội tuyển quốc gia những môn thể thao trọng điểm; chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện và học tập văn hóa cho các VĐV tại các trung tâm HLTTQG. Hiện nay, ngành đã bắt đầu triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư xây dựng Trung tâm HLTTQG Đà Lạt - Lâm Đồng; Trung tâm huấn luyện các môn thể thao biển tại Bình Thuận, Trung tâm HLTTQG tại Sa Pa - Lào Cai, Trung tâm HLTTQG Cần Thơ, Trung tâm Doping và Y học thể thao, tiếp tục triển khai các dự án đầu tư tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội, Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng, Viện Khoa học TDTT, Bệnh viện Thể thao Việt Nam... để phục vụ tốt nhất cho sự phát triển thể thao nước nhà.

Bên cạnh đó, cần tăng cường đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác điều hành, quản lý nhà nước và hoạt động chuyên môn, tác nghiệp về TDTT, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tập trung vào công tác rà soát, cải cách thủ tục hành chính, phân cấp quản lý, kiện toàn bộ máy tổ chức và tinh giản biên chế; áp dụng thực hiện ISO 9001:2008 trong quản lý hành chính nhà nước tại các đơn vị trực thuộc...

Xin cảm ơn ông, chúc ông một năm mới đầy thành công và sức khỏe dồi dào!

Khánh Dương (thực hiện)

 

 

 


Ý kiến của bạn