Thể thao Việt Nam năm 2016 : “Đại gia” SEA Games và “tí hon” Olympic

20-02-2016 18:29 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Thể thao Việt Nam bước vào năm mới trong những nỗi lo đè nặng khi mục tiêu có 15 suất chính thức, giành 1-2 huy chương tại Olympic trên đất Brazil đặt ra đang đứng trước nguy cơ bất thành.

Thể thao Việt Nam bước vào năm mới trong những nỗi lo đè nặng khi mục tiêu có 15 suất chính thức, giành 1-2 huy chương tại Olympic trên đất Brazil  đặt ra đang đứng trước nguy cơ bất thành. “Ðại gia” SEA Games đang hiện nguyên hình là một “tí hon” Olympic.

2 tấm huy chương cho 8 kỳ Olympic

Trở lại từ 1980, TTVN đã trải qua 8 lần dự tranh đấu trường Olympic mùa hè. Trong đó, có tới 4 kỳ Việt Nam chỉ phó hội theo đúng nghĩa góp mặt đặt tên với một số suất đặc cách cho những nền thể thao kém phát triển, chủ yếu ở hai môn bơi, điền kinh.

Tình thế chỉ bắt đầu thay đổi khi taekwondo, môn mà Việt Nam sớm đầu tư phát triển, có thành tích tầm châu Á được đưa vào chương trình chính thức của Olympic 2000. Và chính môn này đã tạo nên cột mốc lịch sử với tấm HCB quý hơn Vàng ròng của võ sĩ nhỏ bé Trần Hiếu Ngân. Chính kỳ tích đầy gian nan và phần nào đó đã may mắn tạo ra một cú “hích” cho cả một nền thể thao.  Số môn, số lượng tuyển thủ giành quyền tham dự Olympic dần tăng lên. Một số nội dung của bắn súng, taekwondo và đặc biệt cử tạ đã áp sát trình độ hàng đầu thế giới. Nhờ thế, đến Đại hội 2008, Việt Nam đã lần thứ 2 có thêm 1 tấm huy chương, HCB rất đẳng cấp và xứng đáng của đô cử hạng 56kg Hoàng Anh Tuấn.

Xét trên cả hành trình, kỳ Olympic 2012 với 18 gương mặt của 11 môn vượt qua vòng loại, cùng tấm HCB ở một môn cơ bản, truyền thống như cử tạ ở Olympic 2008, chính là hai “đỉnh cao” của TTVN. Rõ ràng Việt Nam đã có sự tiến bộ tích cực. Chỉ có điều, qua hơn 2 thập kỷ chỉ với mười mấy đại diện mỗi lần cùng 2 tấm huy chương mỏng manh, có thể thấy, Việt Nam vẫn đang tụt hậu nặng nề.

Số VĐV Việt Nam đủ sức tranh chấp sòng phẳng suất chính thức tới Olympic như Hà Thanh hay Tiến Minh chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Từng suất tới Brazil

Olympic 2012 là lần phó hội thành công nhất của TTVN, với 18 suất chính thức của 11 môn, cùng 2 thành tích hạng 4 của cử tạ và bắn súng. Đó là cơ sở để ngành thể thao xác lập mục tiêu có 15-20 suất tới Brazil vào sang năm và phấn đấu đoạt 1-2 huy chương.

Thế nhưng, đến thời điểm Olympic 2016 chỉ còn đúng 7 tháng, các nhà quản lý huấn luyện đang phải đối mặt với một sự thật phũ phàng khi con số 15-20 suất có nguy cơ bất thành cực cao. Ngay cả việc hoàn thành mức tối thiểu là 15 suất cũng đã trở nên vô cùng khó khăn. Hiện tại, Việt Nam mới chỉ có đúng 6 đại diện chắc suất tới Brazil tranh tài ở 3 môn cử tạ (3), bắn súng (2 và bơi (1).

Chỉ trong một thời gian ngắn, giới chuyên môn cùng người hâm mộ đã liên tục phải đón nhận những tin xấu dội từ “đỉnh” Olympic. Kỷ lục gia điền kinh Nguyễn Thị Huyền, người đoạt 2 chuẩn Olympic tại SEA Games 28 coi như đã hết cơ hội. Cả 2 chuẩn của chị đang ở cách xa danh sách các VĐV được chọn cho nội dung 400m và 400m rào, trong khi chân chạy quê Nam Định gần như không thể nâng cao được thành tích do đang ở một tình trạng thể lực, phong độ tồi tệ. Hai niềm hy vọng ở môn thể dục dụng cụ Phan Thị Hà Thanh và Phạm Phước Hưng vừa thảm bại tại giải VĐQG, chỉ còn trông mong vào cánh cửa hẹp tại giải tiền Olympic vào tháng 4 sang năm cho một suất vớt. “Nữ hoàng Judo” Văn Ngọc Tú cũng sớm chấm dứt cuộc đua tranh của mình...

Trên lý thuyết, TTVN vẫn còn có khả năng kiếm vé Olympic ở 13 môn. Chỉ có điều, thực tế, trừ 2 suất  thuộc diện chắc chắn của Tiến Minh và Vũ Thị Trang (cầu lông) hay cơ hội “thoát hiểm” cao của Hà Thanh, Phước Hưng (thể dục dụng cụ) những gương mặt còn lại đều dừng ở mức 50-50. Phải có sự xuất thần trong các cuộc đấu loại cụ thể trực tiếp và có may mắn, họ mới có thể thành công. Có lẽ TTVN sẽ phải chấp nhận thực tế tối đa chỉ có 10-12 tuyển thủ của 7-8 môn vượt qua vòng loại, cộng thêm một vài vé đặc cách hay xét vớt.

Mong manh hy vọng huy chương

Nhìn xa hơn với đích nhắm 1-2 huy chương Olympic lại càng thấy rõ thảm cảnh. Cả một nền thể thao đang “đặt cửa” vào đô cử Thạch Kim Tuấn vừa hồi phục chấn thương và chưa thể biết có kịp lấy lại sự sung mãn nhất của mình. Đó là “mũi nhọn” duy nhất, và nếu đạt tới tầm mức cao nhất, Tuấn đủ sức mang về 1 tấm huy chương, kể cả Vàng. Tuy nhiên, giờ thì ngành thể thao đang lo sốt vó với diễn biến khó lường từ cái lưng và cái đầu gối đang trong giai đoạn hồi phục sau chấn thương của Tuấn. Tụt lại xa phía sau Tuấn mới lại thấy một xạ thủ Xuân Vinh từng đoạt HCV, phá cả kỷ lục thế giới tại World Cup song luôn đánh mất mình ở các cuộc đấu quan trọng. Trước đây, cựu binh thể dục dụng cụ Hà Thanh cũng từng được kỳ vọng nhưng với thể lực, phong độ sa sút gắn với chấn thương dai dẳng, ngôi sao thể dục dụng cụ này coi như đã chấm hết mọi hy vọng tạo đột biến, dù có thể vẫn giành vé vớt. Siêu kình ngư Ánh Viên vẫn chưa có thông số nào lọt vào nổi top 8 Olympic.

Cũng còn may vào cuối năm, môn cử tạ bất ngờ xuất hiện đô cử trẻ Vương Thị Huyền, người đoạt tới 2 HCB, 1 HCĐ thế giới và 2 HCV châu Á với thành tích vượt cả hạng 3 Olympic 2012. Tuy nhiên, khả năng tranh chấp của gương mặt còn quá mới này trong trường hợp giành suất tới Brazil hãy còn là một ẩn số phần lo lớn hơn phần tin.


Xuyến Chi
Ý kiến của bạn