Điểm lại lịch sử 10 lần dự Olympic của thể thao Việt Nam, chỉ có 4 lần các VĐV của chúng ta có được huy chương danh giá tại Thế vận hội.
Tấm HCB của Trần Hiếu Ngân ở môn Taekwondo tại Olympic Sydney năm 2000 là tấm huy chương đầu tiên của Việt Nam có được sau khi hội nhập và quay trở lại đấu trường Olympic kể từ Olympic Moscow 1980 đến nay.
Cho đến 8 năm sau tại Olympic Bắc Kinh 2008, lực sĩ Hoàng Anh Tuấn mang về HCB môn cử tạ.
Đến Olympic London 2012, khi đoàn VN tưởng như đã hết hy vọng thì niềm vui vỡ òa với tấm HCĐ khi VĐV cử tạ Trần Lê Quốc Toàn được đôn từ hạng tư nội dung 56 kg lên vị trí thứ ba, thế chỗ VĐV của Azerbaijan bị tước huy chương vì dính doping.
Và gần đây nhất, tại Olympic Rio 2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã xuất sắc mang về 1 HCV và 1 HCB môn bắn súng.
Thể thao Việt Nam mát mặt khi đứng trên đến cả 100 đoàn thể thao trên thế giới và đứng đầu Đông Nam Á sau khi kết thúc Olympic Rio 2016. Đó cũng là thành quả đáng ngợi khen, một quá trình dài thể thao Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển chiều sâu, có xu hướng cho những đấu trường lớn hơn đấu trường của khu vực.
Giới chuyên môn vẫn đánh giá hiện tượng Hoàng Xuân Vinh là một sự kiện gây đột biến bất ngờ và khó có thể lý giải được.
Trong dự báo thành tích trước Olympic Rio 2016, Hoàng Xuân Vinh còn bị xếp sau nhiều VĐV, trong quá trình tập luyện lẫn bắn thử, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh chưa bao giờ nằm trong top 3 ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam.
Tuy nhiên, chỉ cần một lúc thăng hoa, bùng nổ và tất nhiên có kèm theo cả sự may mắn đã giúp xạ thủ Hoàng Xuân Vinh thay đổi tất cả diện mạo của ngành thể thao trên đấu trường Olympic.
Những điểm sáng đáng khen ngợi của đoàn Việt Nam tại Olympic Tokyp 2020
Trong số 18 VĐV dự Olympic Tokyo lần này, Nguyễn Tiến Minh được ca ngợi như một chiến binh không tuổi bởi sự bền bỉ và là tấm gương cho thế hệ trẻ; Là cung thủ trẻ tuổi nhất, Ánh Nguyệt lần đầu ra đấu trường lớn và chỉ chịu thua sít sao tay cung chủ nhà ở loạt "mũi tên vàng" sau khi so kè bằng điểm ở loạt đấu chính.
2 chiến thắng của tay vợt Nguyễn Thùy Linh, chỉ chịu gác vợt trước tay vợt số một thế giới Tai Tzu Ying (Đài Loan); Là sự nỗ lực của cô gái điền kinh Quách Thị Lan lần đầu tiên trong lịch sử vào đến bán kết 400m vượt rào của một kỳ Olympic.
Chiến thắng đầu tiên sau 33 năm chờ đợi của boxing VN của Nguyễn Văn Đương, Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng vẫn thể hiện và duy trì được đúng phong độ vốn có của mình tại các cự ly 800m xếp hạng 20/33 và 1500m xếp hạng 12/28. Thành tích của mình và xứng đáng với chuẩn A mà Huy Hoàng đạt được để tham dự Olympic.
Hay bộ đôi Rowing (Lường Thị Thảo và Đinh Thị Hảo) đạt thành tích tốt nhất trong 3 lần tham dự Olympic.
Sự thất vọng và thất bại, nốt trầm sau Olympic Tokyo 2020
Quả thật, Thể thao Việt Nam không có sự chuẩn bị tốt nhất cho Olympic Tokyo vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Nhiều VĐV suốt 2 năm qua không được tập huấn nước ngoài, không có chuyên gia, chủ yếu là tập chay. Thế nhưng, có những VĐV dự Olympic hai, ba lần rồi mà tâm lý thi đấu vẫn căng cứng nên thành tích kém xa so với chính mình thì khó chấp nhận.
Vấn đề tâm lý được đề cập từ thất bại của Hoàng Xuân Vinh, Thạch Kim Tuấn, Kim Tuyền. ĐKVĐ nội dung 10m súng ngắn hơi nam nhưng Hoàng Xuân Vinh không được đánh giá cao ở Tokyo. Xạ thủ này đến Tokyo với tấm vé mời và kết quả không nằm ngoài dự đoán, Hoàng Xuân Vinh xếp hạng 22/36, sớm trở thành cựu vô địch.
Thạch Kim Tuấn cũng có một kỳ Olympic đáng quên, khi thất bại trong 3 lần cử đẩy, không được xếp hạng.
Một sự kỳ vọng khác là Kim Tuyền (taekwondo) bởi võ sĩ này là VĐV hiếm hoi đi tập huấn quốc tế trước khi đến Tokyo. Nhưng Kim Tuyền không có được sự cải thiện về thành tích, thậm chí còn bộc lộ hạn chế về kỹ thuật cũng như thể lực.
Chính những điều này đã cho thấy thể thao Việt Nam chưa làm tốt khâu đào tạo, huấn luyện, cũng như chất lượng VĐV thua kém.
Nhiều năm qua, TTVN mới chỉ gây chú ý ở SEA Games, còn khi bước ra đấu trường lớn như Olympic lại thể hiện rõ sự hụt hơi về lực lượng và đầu tư giành huy chương. Chưa kể hướng đầu tư đường dài thất bại, cụ thể là trường hợp của Ánh Viên.
Vẫn biết, trong thể thao đỉnh cao, bốn bước quan trọng là phát hiện, đào tạo, tích lũy (thi đấu) và dự báo thì tại Olympic này, phần tích lũy và dự báo đều không thành.
Nhiều khi, chúng ta chỉ biết trông chờ vào kỳ tích, sự xuất thần trong khoảnh khắc của VĐV và một phần kèm theo sự may mắn nhất định, thay vì tin tưởng vào năng lực của VĐV với mục tiêu và thành tích cụ thể để có định hướng phấn đấu trong tương lai.
Vẫn biết, để có thành công tại Olympic, bất kỳ nền thể thao nào cũng cần quá trình chuẩn bị từ 5-8 năm, phải đầu tư có hệ thống, chặt chẽ cũng như phải áp dụng khoa học kỹ thuật để quản trị, quản lý quá trình tập luyện.
Nếu không, thật khó để đòi hỏi thành tích cao trong tương lai, thể thao Việt Nam không thể tiến xa trên đấu trường lớn như Olympic.
Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020, ông Trần Đức Phấn thừa nhận thể thao Việt Nam vẫn còn khoảng cách lớn với các VĐV tham gia tranh tài ở đấu trường Olympic. Nhưng điều đáng lo ngại cho TTVN sau thất bại ê chề tại Tokyo là khoảng trống lớn về VĐV kế cận.
Sau các VĐV đã thành danh như Hoàng Xuân Vinh, NguyễnTiến Minh, Nguyễn Thị Ánh Viên, Thạch Kim Tuấn..., thì hiện chưa có lực lượng VĐV trẻ nào có thể đáp ứng và gánh vác trọng trách thay thế.
Kết thúc Olympic Tokyo 2020, Thể thao Việt Nam đã trắng tay rời giải đấu, thụt lùi với khu vực và chính mình.