Hà Nội

Thể thao Việt Nam hướng ra sân chơi lớn

02-02-2014 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Sân chơi SEA Games thực ra chỉ đáp ứng đúng với mục đích là sự hội nhập của các nước trong khu vực Ðông Nam Á, thỏa mãn những mục tiêu của từng nước mỗi khi đặt ra sự kiện này.

Sân chơi SEA Games thực ra chỉ đáp ứng đúng với mục đích là sự hội nhập của các nước trong khu vực Ðông Nam Á, thỏa mãn những mục tiêu của từng nước mỗi khi đặt ra sự kiện này. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết chính là từ sân chơi khu vực này những nhà quản lý thể thao cần có cái nhìn cụ thể về điểm mạnh yếu của các VÐV để hướng tới sân chơi lớn tầm châu lục cũng như thế giới.

Bơi và Điền kinh ghi dấu lịch sử

Tại SEA Games 27 vừa qua, nhiều môn thể thao của Việt Nam vượt chỉ tiêu đề ra như wushu, vật, bắn súng, taekwondo... nhưng thực ra người hâm mộ nước nhà vô cùng ấn tượng và chú ý nhiều đến những môn thi đấu trong hệ thống Olympic với mong muốn thể thao nước nhà vươn xa hơn nữa ở các sân chơi châu lục hay thế giới. Đặc biệt, tại Sea Games lần này, cả hai bộ môn bơi và điền kinh của thể thao Việt Nam (TTVN) đều đã lập được những kỳ tích mang tính lịch sử đáng ngợi khen. Lần đầu tiên điền kinh Việt Nam giành được 10 HCV tại một kỳ Sea Games và cũng là lần đầu tiên bơi Việt Nam giành được 5 HCV, 5 HCB và 3 HCĐ (số HCV giành được bằng các lần trước TTVN cộng lại). Người hâm mộ đang dần cảm nhận được thành quả từ việc đầu tư có chiều sâu, tập trung vào các môn thuộc nhóm Olympic như điền kinh, bơi, cử tạ, bắn súng, các môn võ thuộc nhóm thi đấu ASIAD, Olympic mà các VĐV của chúng ta đang có những thành tích khá tốt để có thể hy vọng vươn xa hơn nữa. Hiện tại, điền kinh và bơi của chúng ta đang sở hữu nhiều VĐV đã có thể vươn tới tầm châu lục cũng như thế giới như Ánh Viên 17 tuổi, Quý Phước 20 tuổi, Quang Nhật 16 tuổi hay điền kinh sau thế hệ các VĐV Đình Cương, Thanh Hằng, Bùi Thị Nhung thì giờ đây chúng ta có Thanh Ngưng, Thanh Phúc (đi bộ), Phạm Thị Bình (marathon nữ), Nguyễn Văn Lai (5.000 và 10.000m nam), Dương Thị Việt Anh (nhảy cao nữ), Nguyễn Văn Hùng (nhảy 3 bước nam), Dương Văn Thái (800 và 1.500m nam), Đỗ Thị Thảo (800 và 1.500m nữ), Quách Thị Lan (4.000m) và không thể không nhắc đến Nữ hoàng cự ly ngắn Vũ Thị Hương (100 và 200m).

Quyết tâm và sân chơi lớn

Thể thao Việt Nam đang có những nền tảng nhất định để quyết tâm hướng ra sân chơi lớn hơn. Bơi, điền kinh, cử tạ, bắn súng, TDDC, các môn võ thuộc nhóm thi đấu Olympic của chúng ta đang có được một lực lượng VĐV có thành tích khá ổn định để có thể vươn cao hơn. Đối với môn TDDC, TTVN hiện cũng đang có trong tay những gương mặt rất ưu tú ở đẳng cấp thế giới như: Phan Thị Hà Thanh, Phạm Phước Hưng, Nguyễn Hà Thanh... cũng đang sẵn sàng cho các đấu trường lớn hơn. Tại SEA Games 27 vừa rồi, nước chủ nhà Myanmar không tổ chức tranh tài ở môn thi này. Tại Sea Games - nơi chúng ta cần một thái độ rõ ràng là “sân tập” cho các VĐV trước khi ra sân chơi lớn, gần nhất chính là Asiad tại Hàn Quốc vào năm 2014. Đây mới thực sự là sân chơi chính của TTVN hướng tới. Asiad và Olympic chính là sân chơi của các VĐV chúng ta đánh giá hết được khả năng và năng lực của sự đầu tư chuyên sâu trong thời gian vừa qua. Tại Asiad 2010, TTVN chỉ giành được 1 HCV, 17 HCB và 15 HCĐ (xếp vị trí 26/40 nước của châu Á tham gia) nhưng xếp sau nhiều nước trong khu vực. Điều này cho thấy sau những thành công và thất bại tại SEA Games, bước đệm chuẩn bị cho Asiad sắp tới, TTVN cần có những mổ xẻ c ần thiết để hoàn thiện và nâng cao thành tích trước khi bước vào đấu trường Asiad 2014.

Trung Thành - Trần Hưng

Ảnh trong trang: Dư Hải


Ý kiến của bạn