Thế nào là túi nilon tự hủy, rất ít người biết được điều này

11-01-2023 09:01 | Xã hội
google news

SKĐS - Khái niệm túi nilon tự hủy và túi nilon phân hủy sinh học đang bị nhầm lẫn, rất ít người tiêu dùng nhận biết được điều này.

Phấn đấu 100% siêu thị, trung tâm thương mại không sử dụng túi nilonPhấn đấu 100% siêu thị, trung tâm thương mại không sử dụng túi nilon

SKĐS - Phấn đấu chuyển đổi sử dụng các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường thay thế dần cho các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy – đó là kế hoạch của UBND TP. Hà Nội đặt ra để thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2021.

Túi tự hủy vẫn gây nguy hại cho môi trường

Hiện trên thị trường, ở các chợ, siêu thị, loại túi nilon tự hủy được quảng cáo khá phổ biến. Túi nylon tự hủy sinh học, túi nylon tự phân hủy… là những tên gọi khác nhau của loại túi nilon đang được nhiều người lựa chọn vì giá hợp lý và thân thiện với môi trường. Nhưng đây có thực sự là loại túi nilon an toàn?

Tại các siêu thị, túi đựng thực phẩm tự hủy sinh học do Việt Nam sản xuất có giá từ 50.000 đồng đến 90.000 đồng/cuộn, túi nhập khẩu từ châu Âu có giá từ 110.000 đồng/cuộn. Túi nylon tự hủy thường có màu trắng hoặc trong suốt, khi sờ vào trơn mượt. Tuy mỏng hơn nhưng loại túi này có độ dai, bền tương đương túi nilon truyền thống. So với giá các loại túi nilon đang bán trên thị trường, túi tự hủy có giá cao hơn từ 2 lần.

Thế nào là túi nilon tự hủy, rất ít người biết được điều này - Ảnh 2.

Túi nilon bán ở các siêu thị chủ yếu là túi tự hủy chứ không phải túi phân hủy sinh học.

Liệu đây có phải là những loại túi nilon hoàn toàn phân hủy, không độc hại và thân thiện với môi trường? PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết túi nilon truyền thống bán trên thị trường có thành phần hoàn toàn là các hạt vi nhựa cùng các thành phẩm tạo màu, tạo độ dai, độ dẻo….

Túi nilon phân hủy sinh học đang bán trên thị trường, ngoài các hạt vi nhựa (chiếm khoảng 40 – 50%) còn có thêm thành phần khác như chất phụ gia phân hủy, hay một số thành phần tự nhiên như bột ngô, bột sắn, bột mì…. Dù thành phần nhựa có ít hơn túi nilon thông thường nhưng  về bản chất, các loại túi nilon phân hủy sinh học vẫn là túi nilon, được cho thêm chất phụ gia để đẩy nhanh quá trình phân rã.

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5 - 7 túi nylon/ngày bao gồm cả túi to, túi nhỏ và những túi siêu nhỏ... Hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường hàng ngày. Quá trình phân hủy của một chiếc túi nilon có thể kéo dài từ 500 đến 1.000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời.

Mua túi nilon cũng cần đọc kỹ thành phần

Để phục vụ nhu cầu sử dụng túi tự phân hủy của người tiêu dùng, không ít nhà sản xuất đã tự gắn mác sinh học cho những chiếc túi để thu lợi. Nếu vẫn quyết định lựa chọn túi nilon, khi mua sản phẩm, bạn nên đọc kỹ thành phần nguyên liệu làm ra chiếc túi.  Ngoài ra, có thể xác định túi tự phân hủy sinh học có độc hay không bằng cách đốt. Nếu thấy sản phẩm dễ cháy, không bốc khói thì tính độc hạn chế. Nếu khi đốt túi khó cháy, bốc khói, có mùi lạ, khét… đó là túi có tính độc.

TS Nguyễn Châu Giang, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, bản chất của các túi tự hủy được bán phổ biến ở các siêu thị hiện nay này khác hoàn toàn với túi tự phân hủy sinh học. Lý do là trong quá trình thổi túi, người ta cho thêm phụ gia vào nhựa PE khiến chúng có thể phân rã nhanh hơn.

Nghĩa là ở ngoài môi trường, các túi nilon này sẽ bị mủn ra, phân rã nhanh hơn, nhưng thành phần nhựa vẫn không biến mất mà tích tụ trong môi trường dưới dạng vi hạt nhựa (microplastic) có kích thước rất nhỏ. Còn túi tự phân hủy sinh học tinh bột sắn thì ngược lại, sau khi phân hủy, sản phẩm cuối cùng là CO2, nước, sinh khối (biomass), không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và hệ sinh thái.

PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà cho biết, các loại túi nilon tự hủy nhưng không phân hủy sinh học, thì sau khi thải ra môi trường, sẽ bị nát ra, nhưng các mảnh vụn thì vẫn còn đó, phát tán vào môi trường thành các hạt vi nhựa. Chúng đi vào chu trình thức ăn của sinh vật biển.

Nguồn ô nhiễm plastic theo dòng nước chảy ra biển làm đại dương phải hứng chịu, làm chết dần hệ sinh vật biển, tàn phá hệ sinh thái biển. Đáng quan ngại nhất là các mảnh nhỏ có kích cỡ nano sẽ làm hỏng chu trình dinh dưỡng của động vật biển. Còn các mảnh nhỏ cỡ nhỏ hơn 1m cũng làm động vật lớn ở biển chết khi nhầm đó là thức ăn.

Sự tồn tại của túi nilon trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước, bởi túi nylon lẫn vào đất sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản oxy đi qua đất ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng.

"Ngay cả đối với loại túi nilon tự phân hủy sinh học, cũng không có nghĩa là nó sẽ phân hủy dễ dàng như lá cây. Túi phân hủy phải có điều kiện thích hợp, đảm bảo vệ nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm nhất định, phù hợp với từng loại thì mới phân rã được.

Theo thông tin từ các nhà sản xuất, loại túi này có thể phân rã trong thời gian từ 6 tháng đến 2 năm, hoặc lâu hơn nữa, tùy theo điều kiện môi trường. Do đó, việc sử dụng túi nilon vẫn là một gánh nặng với môi trường. Không nên nghĩ dùng túi tự hủy thì thoải mái, dùng càng nhiều càng tốt", PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà cho biết.

Cảnh báo tình trạng ô nhiễm từ rác thải nhựa Cảnh báo tình trạng ô nhiễm từ rác thải nhựa

Ô nhiễm do rác thải nhựa đã trở thành một vấn đề gây nhức nhối toàn cầu. Bên cạnh việc gây ảnh hưởng đến môi trường sống, rác thải nhựa đã và đang đe dọa rất lớn đến hệ sinh thái bao gồm người và động thực vật

Xem thêm video đang được quan tâm:

Yếu Tố Gây Khó Khăn Cho Việc Đưa Bé Hạo Nam Lên | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn