Thế nào là hội chứng thận hư?

05-09-2014 07:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Hội chứng thận hư là tổn thương ở cầu thận do nhiều bệnh lý gây ra. Bệnh làm cho protein thoát qua màng lọc cầu thận ra nước tiểu. Đặc trưng của bệnh là phù toàn thân.

Hội chứng thận hư là tổn thương ở cầu thận do nhiều bệnh lý gây ra. Bệnh làm cho protein thoát qua màng lọc cầu thận ra nước tiểu. Đặc trưng của bệnh là phù toàn thân.

Có phải thận hư gây phù?

Cho đến nay, bệnh sinh của hội chứng thận hư chưa được hiểu biết đầy đủ. Nhưng căn cứ vào hiệu quả điều trị bệnh bằng thuốc corticoid và các thuốc ức chế miễn dịch, người ta cho rằng cơ chế sinh bệnh của hội chứng thận hư là sự rối loạn về đáp ứng miễn dịch, gây tăng tính thấm của màng đáy cầu thận. Bình thường, thành mao mạch cầu thận làm nhiệm vụ của một màng lọc và còn có vai trò như một hàng rào ngăn các phân tử lớn từ huyết tương thoát ra ngoài nước tiểu. Trong hội chứng thận hư, do tổn thương cầu thận nên có hiện tượng tăng tính thấm mao mạch cầu thận đối với albumin và có tổn thương màng đáy cầu thận là chủ yếu. Bình thường màng đáy không cho các phân tử lớn như protein đi qua. Trong hội chứng thận hư, màng đáy cầu thận bị tổn thương, thay đổi kích thước lỗ lọc và thay đổi điện thế màng làm protein thoát qua được. Khi có thoát protein ra nước tiểu làm giảm albumin máu sẽ làm giảm áp lực keo huyết tương, dẫn đến giảm thể tích tuần hoàn trong lòng mạch. Nước thoát khỏi lòng mạch gây phù. Giảm tưới máu đến thận sẽ gây giảm mức lọc cầu thận, giảm khả năng đào thải muối và nước cũng như kích thích sản xuất các aldosteron gây giữ muối nước, hậu quả cuối cùng là gây phù.

Phù mặt, đặc biệt phù đôi mắt trong bệnh thận hư.

Phù mặt, đặc biệt phù đôi mắt trong bệnh thận hư.

Hội chứng thận hư được chia làm hai nhóm theo nguyên nhân gây bệnh. Một là hội chứng thận hư nguyên phát, có nguyên nhân là các bệnh lý cầu thận nguyên phát. Hai là hội chứng thận hư thứ phát, có nguyên nhân là các bệnh lý khác như bệnh đái tháo đường, bệnh tự miễn dịch như: Lupus ban đỏ hệ thống, viêm mạch...; bệnh lý ác tính, các bệnh do nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng hoặc do dùng một số thuốc hay hóa chất gây ra.

Ở người lớn, khoảng 80% viêm cầu thận chưa rõ nguyên nhân và hầu hết còn kết hợp với bệnh hệ thống, đặc biệt Lupus ban đỏ, đái tháo đường và thận dạng bột.

Dấu hiệu của hội chứng thận hư

Ở thể bệnh điển hình, triệu chứng lâm sàng chủ yếu là phù. Tính chất phù: phù tăng nhanh trong vài ngày hoặc vài tuần. Bệnh nhân và người nhà dễ nhận biết bằng sự tăng cân. Ở người lớn, cân nặng có thể tăng 20 - 30kg. Bệnh nhân có thể phù mặt, đặc biệt là phù mi mắt rồi xuống chi dưới, bụng và bộ phận sinh dục. Phù thường biểu hiện rõ ở vùng thấp của cơ thể, ấn vào vùng phù có cảm giác mềm, lõm và không đau. Có thể có dịch trong ổ bụng. Thấy dịch ở màng phổi một bên hoặc hai bên. Trường hợp phù nặng, có thể có cả dịch ở màng ngoài tim. Đái ít: bệnh nhân chỉ có lượng nước tiểu thường dưới 500ml/ngày, có khi chỉ còn 200 - 300ml khi phù nhiều. Bệnh nhân thấy mệt mỏi, kém ăn hoặc có tăng huyết áp kèm theo.

Xét nghiệm nước tiểu thấy protein tăng cao. Trong nước tiểu còn có thể trụ mỡ, trụ hạt, hồng cầu và bạch cầu mặc dù không có nhiễm khuẩn tiết niệu.

Hội chứng thận hư thường có các biến chứng chính là: suy thận cấp, nhiễm khuẩn; suy dinh dưỡng do mất protein trong máu; rối loạn các chất điện giải.

Phù thận hư là phù mềm ấn lõm.

Phù thận hư là phù mềm ấn lõm.

Điều trị có khó không?

Trong hội chứng thận hư, việc điều trị chủ yếu là bù lại khối lượng tuần hoàn bằng cách tăng protein trong thức ăn, tăng calo, hạn chế muối và nước. Bệnh nhân nặng có thể truyền plasma, các dung dịch keo và albumin. Chỉ sử dụng thuốc lợi tiểu khi đã bù protein và bệnh nhân không còn nguy cơ giảm thể tích tuần hoàn. Đặc biệt trong chế độ ăn phải hạn chế muối và nước khi có phù nhiều.

Điều trị đặc hiệu ở hội chứng thận hư nguyên phát với việc dùng corticoid. Kết hợp dùng các thuốc giảm miễn dịch khác. Trường hợp bệnh nhân đáp ứng kém với corticoid, kháng corticoid hoặc chống chỉ định dùng corticoid thì dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch, nhưng phải theo dõi sát các tác dụng phụ của thuốc. Phối hợp điều trị các triệu chứng và biến chứng nếu có.

Việc điều trị hội chứng thận hư thứ phát phải tùy theo nguyên nhân gây bệnh.

Phòng bệnh cách nào?

Hội chứng thận hư có diễn biến lâu dài nên bệnh nhân cần được theo dõi định kỳ bởi các bác sĩ chuyên khoa. Điều chú ý là bệnh nhân không được tự ý dùng các thuốc ức chế miễn dịch. Để phòng bệnh, cần phòng tránh nhiễm lạnh đường hô hấp trên, các bệnh viêm da. Khi phát hiện các bệnh này, cần khám và điều trị kịp thời. Bệnh nhân không tự ý bỏ thuốc, hoặc uống giảm liều thuốc; không dùng các thuốc không rõ nguồn gốc.

BS. Trần Thị Hiền Trang

 


Ý kiến của bạn