Phát hiện sớm và ngăn chặn càng sớm càng tốt
TS. Ngô Văn Vinh - Viện trưởng Viện Pháp y tâm thần Trung ương cho biết: Hiện nay, Viện Pháp y tâm thần Trung ương đang điều trị bắt buộc cho hơn 400 bệnh nhân tâm thần đã từng phạm tội, trong đó có trọng tội giết người. Đa số nạn nhân của những vụ trọng án đó đều là những người thân của những người mắc bệnh tâm thần gây án như ông bà, cha mẹ, vợ con, họ hàng, bạn bè, làng xóm... của họ. Phần lớn họ bị mắc bệnh tâm thần phân liệt, bị yếu tố hoang tưởng, ảo giác, ảo thanh chi phối, điều khiển hành vi và hầu hết họ không được phát hiện sớm và được đưa đi điều trị kịp thời hoặc đã từng điều trị nhưng không được điều trị đến nơi đến chốn và gia đình họ đã chủ quan không lường hết được những hậu quả nghiêm trọng do căn bệnh tâm thần có thể gây ra.
Lấy máu làm xét nghiệm cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương. Ảnh: TM
Hầu hết các vụ án do người mắc bệnh tâm thần gây ra đều có những dấu hiệu cảnh báo trước đó nhưng do thân nhân của người bệnh thiếu quan tâm không phát hiện kịp thời hoặc phát hiện ra nhưng do thiếu kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm nên đã bỏ qua những dấu hiệu vô cùng quan trọng giúp họ có thể nhận biết căn bệnh và đưa ra những giải pháp đúng đắn đưa người bệnh đi bệnh viện chuyên khoa tâm thần để điều trị kịp thời.
Các dấu hiệu cảnh báo
Một người bị mắc bệnh tâm thần, đặc biệt là tâm thần phân liệt thường có những biểu hiện khá phức tạp. Thời gian đầu phát bệnh, người bệnh có những trạng thái rất thất thường, đang ít nói bỗng trở nên hay nói hoặc đang vui vẻ hoạt bát bỗng trở nên trầm lắng, buồn rầu ủ rũ, xa lánh mọi người, thái độ thờ ơ với tất cả, có khi không nói không rằng, song có lúc lại hết sức bình thường, thậm chí tư duy mạch lạc, chính vì thế mà người thân và những người xung quanh thường nhầm lẫn và chủ quan bỏ qua những biểu hiện bệnh trước đó. Khi bệnh biểu hiện rõ rệt hơn, người bệnh thường mất ngủ, thậm chí mất ngủ nhiều đêm liền, chán ăn...
Có nhiều trường hợp, người bệnh hay nói lảm nhảm, linh tinh về một thế lực thần thánh siêu nhiên nào đó và họ tưởng mình chính là ma quỷ hay thần thánh. Những hành động của họ trở nên dị kỳ, khó hiểu. Chuyên môn gọi đó là những cơn hoang tưởng ảo giác. Người bệnh thường lẩm bẩm nói chuyện một mình và họ tưởng rằng họ đang nói chuyện với ma quỷ hay thần linh hoặc một linh hồn nào đó. Họ khẳng định họ nghe được tiếng nói của người âm, thậm chí người bệnh còn cho rằng thánh thần hoặc linh hồn của người đã chết nhập vào họ. Trong đầu họ xuất hiện một giọng nói có thể là của một vị thần thánh nào đó, cũng có thể là giọng nói của một người đàn ông hoặc một người đàn bà mà họ không hề quen biết... xúi giục, điều khiển lời nói hành vi của họ (hiện tượng ảo thanh). Bởi vậy, gia đình người bệnh thường nghĩ rằng người bệnh bị ma làm và điều đầu tiên mà gia đình thường làm là tìm một thầy cúng cao tay có thể bắt được con ma đang nhập vào người thân của họ để giải thoát cho họ và đây chính là một giải pháp sai lầm, chỉ khiến cho căn bệnh của họ ngày càng trầm trọng hơn. Khi bệnh biểu hiện rầm rộ với một trạng thái suy kiệt do một thời gian dài bệnh nhân ăn, ngủ kém và luôn trong trạng thái kích động, người bệnh có thể gây ra án mạng mà nạn nhân có thể là bất kỳ một ai xuất hiện trước họ vì lúc đó người bệnh đã gần như hoàn toàn mất tỉnh táo và khả năng điều khiển hành vi. Có những người bệnh lên cơn đập phá đồ đạc, tấn công người thân, gây rối trong gia đình, xã hội và trầm trọng hơn là gây nên những thảm án kinh hoàng.
TS. Ngô Văn Vinh khuyến cáo: Bệnh tâm thần cũng là một bệnh như bao bệnh lí khác, nguyên nhân là do rối loạn chức năng các chất trong não. Bệnh nhân phải được chữa trị bởi các thầy thuốc chuyên khoa tâm thần. Có như vậy, bệnh nhân tâm thần mới được chăm sóc và điều trị đúng phương pháp.
Trong trường hợp bệnh nhân có những biểu hiện khác thường bởi những cơn hoang tưởng trầm trọng về một thế lực thần thánh siêu nhiên nào đó chi phối xúi bẩy, điều khiển hành vi thì gia đình cần phải hết sức cảnh giác, theo dõi giám sát chặt chẽ người bệnh, có thể cách ly và tìm cách đưa người bệnh đến các cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần ngay để điều trị kịp thời.
Nguyễn Minh Tuấn