Phóng viên: Công nghệ thông tin ứng dụng trong ngành y nên bắt nguồn từ những điều giản đơn nhưng hiệu quả lớn, ông có thể cho biết kết quả sau 5 năm bệnh viện thực hiện thẻ này?
BSCK II Hoàng Xuân Đoài: Thẻ khám bệnh thông minh triển khai theo Chương trình một thẻ quốc gia, với sự phối hợp giữa Cục Thương mại điện tử và CNTT - Bộ Công Thương và Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế thuộc Chương trình "Phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014-2020", do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 11/5/2013.
Thẻ khám bệnh thông minh giúp đăng ký khám, chữa bệnh được thuận tiện hơn, giảm thời gian chờ đợi, giảm thủ tục hành chính, bảo đảm kết quả nhanh chóng, dữ liệu bệnh nhân được lưu trữ vào hệ thống y bạ điện tử. Hiện tại, thẻ đang được triển khai tại ở hơn 60 bệnh viện của 25 tỉnh thành phố trên toàn quốc.
BSCK II Hoàng Xuân Đoài, Giám đốc BVĐK tỉnh Phú Thọ
Chỉ cần một bước đơn giản là quẹt thẻ sau khi đã đặt lịch khám qua tổng đài, với khoảng thời gian chưa đến 5 phút, người bệnh đã có thể hoàn tất tất cả các thủ tục đăng ký khám bệnh của mình. Đó là một trong những tiện ích mà chiếc “Thẻ khám bệnh thông minh” mang đến
1- Đăng ký khám bệnh
Người bệnh chỉ cần điện thoại đăng ký khám bệnh qua tổng đài của bệnh viện sẽ nhận được số thứ tự và lịch khám, không mất thời gian đến bệnh viện chờ đợi.
2- Lưu trữ bệnh án
Lịch sử khám, điều trị sẽ được lưu trữ trên y bạ điện tử. Khi cần thiết người bệnh có thể tự tra cứu được bệnh án một cách dễ dàng
3- Tích hợp đa năng
Chương trình Một thẻ quốc gia, được sự phối hợp giữa Bộ Công thương với Bộ Y tế, Bộ GTVT, Bộ GD - ĐT đưa ứng dụng thẻ thông minh tích hợp thanh toán ứng dụng trong các lĩnh vực dịch vụ công cộng, dịch vụ xã hội trọng yếu. Cho phép người bệnh thanh toán trực tuyến thông qua tài khoản cá nhân của mình tại ngân hàng và hoàn toàn không phải sử dụng tiền mặt.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ là một trong những đơn vị được triển khai đầu tiên về ứng dụng Thẻ khám chữa bệnh trong chương trình Một thẻ quốc gia từ năm 2014. Hiện tại chương trình được mở rộng trên toàn tỉnh Phú Thọ, người bệnh được cấp thẻ hoàn toàn miễn phí tại bệnh viện.
Kể từ khi triển khai đến nay, chúng tôi đã phát hành được 10.240 thẻ cho người dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và người dân đã nhận thức được rõ hơn về những tiện ích của loại thẻ này mang lại nên nhu cầu được cấp thẻ cũng như sử dụng thẻ ngày càng nhiều. Trung bình chúng tôi thực hiện làm hồ sơ và cấp thẻ cho từ 500 – 600 người bệnh/tháng và số lượng này đang không ngừng tăng lên.
Để hỗ trợ cũng như khuyến khích người bệnh sử dụng thẻ KCB thông minh như một giải pháp giảm thời gian chờ đợi, các thủ tục hành chính, lưu trữ và theo dõi hồ sơ sức khỏe, thanh toán điện tử nhanh chóng, thuận tiện; Bệnh viện bố trí bộ phận CSKH chuyên trách làm nhiệm vụ phát hành thẻ miễn phí cho người bệnh với đầy đủ các trang thiết bị: máy tính, máy in, camera chụp ảnh và các ấn phẩm hướng dẫn sử dụng thẻ giúp người bệnh dễ dàng sử dụng thẻ trong quá trình khám chữa bệnh. Hồ sơ của khách hàng sẽ được chuyển đến ngân hàng để hoàn thiện thủ tục chuẩn bị cho hoạt động thanh toán điện tử.
Song song với việc cấp phát, hoàn thiện hồ sơ cho khách hàng, bộ phận Tổng đài CSKH còn được bố trí để tiếp nhận các cuộc gọi đăng ký khám bệnh trước cho người bệnh theo đúng nhu cầu và tình trạng bệnh lý của người bệnh, tiếp đón quẹt thẻ và lưu thẻ BHYT cho người bệnh. Do đó, khi đến khám bệnh, người bệnh chỉ cần 5 phút để được hoàn thiện mọi thủ tục đăng ký để được khám bệnh.
PV: Sự đầu tư này đã mang lại hiệu quả như thế nào trên thực tế thưa ông?
BSCK II Hoàng Xuân Đoài: Ban đầu chúng tôi thực hiện thí điểm trên nhóm khách hàng mắc bệnh mãn tính như Đaí tháo đường, Tăng huyết áp, Tim mạch…đến nay sau thời gian thực hiện đã phát triển rộng đến tất cả người dân có nhu cầu sử dụng thẻ khám chữa bệnh thông minh.
Sử dụng thẻ khám chữa bệnh thông minh giúp người bệnh yên tâm khi đi khám bệnh, đặc biệt những bệnh mãn tính, người bệnh không phải đi khám sớm, xếp hàng và chờ đợi làm thủ tục mới được vào khám. Sử dụng thẻ này, người bệnh được đặt lịch trước, được nhắc lịch khám, hẹn giờ đến khám và tối giản được tối đa thời gian làm thủ tục khám. Đây cũng chính là ưu điểm của sử dụng thẻ thông minh nâng cao sự hài lòng của người bệnh.
PV: Thực tế, khi triển khai bất cứ mô hình mới nào cũng sẽ bộc lộ những hạn chế, vì thế đối với việc áp dụng thẻ khám bệnh thông minh hiện nay có những vướng mắc gì không thưa bác sĩ?
BSCK II Hoàng Xuân Đoài: Việc áp dụng thẻ khám bệnh trong khám chữa bệnh tại BVĐK tỉnh Phú Thọ được triển khai từ năm 2014 và hiện tại cơ bản người dân cũng đã có nhận thức khá tốt về loại hình hỗ trợ này. Tuy nhiên, các modun như lưu trữ thông tin hồ sơ sức khỏe của khách hàng trên trang web chung còn hạn chế, do đó khách hàng chưa tự tra cứu được thông tin sức khỏe của mình khi có nhu cầu. Cũng như modun tích hợp với tài khoản ngân hàng thực hiện thanh toán điện tử, ở BVĐK tỉnh Phú Thọ nói riêng và hầu hết ở các cơ sở y tế nói chung đều gặp khó khăn do nhận thức của người dân và thói quen chi trả trực tiếp các chi phí KCB bằng tiền mặt.
Để khắc phụ những khó khăn, hạn chế này, chúng tôi đang nỗ lực đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tư vấn, tuyên truyền để cấp thẻ đến 100% người dân trên địa bàn tỉnh cũng như các tỉnh lân cận; Triển khai các hoạt động hỗ trợ người bệnh như gọi điện tư vấn, hỏi thăm, hỗ trợ đăng ký khám, hỗ trợ thực hiện các thủ tục khi người dân đến khám. Tặng thẻ cho các đối tượng khám dịch vụ, khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc các bệnh lý như ung thư, tim mạch…Bên cạnh đó bệnh viện cũng cải tiến đồng bộ hệ thống trang thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động tiếp nhận, đăng ký khám bệnh cho khách hàng. Phối hợp chặt chẽ với Công ty phần mềm, các đơn vị ngân hàng để hoàn thiện những modun còn lại trong giai đoạn tiếp theo.
PV: Cảm ơn ông