Kế hoạch về chuyến thăm 4 nước đồng minh châu Á của Tổng thống Obama (Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines) trong bối cảnh Ukraine đang nước sôi lửa bỏng mang thông điệp khẳng định Mỹ không lơ là các vấn đề biển Đông.
Điều này được các cố vấn của Tổng thống Mỹ khẳng định ngày 19/4. Theo đó, chuyến thăm châu Á tái khẳng định sự yểm trợ vững chắc của Mỹ đối với các đồng minh châu Á, đồng thời trấn an các nước rằng Mỹ vẫn đặt trọng tâm hiện diện ở châu Á Thái Bình Dương. Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Susan Rice nhấn mạnh thêm: “Vào lúc đang có nhiều căng thẳng khu vực, đặc biệt là do vấn đề CHDCND Triều Tiên và các tranh chấp lãnh hải, chuyến công du này sẽ là dịp để Mỹ khẳng định cam kết duy trì một trật tự dựa trên luật lệ trong khu vực. Tổng thống Obama khi đi thăm 4 nước châu Á đã nhấn mạnh rằng Washington muốn các tranh chấp lãnh hải ở vùng biển Hoa Đông và biển Đông phải được giải quyết một cách hòa bình, đúng theo công pháp quốc tế”.
Dù không thể hiện quan điểm bày tỏ bên nào trong các tranh chấp tại châu Á nhưng với những luận điểm “cần giải quyết tranh chấp trên cơ sở đa phương”, người ta thấy Mỹ luôn muốn thể hiện vai trò tại đây. Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng cũng là một trong những vấn đề đau đầu của chú Sam. Theo lời ông Ben Rhodes - Phó cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ, ngoài cuộc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye, ông Obama sẽ ngỏ lời với Bộ chỉ huy lực lượng Mỹ - Hàn và nghe báo cáo về những hành động đáp trả thái độ khiêu khích của Bình Nhưỡng. Sau Hàn Quốc, ngày 26/4, ông Obama sẽ là Tổng thống Mỹ đầu tiên của Mỹ kể từ chuyến đi của Tổng thống Johnson năm 1966 đến thăm Malaysia. Đặc biệt, trong chuyến viếng thăm nước này, Tổng thống Obama sẽ phát biểu với các lãnh đạo trẻ Đông Nam Á tại Đại học Malaysia. Sáng ngày 28/4, Tổng thống Mỹ sẽ đến Philippines để hội đàm với Tổng thống Benigno Aquino và hai nhà lãnh đạo sẽ mở cuộc họp báo chung sau đó. Tại Nhật Bản, ông Obama sẽ gặp Thủ tướng Abe để bàn luận việc “hiện đại hóa liên minh 54 năm tuổi” và “làm sâu sắc thêm các mối quan hệ về kinh tế” giữa hai nước. Một trong các chủ đề hai bên đang cố gắng giải quyết là Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang còn nhiều khúc mắc. Cho tới nay, các nhà thương thuyết của hai nước vẫn chưa giải quyết được những bất đồng về việc mở cửa hai khu vực công nghiệp xe hơi và nông nghiệp. Một chủ đề quan trọng khác là các thách thức ngoại giao ở châu Á và trên toàn cầu, theo một thông cáo khác ra trước đó, cho thấy nghị trình chuyến thăm có thể sẽ bao gồm cả vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Trung - Nhật trên biển Hoa Đông.
Hồi tháng 10 năm 2013, ông Obama đã phải hủy toàn bộ chuyến thăm châu Á bao gồm kế hoạch viếng thăm Malaysia, Philippines và tham dự Hội nghị APEC tại Indonesia cũng như Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Brunei vì Chính phủ Mỹ đóng cửa.
(Theo AP, CNN)
Điệp Quỳnh
Kể từ năm 2009, ông Obama đã có hàng loạt chuyến thăm đến các quốc gia châu Á ở cương vị tổng thống, trong đó có Trung Quốc. Vào năm 2011, ông tuyên bố Hoa Kỳ sẽ chuyển trọng tâm chính sách đối ngoại từ khu vực Trung Đông sang châu Á cùng với việc tăng cường sự hiện diện của quân đội nước này trong khu vực. Hồi tháng 7 năm 2013, Hoa Kỳ và Việt Nam chính thức xác lập “quan hệ đối tác toàn diện” sau cuộc hội đàm tại Nhà Trắng giữa Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang với Tổng thống Obama.