Xuân dược hay mỵ dược đã trở thành một trong những nội dung chính yếu của “Phòng trung bí thuật” - tức thuật phòng the của Trung Quốc cổ đại.
Tượng nam nữ giao hoan thời cổ đại
Xuân dược - thuốc của chốn phòng the
Chứng tích cổ nhất là những tác phẩm “Tạp liệu phương”, “Dưỡng sinh phương” từ đời Hán (thế kỷ 1 TCN) được khắc trên thẻ tre, tìm thấy ở đồi Mã Vương, Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, trong đó có chép những phương thuốc gọi là “nội gia” (thuốc tráng dương dành cho nam) và “dược”(thuốc tráng âm dành cho nữ). Những phương thuốc này chia làm hai loại uống trong và dùng ngoài. Uống trong là những phối phương sắc uống, nghiền uống, nhiều phương còn lưu truyền đến nay như Ích đa tán, Thốc kê tán... hầu hết có công dụng tư bổ, cường dương rất mạnh; dùng ngoài là nước thuốc dùng ngâm rửa bộ phận sinh dục, như Linh nam tử âm đại phương, Linh nữ ngọc môn tiểu phương... có tác dụng kích thích nhất định, làm cho bộ phận sinh dục to ra hoặc nhỏ lại. “Thận tuất giao” còn gọi là Tục huyền giao, là phương xuân dược cổ nhất được biết ở Trung Hoa, nhưng thành phần của thuốc không ai rõ. Trong “Triệu Phi Yến ngoại truyện” có nói rằng “uống một viên Thận tuất giao có thể làm tăng thêm một lần giao hoan”. Thời trung cổ ở châu Âu cũng thịnh hành xuân dược, những tài liệu cổ khuyên nam giới nên ăn cá nước mặn còn nữ giới ăn cá nước ngọt. Ngoài ra còn có rất nhiều thứ khác liên quan đến tình dục theo quan niệm của người xưa, nhưng do nền văn hóa khác nhau nên thể hiện khác nhau, như nam giới châu Mỹ thường đeo những chiếc bùa hộ thân làm theo hình dương vật, hoặc những vật trang sức bằng sừng bò; đàn ông châu Á thì thích ăn lươn vàng, lộc nhung… Thực ra trên thế gian không có một thứ gì có thể giúp người ta điều khiển hoạt động tình dục theo ý muốn. Nhưng theo y học hiện đại chứng minh, phàm là thứ gì có thể làm hạ thấp nồng độ trong máu thì tạo ra tác dụng kích thích tình dục nhất định.
Hầu hết các phương xuân dược bào chế của Trung Hoa cổ đại đều có độc tính, nếu lạm dụng có thể nguy hại đến tính mạng.
Chữ giáp cốt nói về xuân dược
Hoàng đế chết vì xuân dược
Cái chết của Hán Thành Tổ Lưu Ngao (thế kỷ 1 TCN) không có gì ghê gớm nhưng đây là trường hợp một vị đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa băng hà vì lạm dụng xuân dược để đáp ứng nhu cầu tình dục được chép vào chính sử (Tư trị thông giám của Tư Mã Quang) Lưu Ngao mê đắm nhan sắc của hai chị em ruột Triệu Phi Yến và Triệu Hợp Đức, lập làm hoàng hậu và chiêu nghi. Hai chị em họ Triệu này sử dụng một loại xuân dược gọi là “Hương cơ hoàn” khiến cho da dẻ lúc nào cũng thơm tho, mịn màng như mỡ đông, hừng hực xuân sắc, khiến vua không thể tự chủ được. Nhưng tác hại của loại xuân dược này là hai phi đều không có con, cả hai điên cuồng tìm mọi cách để giết những phi tần có thai, thậm chí giết luôn cả hai hoàng tử mới ra đời của Hứa mỹ nhân và Tào cung nữ, nhưng hoàng đế Lưu Ngao vẫn sủng ái như thường. Sử gọi ông vua này là “yêu mỹ nhân hơn yêu quốc gia”, chỉ cần thấy Triệu Phi Yến múa hoặc nắm chân của Triệu Hợp Đức là vua hăng hái tinh thần, vui cuộc truy hoan, không còn đoái hoài gì đến xã tắc nữa. Về sau Lưu Ngao tinh lực ngày càng suy giảm, hai chị em họ Triệu nhờ thuật sĩ luyện xuân dược cho vua. Đó là Xuân tuất giao - một thứ đan dược luyện trong lửa đúng 100 ngày mới thành, sau đó cho thuốc vào lu nước lớn, nước sôi lên ùng ục, đổi nước mới, qua 10 ngày như vậy mới uống, công hiệu như thần, giao hoan không biết mệt. Lưu Ngao và chị em họ Triệu rất vui, nhưng thuốc dần dần mất tác dụng, vua phải uống tăng liều lên mãi. Một đêm Triệu Hợp Đức uống say, ép hoàng đế uống cả 10 viên một lúc để mạnh gấp 10, không ngờ vua uống xong thì hôn mê, “tinh khí thoát ra ướt cả long sàng”, sau đó chết ngay không kịp trăn trối. Vương thái hậu cùng triều thần nghị luận, khép Triệu Hợp Đức vào tội “thí quân”(giết vua), bắt tự sát. Cháu Lưu Ngao là Lưu Hân lên ngôi tức Hán Ai Đế, Triệu Phi Yến vẫn được tôn làm hoàng thái hậu. 6 năm sau Ai Đế qua đời, đại tư mã Vương Mãng ghép Triệu Phi Yến vào tội sát hại hoàng tử, bức phải tự sát.
Thỏa mãn lối sống hủ bại?
Từ cuối đời Đông Hán, các phương sĩ chuyên về thuật trường sinh bất lão hình thành Kim đan đạo, đại biểu là Ngụy Bá Đương, ông hợp nhất Chu Dịch, Hoàng Lão, luyện đan, viết thành tác phẩm” Chu Dịnh tham đồng khế” có ảnh hưởng rất lớn. Kim đan đạo độc tôn đan đạo, phản đối các phương thuật khác, cho rằng thuật phục khí, lập đàn cúng tế là đi ngược với đạo, chỉ có uống “kim dịch hoàn đan”(thuốc chế từ đan sa, vàng, các loại đá…) mới có thể phản lão hoàn đồng. Kim đan chia làm thượng dược, trung dược và hạ dược. Các loại cửu chuyển hoàn đan, Thái ất kim dịch là thượng dược, uống vào có thể thành tiên; vân mẫu, hùng hoàng là trung dược, uống có thể trường sinh, khiến được quỷ thần; các thứ thuốc luyện từ cây cỏ là hạ dược, chỉ có thể trị bệnh, kéo dài tuổi thọ chứ không thể trường sinh.
Đến thời Ngụy - Tấn (thế kỷ 3 - 4), rất thịnh hành thuật luyện đan và uống kim đan, trong đó nổi tiếng nhất là các phương dược Ngũ thạch tán, Hồi long thang... Cát Hồng (283 - 236) viết: “Bão phác tử” đề xướng thuật luyện đan, đổi Kim đan đạo thành Đan đỉnh đạo, cho rằng “mệnh ta là do ta chứ không do trời, uống kim đan có thể sống muôn đời”. Nguyên liệu luyện đan thời kỳ này có các loại khoáng thạch, hùng hoàng, tằng thanh, tiêu thạch, vân mẫu, nam châm, sắt, muối, thiếc… Cát Hồng cho rằng “người uống được vàng đã luyện sẽ thọ như vàng, uống được ngọc sẽ thọ như ngọc, trở thành kim thân bất hoại”, nuôi ảo tưởng thành tiên, vào trong núi La Phù luyện kim đan đến chết. Sang đời Nam triều có đạo sĩ-lương y Đào Hoằng Cảnh(456 - 538) lừng danh, gọi là “tể tướng trong núi”, được Lương Vũ Đế ban tặng vàng, chu sa… để luyện đan. Ông viết Hợp đan pháp thức, Kim đan tiết độ, Phục nhị luyện đan, Dưỡng tính diên mệnh lục… có nhiều cống hiến về hóa học, thảo dược học.
Tại sao các loại khoáng thạch lại được dùng để luyện luyện kim đan? Người xưa cho rằng khoáng thạch có khả năng làm “nhẹ người, giảm phì, tráng dương đạo, ích tinh khí”. Trong “Thiên kim dực phương” có nói đến hiệu nghiệm của các bài thuốc “Ngũ thạch cánh sinh tán”, “Ngũ thạch hộ mệnh tán” có thể trị được 5 chứng lao, 7 chứng thương (ngũ lao thất thương) ở nam giới. Ngũ anh hay ngũ thạch là 5 loại khoáng thạch: tử thạch anh, bạch thạch anh, xích thạch chỉ, chung nhũ thạch, thạch lưu huỳnh qua chế luyện mà thành.
Nói đúng ra, đan dược là một loại xuân dược, giúp cường dương, mạnh trong quan hệ chăn gối, nhưng đan dược hoàn toàn không thể giúp người bệnh sống thọ được. Kim đan khi mới uống sẽ làm cho sung sức, sắc diện hồng hào, tinh thần phấn chấn, có cảm giác thân nhẹ như bay. Nhưng sau đó người uống sẽ bị trúng độc, phát sinh các chứng co giật, biến đổi bất thường, không thuốc náo chữa khỏi. Các vua đời Đường như Đường Thái Tông, Hiến Tông, Mục Tông, Vũ Tông, Tuyên Tông đều mất mạng do uống kim đan. Các hoàng đế, quan lại các triều Tống, Nguyên, Minh, Thanh chết vì uống kim đan rất nhiều. Ngay hoàng đế Ung Chính cũng từng sử dụng “Ký tế đan”, còn đem thuốc này tặng cho các quan người Mãn, cuối cùng trúng độc mà chết “7 khiếu đều chảy máu”.
Tắc kè và nhục thung dung-những dược liệu bổ dương được nói đến trong xuân dược
Trường sinh bất lão vĩnh viễn là ảo tưởng. Đại đệ tử của Vương Trùng Dương là Trường xuân tử Khưu Xứ Cơ đã nói với Thành Cát Tư Hãn: “Chỉ có cuộc sống lành mạnh chứ không thể có thứ thuốc trường sinh”.
Đại biểu về luyện đan dược đời Đường là Tôn Tư Mạo (581 - 682), nhưng ông viết trong “Thái Thanh đan kinh yếu quyết” rằng mục đích của luyện đan là lánh danh lợi thế gian, chữa bệnh cứu người chứ không phải để trường sinh bất tử. Thuật luyện kim đan phát triển mạnh từ đời Đường với kỹ thuật nung luyện đỉnh đan dược, chế luyện được các loại thuốc dược khinh phấn, hồng thăng đan, bạch giáng đan, hỗn nguyên đan, càn khôn nhất khí đan đến nay vẫn còn sử dụng trong đông y.
Xuân dược Trung Hoa cổ đại có liên quan mật thiết với tình dục học, y học, dược học và xã hội học, đã để lại một số lượng sử liệu rất lớn về xuân dược. Thể hiện rõ nhất là qua các thuật sĩ phòng trung thuật và đạo sĩ luyện đan dược. Trong “Hậu Hán thư” có chép chuyện các phương sĩ Đông Quách Diên Niên, Cam Thỉ, Phong Quân Đạt thường “hoặc uống nước tiểu, hoặc treo ngược đầu”, người đời coi đó như là hành động điên cuồng, thực ra “uống nước tiểu” là một phương xuân dược làm mạnh tinh khí, gọi là “Hồi long thang”, các đời Ngụy, Tấn, Nam Bắc triều cũng còn rất thịnh hành.
Đời Đường lưu hành thuật “nam nữ hợp khí” và “phục thực bế luyện”. “Phục thực” tức “phục thạch”, là loại xuân dược chế từ các loại đá như chu sa, chung nhũ, thạch anh… tiêu biểu có “Hàn thạch tán”, “Ngũ thạch tán”. Theo “Bão phác tử - Kim thạch thiên” của Cát Hồng thì các loại đá có tác dụng “Ích tinh ích khí, bổ bất túc, khiến cho có con, uống lâu nhẹ người, sống lâu”. Nhưng sách sử cũng có chép về tác dụng phụ của “phục thạch”, như “Tấn thư - Ai Đế kỷ” chép: “ Uống Hàn thực tán nhiều, dần dần trúng độc, khiến cho điên loạn, cởi hết quần áo, không nên sử dụng”.
Đến đời Minh, chính trị hủ bại và lối sinh hoạt dâm loạn trong cung đình đã lên đến đỉnh điểm, tạo nên 2 đặc điểm lớn kết hợp với nhau: Thái giám chuyên quyền và xuân dược phổ biến rộng khắp. Sự thịnh hành của xuân dược là nguyên nhân làm cho y học Trung Hoa phát triển đồng thời thỏa mãn lối sống hủ bại của giai cấp thống trị. Nhiều tác phẩm văn chương, y học ra đời trong giai đoạn này đều chịu ảnh hưởng hơi thở xuân dược.
Lý Thời Trân là danh y nổi tiếng đời Minh với bộ y thư, dược điển được xem là khoa học nhất của Trung Hoa cổ “Bản thảo cương mục”. Ông sống vào năm Chính Đức đến Vạn Lịch (1518-1593) là thời kỳ xuân dược mạnh. Rất rõ ràng, trong bộ y thư này có thể phát hiện hơn ½ số dược liệu, dược vật được đề cập là có tác dụng bổ thận tráng dương, hỗ trợ cho sinh hoạt tình dục.
Khoảng giữa đời Minh, xuân dược bắt đầu được phủ lên tấm áo thần bí với tên gọi là “Tiếp mệnh thần phương”, sử dụng “hồng diên” - tức kinh nguyệt của thiếu nữ - chế thành. Theo “Hồng diên tiếp mệnh thần phương” trong “Nhiếp sinh chúng diệu phương” của Trương Thời Triệt đời Minh, thì phương xuân dược này là “Dùng kinh nguyệt của thiếu nữ mạnh khỏe, vô bệnh, lấy lần đầu tiên là quý nhất; lần 2,3 là vừa; lần 4,5 là kém nhưng vẫn có thể sử dụng”. Sau đó danh y Cung Đình Hiền trong “Vạn bệnh hồi xuân” lại nói càng huyền bí hơn, yêu cầu phải chọn thiếu nữ xinh xắn, mắt sáng mày dài, răng trắng môi hồng, tóc đen mặt sáng, da dẻ mịn màng, không gầy không béo, nếu chọn đúng thiếu nữ có số ngày tuổi đúng vào số 5048 (người xưa cho rằng nữ giới được khoảng 5048 ngày thì có kinh nguyệt lần đầu) thì “đúng là chí bảo, là thuốc tiếp mệnh vào hạng thượng phẩm”. Tất nhiên cực hiếm thiếu nữ có kinh nguyệt lần đầu đúng chính xác vào ngày này. Nghe nói xuân dược chế từ “hồng diên” là “thái âm bổ dương”, làm cho nam giới sinh lực mạnh mẽ, giao hợp bền bỉ, tráng kiện không già, kéo dài tuổi thọ.
Trong “Bản thảo cương mục” có nói đến dược tính của con tằm đực(hùng tàm nga), dược liệu chủ yếu để chế loại xuân dược “Đàn thanh kiều”: “Tằm đực khí nhiệt tính dâm, cố tinh trợ dương, giao hợp không mệt”.
“Dưỡng sinh phương” được các nhà khảo cổ phát hiện khai quật những ngôi mộ đời Hán ở gò Mã Vương, trong đó có khắc 3 bài thuốc xuân dược có tác dụng trang dương xưa nhất Trung Hoa-và có lẽ xưa nhất thế giới so với dược loại tương tự, dược liệu được dùng chủ yếu là trứng chim, trứng gà. Đây là một bài tiêu biểu: “Vào mùa xuân dùng trứng chim (có lẽ là trứng chim sẻ?), đánh tan ra, tráng chung với bột gạo, viên thành hoàn nhỏ, ăn nhiều rất tốt”. Đây chính là xuân dược thời kỳ đầu, thành phần gồm có cả động vật và thực vật.
(Còn tiếp)