Khủng hoảng mang tên COVID-19
Tại họp báo về chống đại dịch COVID-19 ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo 2 tuần tới sẽ rất gian nan với nước Mỹ. Nước này đang nỗ lực tiến hành các biện pháp kiểm soát nhập cảnh, đi lại để giảm thiểu các ca tử vong. Tính đến 10h sáng ngày 6.4, số ca mắc tại Mỹ đã vượt 336 nghìn người, hơn 9,6 nghìn người tử vong. Dịch COVID-19 đã làm tê liệt thương mại thế giới, ảnh hưởng tới đời sống, xã hội trên toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại họp báo chống đại dịch COVID-19 ở Nhà Trắng. (Nguồn ảnh: AP/CNN)
Trong khi đó ở châu Âu, dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành, đặc biệt là ở những vùng tâm dịch như Tây Ban Nha, Italy và Đức (3 nước này đều vượt trên 100 nghìn ca mắc).
Tại Barcelona, Tây Ban Nha, bệnh viện ngăn riêng khu điều trị COVID-19 để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo. Bệnh viện được ngăn cách riêng thành 2 khu: một bên để điều trị các loại bệnh thông thường, bên kia dành riêng cho bệnh nhân COVID-19.
Một bệnh viện 600 giường gần như dành riêng để điều trị bệnh nhân COVID-19. Các nhân viên y tế đứng đầu chiến tuyến chống dịch, cứu mạng người dân cũng đứng trước nguy cơ lớn bị lây nhiễm. Tây Ban Nha hiện đã có trên 131 nghìn người mắc COVID-19, trên 12 nghìn người tử vong.
Dịch COVID-19 lan rộng khiến một vài quốc gia chẳng hạn như Romania cũng lâm vào khủng hoảng do thiếu hụt nhân viên y tế và nỗi lo lây nhiễm chéo từ bệnh viện. Thành phố Suceava (nơi có dân số chỉ 100 nghìn người) và khu vực lân cận đang bị giám sát chặt chẽ, đây là vùng duy nhất ở Romania bị phong tỏa gần như toàn bộ. Trong khi đó, khoảng 500 nhân viên y tế Romania bị nhiễm virus, ít nhất 200 người nhiễm tại một bệnh viện địa phương, nơi được coi là khởi nguồn lây nhiễm.COVID-19 lây lan ở Suceava được cho là từ một người đàn ông 71 tuổi vừa trở về vùng đỏ tâm dịch Lombardy ở Italy vào cuối tháng 2, nhập viện sau đó với triệu chứng COVID-19. Kể từ đó dịch lây lan nhanh chóng ở thành phố Suceava và ra toàn Romania.
Thế giới đối mặt với thiếu nguồn cung trang thiết bị y tế
Nhiều quốc gia đang phải đối mặt với thiếu hụt nguồn cung khẩu trang, máy trợ thở giữa đại dịch COVID-19. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, đảm bảo nguồn cung toàn cầu về trang thiết bị phòng hộ là một trong những thách thức lớn nhất trong cuộc chiến COVID-19”.
Trong khi đó, việc Mỹ cấm xuất khẩu trang thiết bị y tế qua biên giới khiến một số nước không đồng tình, trong đó có Canada, nước sát sườn với Mỹ. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết Canada đang đối thoại với Mỹ về vấn đề này bởi ông cho rằng bản thân nước Mỹ cũng sẽ thiệt hại về mặt kinh tế nếu ngừng cung cấp hàng hóa thiết yếu như máy trợ thở qua biên giới.
Trong khi đó, sau 2 tuần trì hoãn, cuối cùng Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã cấp phép để vận chuyển máy trợ thở của nước này tới Tây Ban Nha, nước đứng thứ 2 thế giới cả về ca mắc lẫn ca tử vong do COVID-19. Ngoại trưởng Tây Ban Nha Arancha González đã thay mặt Chính phủ Tây Ban Nha gửi lời cảm ơn về nghĩa cử này.
Tây Ban Nha tiếp tục phong tỏa và áp dụng tình trạng khẩn cấp để đối phó với dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 6-11/4.
Một loạt các nước châu Âu, Nam Mỹ tiếp tục áp dụng biện pháp phong tỏa để đối phó với dịch. Từ ngày 6-13/4, Italia và Argentina cấm người dân ra khỏi nhà nếu không có việc gì cần thiết. Tại Pháp, lệnh phong tỏa sẽ kéo dài tới ngày 15/4.
Dự kiến, vào ngày 7/4, tỉnh Vũ Hán (Trung Quốc) – nơi được coi là tâm dịch- sẽ dỡ bỏ lệnh phong tỏa áp đặt từ ngày 23/1 do dịch COVID-19.