Hà Nội

Thế giới sẽ biến động gì sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ có lãnh đạo mới?

15-03-2018 08:02 | Quốc tế
google news

SKĐS - Tổng thống Mỹ D.Trump bất ngờ thông báo về việc sa thải Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Giám đốc Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo được bổ nhiệm thay thế. Đây là sự thay đổi lớn nhất trong đội ngũ chuyên trách về an ninh quốc gia Mỹ trong bối cảnh Mỹ sắp tiến hành đàm phán với Triều Tiên.

Từ tin đồn trở thành sự thật

Không phải bây giờ người ta mới nhắc đến sự thay thế Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ mà từ tháng 10 năm ngoái,  tin đồn về việc Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ từ chức đã râm ran  xuất hiện, thậm chí lúc đó báo chí còn đưa tin Giám đốc CIA Mike Pompeo sẽ lên thay thế. Điều này phù hợp với những mâu thuẫn không thể hàn gắn giữa người đứng đầu Bộ Ngoại giao và Tổng thống Mỹ trong nhiều vấn đề, từ đối ngoại đến chính sách, kinh tế….

Trong 14 tháng giữ cương vị người đứng đầu Bộ  Ngoại giao, cựu Ngoại trưởng Mỹ thường xuyên có những tuyên bố trái ngược quan điểm với Tổng thống, mà người ta thường ví là những tuyên bố “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”.  Bất đồng rõ nhất thể hiện trong vấn đề hạt nhân với Triều Tiên, trong khi ông Tillerson nói muốn đàm phán vô điều kiện thì Tổng thống cho rằng nước này muốn đàm phán phải ngừng chương trình hạt nhân hoặc Mỹ đã sẵn sàng cho giải pháp quân sự. Hay cựu Ngoại trưởng Mỹ muốn giữ Thỏa thuận hạt nhân Iran trong khi ông Trump dọa rút, trong cuộc khủng hoảng vùng vịnh vào năm ngoái, Tổng thống cáo buộc Qatar tài trợ cho khủng bố còn người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đi vận động các nước bỏ phong tỏa quốc gia này….

Xuất thân là một doanh nhân, ông Rex Tillerson có nhiều năm kinh nghiệm lãnh đạo Tập đoàn dầu khí hàng đầu nước Mỹ Exxon nhưng dường như con đường chính trị của ông quá ngắn ngủi. Tuy nhiên nhiều quan điểm của ông lại nhận được sự ủng hộ của dư luận. Tờ Washington Post bình luận, ông Tillerson là một trong số ít những người thực tế trong Chính quyền Mỹ cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis. Ví dụ như ông  thừa nhận các mối đe dọa từ Nga, ủng hộ thỏa thuận khí hậu Paris hay kiên định với Hiệp định hạt nhân Iran. Tuy nhiên những điều này khiến cho mối quan hệ với Nhà Trắng gặp trắc trở, và điều phải đến đã đến, ông phải ra đi nhường ghế cho một người được cho là có “cùng cách suy nghĩ” với Tổng thống hơn.

Ông Mike Pompeo- người thay ông Tillerson làm Ngoại trưởng Mỹ

Ông Mike Pompeo- người thay ông Tillerson làm Ngoại trưởng Mỹ

Điều gì chờ đợi tân Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ?

Quyết định chớp nhoáng của Tổng thống Mỹ đề cử ông Mike Pompeo, Giám đốc CIA  lên làm Bộ trưởng Ngoại giao  sẽ cần  phải được nghị viện thông qua,  ông Tillerson chỉ chấm dứt hoàn toàn nhiệm  vụ của mình vào cuối tháng 3.  Ông Pompeo, 54 tuổi, người được coi là thân cận nhất với Tổng thống Trump. Ông Pompeo vốn là một cựu quân nhân, thương gia đồng thời là một nghị sĩ Mỹ, ông được Tổng thống Trump đánh giá là người sẽ khô phục vị thế của Mỹ trên thế giới, làm cho các đồng minh vững mạnh và ngăn chặn kẻ thù, đồng thời tìm cách để giải trừ hạt nhân trên báo đảo Triều Tiên.

Thực tế là những công việc quan trọng và phức tạp nhất đối với ngành ngoại giao Mỹ đang ở ngay trước mắt, khi mà tháng 5 tới đây Mỹ và Triều Tiên sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh, nhưng thực chất các cuộc đàm phán giữa giới chức 2 nước có thể sẽ mất vài tháng hoặc vài năm. Điều này đòi hỏi, Ngoại trưởng Mỹ phải là người thực thi các chính sách đồng thời giải thích các chính sách của Tổng thống với thế giới. Theo các nhà phân tích chính trị, động thái này cho thấy Tổng thống Mỹ đang muốn kiểm soát chặt hơn chính sách đối ngoại, nhằm thực thi những cam kết của mình thời ông còn vận động tranh cử.

Ông Pompeo là người có quan điểm cứng rắn, ông cương quyết phản đối thỏa thuận hạt nhân với Iran và cho đây là “cái gai” cho chính sách Trung Đông của Mỹ. Về chương trình hạt nhân mà Triều Tiên đang theo đuổi , theo ông Pompeo, nó đe dọa an ninh của Mỹ.

Bên cạnh đó người đứng đẩu Bộ Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo sẽ phải đối mặt với một thách thức khác như sự trỗi dậy của Trung Quốc, giải quyết mối quan hệ với Nga, các nước châu Âu, cuộc chiến ở Afghanistan hay xung đột ở Syria và các khu vực khác ở Trung Đông….

Sự thay đổi nhân sự ở Chính phủ Mỹ sẽ kéo theo nhiều thay đổi kể cả trong lĩnh vực kinh tế và thương mại của Mỹ với thế giới.  Còn quá sớm để biết tác động của việc thay đổi này đến chính sách ngoại giao tiếp theo của Mỹ, nhưng một điều chắc chắn rằng nó sẽ “tương thích” với chính sách của Tổng thống hơn người tiền nhiệm Tillerson.


Hải Yến
Ý kiến của bạn