Thế giới phản đối hành động của Thổ Nhĩ Kỳ

14-10-2019 06:37 | Quốc tế
google news

SKĐS - 5 ngày sau chiến dịch tấn công người Kurd ở miền Bắc Syria, cộng đồng quốc tế tiếp tục kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt chiến dịch quân sự nguy hiểm này, đồng thời áp đặt nhiều biện pháp cứng rắn nhằm vào Ankara.

Hàng nghìn người đã xuống đường tham gia các cuộc tuần hành tại nhiều nước châu Âu để phản đối chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào người Kurd ở Syria. Tại Thủ đô Paris của Pháp, các nhà tổ chức cho biết có hơn 20.000 người đã tham gia cuộc tuần hành sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đẩy mạnh chiến dịch quân sự nhằm vào các thị trấn ở khu vực Đông Bắc Syria hiện do lực lượng người Kurd kiểm soát. Tuy nhiên, cảnh sát Paris ước tính chỉ có khoảng 4.000 người tham gia cuộc tuần hành này. Các cuộc tuần hành tương tự cũng diễn ra tại nhiều thành phố lớn của Pháp như Marseille, Bordeaux, Lille, Grenoble và Strasbourg, nơi đặt trụ sở của Nghị viện châu Âu (EP). Tại Berlin (Đức), Vienna (Áo), Athens (Hy Lạp), Budapest (Hungaria), Zurich (Thụy Sĩ), Stockholm (Thụy Điển) cùng nhiều thành phố lớn khác ở Hà Lan, Ba Lan, Bỉ,... cũng diễn ra các cuộc tuần hành phản đối hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria.

Quang cảnh hoang tàn ở vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria sau các cuộc tấn công trực diện của Ankara.

Quang cảnh hoang tàn ở vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria sau các cuộc tấn công trực diện của Ankara.

Chính phủ một số nước châu Âu như Đức và Pháp đã có động thái phản ứng đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Pháp cho biết đã ngừng toàn bộ việc bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cảnh báo Ankara rằng chiến dịch quân sự mà nước này đang tiến hành tại miền Bắc Syria đe dọa tới an ninh châu Âu. “Với kỳ vọng chiến dịch quân sự này sẽ chấm dứt, Pháp đã quyết định dừng mọi kế hoạch xuất khẩu vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ mà có thể được sử dụng cho chiến dịch này. Quyết định sẽ có hiệu lực ngay lập tức”, tuyên bố chung của Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Pháp cho biết. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết, Berlin đã cấm xuất khẩu vũ khí tới Thổ Nhĩ Kỳ như một phản ứng với chiến dịch quân sự của Ankara nhằm vào lực lượng dân quân Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại miền Bắc Syria.

Trong một nỗ lực khác, Liên đoàn Arab (AL) ngày 12/10 đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đưa ra các biện pháp nhằm buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải ngừng chiến dịch quân sự của nước này vào Syria và “ngay lập tức” rút quân khỏi quốc gia Arab này. Một thông cáo báo chí sau Hội nghị Ngoại trưởng các nước Arab cũng đã kêu gọi HĐBA đình chỉ hỗ trợ về quân sự và tình báo mà có thể trợ giúp cho cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. Thông cáo khẳng định các nước Arab bác bỏ âm mưu của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc áp đặt “những thay đổi về nhân khẩu học” ở Syria bằng cái gọi là “vùng an toàn”.

Theo một bản dịch của cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình Deutsche Welle của Đức, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 12/10 đã bác bỏ một đề nghị của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc trung gian hòa giải giữa Ankara với Các lực lượng bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) nhằm ngừng cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Cavusoglu nêu rõ: “Chúng tôi không trung gian, đàm phán với khủng bố. Điều duy nhất những kẻ khủng bố đó cần làm là buông vũ khí... Trong quá khứ, chúng tôi đã cố gắng giải pháp chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ và chúng tôi đã chứng kiến điều gì xảy ra”.

Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ từng nhiều lần tranh cãi về vấn đề các tay súng người Kurd. Trước đây, Washington luôn bảo vệ nhóm đối tượng này bởi YPG và Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) được coi là đối tác đáng tin cậy nhất của Mỹ trong cuộc chiến chống IS tại khu vực chiến lược Đông Bắc Syria. Tuy nhiên, gần đây, Tổng thống Donald Trump đã thông báo rút quân khỏi Đông Bắc Syria, quyết định mang tính chất mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch quân sự vào khu vực này.

Về phần mình, Iran đã đề nghị làm trung gian cho các cuộc đàm phán giữa người Kurd (Cuốc) tại Syria, Chính phủ Syria và Thổ Nhĩ Kỳ để thiết lập an ninh dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria sau khi Ankara tiến hành chiến dịch quân sự chống người Kurd tại miền Bắc Syria.

Giới phân tích nhận định, hành động đưa quân vào Syria lần này mà chưa được sự cho phép của Damacus tương tự như chiến dịch quân sự xuyên biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria mang tên “Lá chắn sông Euphrates” hồi năm 2016, có nguy cơ kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm. Syria coi đây là hành vi xâm phạm chủ quyền, làm trầm trọng thêm những căng thẳng trong quan hệ vốn đã nhiều bất đồng lâu nay giữa Ankara và Damascus.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria cần được khôi phục hoàn toàn. Tổng thống Putin nhấn mạnh, tất cả quân đội các quốc gia khác đang hiện diện trên lãnh thổ Syria cũng cần phải rời khỏi nước này. Ông kêu gọi: “Tất cả những người hiện diện bất hợp pháp trong lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào, trong trường hợp này là Syria, đều phải lập tức rời khỏi vùng lãnh thổ này. Và sự toàn vẹn lãnh thổ của Cộng hòa Arab Syria phải được khôi phục hoàn toàn”. Nhà lãnh đạo Nga cũng nêu rõ, Nga sẵn sàng rút quân đội khỏi Syria nếu chính quyền hợp pháp của nước này không còn cần tới sự trợ giúp của Moskva. Theo Tổng thống Putin, ông đã nhiều lần thảo luận cởi mở về vấn đề này với các đối tác Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, song không công bố thêm các thông tin chi tiết.


N.Minh
Ý kiến của bạn