Tấn công khủng bố ở nhà thờ Hồi giáo tại New Zealand
Vụ tấn công khủng bố ở nhà thờ Hồi giáo Al Noor và Linwood Masjid, New Zealand hôm 15/3 được coi là ngày đẫm máu trong lịch sử nước này. Khi thực hiện vụ xả súng hàng loạt tại các nhà thờ Hồi giáo - kẻ xả súng còn phát trực tiếp đoạn video vụ tấn công của mình bằng một máy quay được gắn trên đầu. Vụ tấn công đã cướp đi sinh mạng của 50 người. Tuy nhiên hình ảnh đọng lại trong vụ tấn công lại là hình ảnh của Nữ Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern trong chiếc khăn trùm đầu đi đến từng nhà nạn nhân chia sẻ, động viên họ vượt qua mất mát. Những thông điệp bằng hình ảnh về tình yêu thương, sự sẻ chia của Thủ tướng New Zealand đã chạm tới trái tim của mọi người ở khắp nơi trên thế giới.
Cháy nhà thờ Đức bà Paris
Vào ngày 15/4, nhiều người dân Paris, Pháp đã bật khóc khi chứng kiến biểu tượng văn hóa của Pháp và châu Âu với hàng trăm năm tuổi bị ngọn lửa khổng lồ nuốt trọn. Nhà thờ Đức Bà Paris được coi là trái tim của Thủ đô Paris hoa lệ, là biểu tượng của tinh thần văn hóa Pháp và là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm thơ ca nổi tiếng thế giới. Nhà thờ Đức Bà Paris là công trình tôn giáo tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Gothic ở Pháp, cũng là nhà thờ chính của Tổng giáo phận Paris. Nhà thờ được xây dựng từ năm 1163 và hoàn thành năm 1345.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tác động không nhỏ tới nền kinh tế thế giới.
Đánh bom tự sát ở Sri Lanka gây thương vong lớn
Ngày 21/4 sẽ được người dân Sri Lanka và khắp thế giới nhớ đến bởi đã xảy ra hàng loạt vụ đánh bom ở các khách sạn hạng sang và 3 nhà thờ ở Sri Lanka khiến 257 người thiệt mạng, 500 người bị thương, trong đó có nhiều người nước ngoài thuộc nhiều quốc tịch khác nhau. Các vụ đánh bom liên tiếp xảy ra vào đúng dịp lễ Phục sinh. Kẻ chủ mưu được xác định là một giáo sĩ người Ấn Độ và có liên hệ với các phần tử cực đoan.
Thủ tướng Anh từ chức - Brexit chưa xong
Cuộc khủng hoảng Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) lâm vào bế tắc, đánh dấu bằng sự ra đi của Thủ tướng Anh Theresa May. Ngày 24/5, Thủ tướng Anh Theresa May đã phải tuyên bố từ chức sau 3 năm lãnh đạo đất nước vì không nhận được sự ủng hộ của Quốc hội cho kế hoạch Brexit sửa đổi của mình, phần lớn nhiệm kỳ của bà là để giải quyết vấn đề Anh rời khỏi EU. Cho đến cuối năm, nước Anh vẫn chưa thể ra khỏi Liên minh này như cam kết, thời hạn để Anh rời khỏi EU tiếp tục được lùi vào năm sau.
Cháy rừng Amazon
Thảm họa cháy rừng nhiệt đới Amazon khiến nhiều quốc gia trên thế giới phải lên tiếng bởi 60% diện tích khu rừng này thuộc về Brazill, trải rộng trên 8 quốc gia Nam Mỹ và vùng lãnh thổ khác. Rừng Amazon được mệnh danh là “lá phổi của hành tinh” cung cấp 20% lượng ôxy cho khí quyển trái đất, là nơi có hệ động, thực vật phong phú bậc nhất trên thế giới. Năm 2019, số vụ cháy rừng trên khắp Brazil đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2013. Hàng chục nghìn đám cháy rừng đã thực sự trở thành thảm họa đối với Brazil và toàn thế giới. Khắp nơi trên thế giới kêu gọi “Cứu lấy rừng Amazon”.
Luận tội Tổng thống Mỹ
Ngày 19/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức trở thành Tổng thống thứ 3 bị luận tội trong chiều dài 240 năm lịch sử của nước Mỹ. Kết quả trên khép lại chuỗi ngày kể từ khi Chủ tịch hạ viện Nancy Pelosi tuyên bố mở cuộc điều tra luận tội đối với ông Trump hồi tháng 9. Tổng thống bị cáo buộc gây sức ép với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trong cuộc điện đàm hồi tháng 7 để nước này điều tra Joe Biden và con trai Hunter. Ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden được coi là đối thủ lớn nhất của Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. Ông Trump bị Hạ viện cáo buộc lạm dụng quyền lực và cản trở quốc hội. Ông sẽ phải đối mặt với phiên xử ở Thượng viện, nơi sẽ quyết định có phế truất ông hay không do vi phạm “trọng tội và hành vi phi pháp” theo hiến pháp Mỹ. Tổng thống Trump chỉ bị phế truất nếu 2/3 trong số 100 thượng nghị sĩ bỏ phiếu đồng ý với các cáo buộc. Khả năng này rất khó xảy ra vì đảng Cộng hòa đang kiểm soát thế đa số tại thượng viện. Dự kiến phiên xử sẽ bắt đầu vào đầu năm sau.
Thương chiến Mỹ - Trung
Cuộc chiến tranh thương mại giữa 2 siêu cường thế giới Mỹ và Trung Quốc kéo dài hơn 1 năm qua tác động không nhỏ tới thị trường toàn cầu và nền kinh tế thế giới. Chiến tranh thương mại leo thang khiến kinh tế của cả hai nước là Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Sau 13 lần đàm phán, Mỹ và Trung Quốc tuyên bố đạt được thỏa thuận giai đoạn 1, dự kiến thỏa thuận sẽ được ký kết vào ngày 15/1 tới. Mỹ coi đây là thỏa thuận quy mô lớn và toàn diện với Trung Quốc, tiến tới đàm phán thỏa thuận giai đoạn 2. Trong khi đó, đối với Trung Quốc, thỏa thuận này sẽ giúp xoa dịu căng thẳng thương mại song phương đã kéo dài hơn 1 năm qua. Tuy nhiên bước sang năm thứ 3 của cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, năm 2020 sẽ là năm đàm phán nhiều khó khăn và căng thẳng hơn giai đoạn 1. Bởi cả Mỹ và Trung Quốc vẫn đang tồn tại những vấn đề mà thỏa thuận giai đoạn một chưa thể giải quyết được, đó là những bất đồng trong chính sách công nghiệp và vấn đề tiếp cận thị trường của Trung Quốc.