Hà Nội

Thế giới lên tiếng trước tình hình bất ổn tại Ukraine

22-02-2014 09:53 | Quốc tế
google news

SKĐS - Tổng thống Ukraine và các đảng đối lập ký thỏa thuận nhằm chấm dứt khủng hoảng và kết thúc cuộc đụng độ đẫm máu ở thủ đô Kiev, dưới sự chứng kiến của các đặc phái viên của Liên minh châu Âu, hôm 21.2.

Tổng thống Ukraine và các đảng đối lập hôm 21/2 ký thỏa thuận nhằm chấm dứt khủng hoảng và kết thúc cuộc đụng độ đẫm máu ở thủ đô Kiev. Thỏa thuận được ký kết tại dinh tổng thống ở thủ đô Kiev, với sự chứng kiến của Tổng thống Viktor Yanukovych, các đặc phái viên của Liên minh châu Âu (EU) và ba thủ lĩnh của phe đối lập.

 

Các phe ở Ukraine đạt được thỏa thuận chấm dứt khủng hoảng. Từ trái qua phải là thủ lĩnh Vitalii Klitschko của đảng Udar, thủ lĩnh Oleh Tyagnybok của đảng Svoboda, Tổng thống Viktor Yanukovych và thủ lĩnh Arseniy Yatsenyuk của đảng Batkivcshchyna. Ảnh: AFP

Các phe ở Ukraine đạt được thỏa thuận chấm dứt khủng hoảng. Từ trái qua phải là thủ lĩnh Vitalii Klitschko của đảng Udar, thủ lĩnh Oleh Tyagnybok của đảng Svoboda, Tổng thống Viktor Yanukovych và thủ lĩnh Arseniy Yatsenyuk của đảng Batkivcshchyna. Ảnh: AFP

Thỏa thuận được ký kết tại dinh tổng thống ở thủ đô Kiev, với sự chứng kiến của Tổng thống Viktor Yanukovych, các đặc phái viên của Liên minh châu Âu (EU) và ba thủ lĩnh của phe đối lập, AFP đưa tin.

Theo thỏa thuận, Hiến pháp năm 2014 sẽ được khôi phục trong vòng 48 giờ và một chính phủ liên kết sẽ được thành lập trong vòng 10 ngày tới. Cải cách Hiến pháp sẽ được triển khai ngay lập tức theo hướng cân bằng quyền lực giữa tổng thống, chính phủ, quốc hội và hoàn tất trước tháng 9 năm nay.

BBC cho hay, thỏa thuận hòa bình cũng yêu cầu cuộc bầu cử tổng thống sẽ được tổ chức sau khi Hiến pháp mới được áp dụng nhưng không muộn hơn tháng 12 năm nay. Một cuộc điều tra các hành vi bạo lực trong thời gian gần đây sẽ được tiến hành dưới sự giám sát chung của các nhà lãnh đạo Ukraine, phe đối lập và Hội đồng châu Âu.

Nội dung bản cam kết chỉ rõ các nhà chức trách sẽ không áp đặt tình trạng khẩn cấp, giới lãnh đạo Ukraine và phe đối lập sẽ kiềm chế không sử dụng bạo lực. Đồng thời, các loại vũ khí bất hợp pháp sẽ được bàn giao cho các cơ quan khác nắm giữ.

Thỏa thuận chốt lại với nội dung các bộ trưởng ngoại giao Pháp, Đức, Ba Lan và đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga kêu gọi chấm dứt ngay lập tức mọi hành vi bạo lực và xung đột.

Các điều khoản của thỏa thuận trên được thông qua sau một cuộc đàm phán kéo dài giữa Tổng thống Yanukovich, đại diện phe đối lập và bộ trưởng ngoại giao của ba nước Đức, Pháp, Ba Lan.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế Ukraine, 77 người thiệt mạng và 577 người bị thương vì các cuộc xung đột ở nước này trong hai ngày qua. Cộng đồng quốc tế bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình trạng bạo lực đẫm máu đang diễn ra tại thủ đô Kiev.

Làn sóng biểu tình chống chính phủ bao trùm Ukraine kể từ cuối tháng 11/2013, sau khi Tổng thống Yanukovych từ chối ký một hiệp định kinh tế với EU và thúc đẩy quan hệ với Nga. Moscow đã cam kết cho Ukraine vay 15 tỷ USD để vực dậy nền kinh tế đang gặp khó khăn

Ngày 21-2, trang web của văn phòng tổng thống Ukraine đã đăng thông cáo chính thức của Tổng thống Viktor Yanukovych.

 

Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych

Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych

Thông cáo ghi nhận ba điểm gồm bầu cử tổng thống trước thời hạn, áp dụng trở lại hiến pháp 2004 (giảm quyền hạn tổng thống, tăng quyền hạn chính phủ và Quốc hội) và thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc.

Đây là các nhượng bộ đạt được trong cuộc đàm phán giữa tổng thống Ukraine, ba ngoại trưởng châu Âu (Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski), Nga và phe đối lập.

Reuters ghi nhận cuộc đàm phán kéo dài suốt đêm 20-2 đã tạm ngưng một lúc vào sáng 21-2, sau đó tiếp tục trước buổi trưa cùng ngày.

Cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu ngã về phe đối lập Ukraine và đe dọa sẽ tiến hành các biện pháp cấm vận đối với các nhà lãnh đạo Ukraine trong khi Nga mong muốn chính phủ Ukraine nhanh chóng ổn định tình hình vì đang có âm mưu lật đổ chính quyền.

Hôm 20-2, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Obama. Sau đó, Đức ra thông cáo cho biết ba bên đều mong muốn một giải pháp chính trị nhanh nhất có thể để giải quyết khủng hoảng Ukraine và chấm dứt đổ máu.

Cùng ngày, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố chính phủ Ukraine phải hoạt động hiệu quả và hợp pháp chứ đừng để người ta sử dụng như tấm thảm lau chân. Ông kêu gọi Ukraine phải tập trung bảo vệ các lực lượng an ninh đang bảo vệ lợi ích quốc gia và nhân dân.

Ông khẳng định: “Chúng tôi tiếp tục hợp tác với đối tác Ukraine trong mọi lĩnh vực. Chúng tôi sẽ làm hết sức để thực hiện các cam kết nhưng đối tác của chúng tôi phải vững mạnh”.

 

Vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Trong ảnh: Tổng thống Nga Putin (trái) hội đàm với Tổng thống Ukraine V. Yanukovich.

Vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Trong ảnh: Tổng thống Nga Putin (trái) hội đàm với Tổng thống Ukraine V. Yanukovich.

Trả lời đài phát thanh Tiếng vọng Moscow (Nga), người phát ngôn của Tổng thống Nga tuyên bố Nga sẽ thực hiện các cam kết với Ukraine sau khi tình hình đã trở lại bình thường ở Ukraine. Điều này có thể hiểu Nga tạm dừng cấp khoản vay thứ hai 15 tỉ USD để chờ Ukraine ổn định tình hình.

Đây là lần đầu tiên Nga trực tiếp đưa ra điều kiện liên quan đến tiền vay cấp cho Ukraine.

Trong khi đó, hãng tin RIA Novosti (Nga) đưa tin ngày 21-2, Bộ Nội vụ Ukraine thông báo lúc 10 giờ 30, những người biểu tình đã vi phạm lệnh hưu chiến, nổ súng bắn vào cảnh sát ở Kiev. Bộ Nội vụ đã yêu cầu dừng ngay các hoạt động tội phạm.

 

Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình tại Kiev. Ảnh: Reuters

Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình tại Kiev. Ảnh: Reuters

Quốc hội Ukraine đã thông qua nghị quyết cấm tiến hành chiến dịch chống khủng bố do Cục An ninh và trung tâm Chống khủng bố phát động hôm 19-2. Nghị quyết cũng cấm quân đội tham gia chiến dịch chống khủng bố và đưa quân trở về doanh trại ngay.

Ngày 21-2, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Yuri Dumansky thông báo đã gửi thư từ chức. Ông cho biết quân đội đang can dự vào xung đột dân sự và điều này không thể chấp nhận được vì có thể dẫn đến thương vong thêm nữa.

Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã lên án việc gây đổ máu ở Ukraine và kêu gọi quân đội Ukraine không can dự vào khủng hoảng chính trị. Ông cho biết NATO sẽ đặt lại vấn đề hợp tác với Ukraine nếu quân đội can thiệp chống lại phe đối lập. Ông nhấn mạnh đàm phán là con đường duy nhất để đạt đến giải pháp hòa bình ở Ukraine.

Trả lời phương tiện truyền thông trước việc Hoa kỳ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Ukraine, và việc EU yêu cầu Ukraine tiến hành bầu cử tổng thống trước thời hạn cũng trong thời gian gần đây đã bùng nổ một cuộc chiến thông tin, còn trên các phương tiện truyền thông đại chúng luôn xuất hiện các cáo buộc về sự lôi kéo của Nga vào các sự kiện tại Ukraine, Bộ trưởng Ngoại giao LB Nga Sergey V. Lavrov tuyên bố:

Chúng tôi quan ngại một cách sâu sắc nhất trước những gì đang diễn ra tại Ukraine và cụ thể, là trước việc người ta tại các thủ đô của các nước phương Tây đang bình luận động thái này và mưu toan gây ảnh hưởng tới nó như thế nào. Các phương tiện truyền thông đại chúng tung ra thông tin cực kỳ sai lệch, nhồi nhét những công thức đơn giản, ví dụ: phương Tây kêu gọi Chính phủ Ukraine không động đến Maidan (quảng trường Độc lập tại Kiev-ND). Đồng thời người ta không thích nói rằng, Maidan đó là gì. Người ta không bình luận và không giải thích cho khán giả cả việc đốt các ô tô, ném các “bom xăng” vào các nhân viên cảnh sát, cả việc giết người tại trụ sở của "Đảng các địa phương" bị các phần tử cực đoan chiếm giữ. Cũng im tiếng về cả những trường hợp sử dụng bạo lực đối với các thống đốc tỉnh tại các địa phương khác nhau của Ukraine, và những sự việc liên quan đến những trường hợp chiếm "một cách thành công" các kho vũ khí. Người ta kêu gọi chỉ thuần túy phía chính phủ “chấm dứt bạo lực đối với những người rõ ràng chỉ biểu tình hòa bình”.

Chính phủ và Tổng thống Ukraine đã nhiều lần thể hiện thiện chí, đề nghị thỏa hiệp, đã thỏa thuận, cụ thể, về việc thả những người bị bắt giữ tại Maidan để đổi lấy việc giải phóng các tòa nhà của chính phủ. Chính phủ đã thực hiện phần mình trong thỏa thuận này, còn phe đối lập thì xé bỏ nó. Trong các buổi tường thuật truyền tin của các phưưong tiện truyền thông phương Tây từ nơi xảy ra sự kiện các Bạn sẽ khó mà tìm được việc đề cập tới một tổ chức như "Cánh hữu", mà các thành viên của tổ chức này đã công khai tuyên bố rằng, sẽ không hợp tác cả với Chính phủ lẫn phe đối lập và coi là cần thiết như thế nào thì sẽ hành động như vậy. Đồng thời họ đang có những hành động cực đoan, kể cả sử dụng vũ lực một cách thường xuyên.

Phe đối lập không thể hoặc không muốn phân định ranh giới trước những phần tử cực đoan, còn các đối tác của chúng tôi ở Châu Âu và Hoa Kỳ thì gán toàn bộ tội cho chính quyền Ukraine và không đánh giá một cách đúng đắn hành động của những phần tử cực đoan. Động thái này gây quan ngại cho chúng tôi, bởi vì ở đây đã rõ ràng những chuẩn mực kép. Thay vì cho việc đó, người ta đang đe dọa áp dụng các biện pháp trừng phạt, còn người Mỹ thì đã áp dụng các biện pháp này đối với một số đại diện của ban lãnh đạo Ukraine rồi tức là bằng cách này khuyến khích phe đối lập không nhượng bộ, và gián tiếp, nếu không phải là trực tiếp, đã cổ xúy các phiến quân tiếp tục vi phạm luật pháp tràn lan. EU cũng đang chuẩn bị thảo luận việc áp dụng trừng phạt chống lại ban lãnh đạo Ukraine, trong khi làm việc này song song với việc cử đến Kiev một phái bộ "không mời mà đến" tiếp theo. Làm sao có thể chắc rằng, các hỗ trợ của Bạn sẽ là cần thiết, nếu việc đe dọa trừng phạt biến chiến dịch này giống như sự dọa dẫm.

Những gì đang phát ra từ Washington những ngày nay đang làm cho chúng tôi ngạc nhiên. Cụ thể, một nguồn nặc danh nào đó tuyên bố rằng, Washington không thể gọi điện thoại được đến những lực lượng sức mạnh của Ukraine. Còn một điều thất vọng nữa của các vị đại diện Hoa Kỳ như họ tự mình nói, là việc họ không hiểu quan điểm của Nga và không biết Nga đã nói với các vị đại diện của Ukraine về việc gì. Quan điểm của chúng tôi là vô cùng rõ ràng. Chúng tôi tuyên bố về quan điểm này một cách công khai và chúng tôi không nói gì với các bạn đồng nghiệp Ukraine của chúng tôi mâu thuẫn với quan điểm đó. Quan điểm là thế này, người Ukraine phải tự mình giải quyết, trong khuôn khổ phạm vi hiến pháp của mình, mà không có những đề xuất ràng buộc phải tiếp phái bộ này hay phái bộ khác - những phái bộ phần lớn là không được mời mà vẫn đến. Quan điểm của chúng tôi là các tay chơi từ phía ngoài, cũng như phe đối lập Ukraine, phải kiên quyết và khẩn cấp phân định ranh giới với những phần tử cực đoan, những kẻ cấp tiến và những kẻ theo chủ nghĩa bài Do Thái các loại. Điều này phải được làm một cách phân minh rành rọt và cố gắng biến những lời của mình thành những việc cụ thể.

Nga chẳng có gì mà phải che đậy. Nhưng chúng tôi, có lẽ, mong muốn biết them về việc các vị đại diện của các nước phương Tây đang làm gì gần như hàng ngày tại Ukraine, kể cả vị Cao uỷ tối cao của EU về đối ngoại và chính sách an ninh Bà K.Eshton đáng kính. Tất cả mọi người đều biết trường hợp, khi vào cuối tháng 1 năm nay, trong chuyến thăm thường kỳ của mình đến Kiev Bà K.Eshton đã gặp gỡ với các phóng viên, mà người ta đã không cho những đại diện của các phương tiện truyền thông đại chúng của Nga đã đăng ký có mặt tại cuộc gặp gỡ này.

Còn một điều quan trọng nữa - đã đến lúc phải chấm dứt các mưu toan sử dụng Ukraine như đồng tiền để trao đổi trong trò chơi địa chính trị này, đưa ra những lời kêu gọi khác nhau đối với ban lãnh đạo Ukraine - những lời kêu gọi được tạo nên trong chiều hướng "hoặc với chúng ta, hoặc chống lại chúng ta". Chắc chắn các Bạn đã nghe thấy nhiều lần rồi từ các thủ đô các nước Tây Âu đã xuất hiện những yêu cầu đảm bảo cho nhân dân Ukraine sự tự do lựa chọn – đồng thời nói them rằng đó là sự lựa chọn thuận cho Liên minh Châu Âu. Mục đích ép buộc một sự lựa chọn như thế này cho ban lãnh đạo Ukraine là rõ ràng cả trong những sáng kiến đang được đưa ra, và trong những đòi hỏi phải tiến hành các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống trước thời hạn, thành lập chính phủ liên minh. Người ta đang mưu toan quyết định thay cho Ukraine. Từ Washington đã có những tuyên bố, rằng tất cả những thay đổi này phải dẫn đến việc là làm sao để Ukraine hoàn toàn hội nhập được vào cộng đồng thế giới. Điều này cảm tưởng như lạ lùng, bởi vì Ukraine là một thành viên đầy đủ quyền hạn của Liên hợp quốc, hơn nữa còn là một nước sáng lập LHQ, và đồng thời còn là thành viên của Hội đồng Châu Âu và OSCE. Còn sự hội nhập nào đây đủ hơn vào cộng đồng thế giới có thể ép buộc cho đất nước này? Sự hội nhập vào Liên minh Châu Âu hay NATO? Nếu đó là cộng đồng thế giới đích thực trong con mắt của các đối tác phương Tây của chúng tôi, thì chúng tôi không thể đồng ý với điều này được.

Chúng tôi phản đối những đường phân chia và chủ trương làm sao để không bao giờ thúc đẩy lợi ích của mình mà làm tổn hại đến lợi ích của các đối tác. Chúng tôi ủng hộ việc làm sao để chính quyền Ukraine và phe đối lập thỏa thuận được trong khuôn khổ hiến pháp và pháp quyền, làm thế nào vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay, và liên kết được các nỗ lực của mình chống lại những kẻ cực đoan đang mưu toan khiêu khích gây một cuộc nội chiến.

 

Hiện có khoảng 10.000 người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống tại U-crai-na, chủ yếu tại các thành phố lớn như Khác-cốp, Ô-đét-sa, Ki-ép, Đô-nét-xơ, Khe-rơ-on.

Ngay khi bạo lực có dấu hiệu leo thang tại U-crai-na, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại U-crai-na hướng dẫn các hội, đoàn và cộng đồng người Việt tránh tới những địa điểm không bảo đảm an ninh, an toàn. Cho đến nay, chưa có thông tin về công dân Việt Nam bị thiệt hại do biểu tình, đụng độ tại Ki-ép. Đại sứ quán Việt Nam tại U-crai-na đang tiếp tục theo dõi sát tình hình để kịp thời có các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.

Công dân Việt Nam có thể liên lạc với Đại sứ quán qua các đường dây nóng 380503320535/ 380503359097; hoặc người thân tại Việt Nam có thể liên hệ với Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao theo số điện thoại 0918370497 để được hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời trong các trường hợp khẩn cấp.

 

LiLy (tổng hợp thông tin từ ĐSQ Nga, Bộ Ngoại giao, VnExpress, Pháp luật,....)

 

 


Ý kiến của bạn