Hà Nội

Thế giới lên án “vùng cấm tàu cá nước ngoài” của Trung Quốc

13-01-2014 07:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Sự kiện chính quyền tỉnh Hải Nam âm thầm biến khu vực bên trong đường lưỡi bò của Trung Quốc trên biển Đông thành nơi có thể gọi là “vùng cấm tàu cá nước ngoài”,

Sự kiện chính quyền tỉnh Hải Nam âm thầm biến khu vực bên trong đường lưỡi bò của Trung Quốc trên biển Đông thành nơi có thể gọi là “vùng cấm tàu cá nước ngoài”, đã bị các nhà  phân tích quốc tế đánh giá là phi pháp, có nguy cơ làm tình hình Biển Đông thêm căng thẳng.

Trang mạng Washington Free Beacon đã đưa tin rất sớm (ngày 8/1/2014) về quy định này, đây là lần đầu tiên Trung Quốc luật hóa một cách rõ ràng đòi hỏi chủ quyền của họ trên vùng biển Đông đang tranh chấp với Philippines, Malaysia, Brunei... Theo trang mạng nói trên, nhiều nhà phân tích nhận định rằng, động thái của Trung Quốc sẽ làm dấy lên những căng thẳng mới trong khu vực. Chuyên gia về Trung Quốc John Tkacik, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, thẩm định: “Đây là một diễn biến không phải là bất ngờ”. Theo chuyên gia này, quyết định của tỉnh Hải Nam nằm trong chiến lược từng bước siết chặt quyền kiểm soát của Trung Quốc trên vùng biển Đông, mà bước trước đây chính là việc công khai hóa tấm bản đồ hình lưỡi bò rất mơ hồ về mặt pháp lý. Biện pháp cấp tỉnh vừa được ban hành, theo ông Tkacik, có thể là một quả bóng nhằm thăm dò phản ứng của khu vực và quốc tế.

Hành động của Trung Quốc bị quốc tế đồng loạt lên án.

Đối với giáo sư Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia, quyết định của chính quyền tỉnh Hải Nam có thể được coi là “một hành động leo thang nghiêm trọng của Trung Quốc trong việc áp đặt quyền tài phán của họ trên các vùng mà họ đòi chủ quyền của họ ở biển Đông”, có mục tiêu hợp pháp hóa một loạt những vụ chặn bắt, bắn phá, tịch thu tài sản, bắt nộp phạt mà Trung Quốc đã tiến hành từ trước đây đối với ngư dân Việt Nam và Philippines. Theo giáo sư Thayer, chỗ yếu trong các quy định mới của Trung Quốc chính là tính chất pháp lý. Nếu Trung Quốc thực hiện công việc mà họ gọi là thực thi luật pháp trong vùng hải phận quốc tế ở biển Đông, thì các hành vi đó sẽ bị đồng hóa với hoạt động cướp biển do một nhà nước tiến hành. Một số chuyên gia đã ghi nhận tính chất bao quát của khu vực nơi Trung Quốc áp dụng các quy định mới. Phải chăng là đối tượng mà Trung Quốc nhắm tới không phải là mọi nước, mà chỉ tập trung vào một số quốc gia?

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki nói tại một cuộc họp báo hôm thứ năm, 9/1: “Việc đưa ra các hạn chế đối với hoạt động ngư nghiệp của các quốc gia khác tại các khu vực tranh chấp của biển Đông là hành động khiêu khích. Trung Quốc chưa đưa ra giải thích nào hay cơ sở nào theo luật quốc tế để minh chứng cho các tuyên bố chủ quyền rộng lớn này”. Người phát ngôn Hoa Kỳ cũng nhắc lại rằng lập trường lâu nay của Mỹ là “tất cả các bên liên quan cần tránh có các hành động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng và cản trở khả năng giải quyết các khác biệt thông qua con đường ngoại giao hay bằng các biện pháp hòa bình khác”.

Khu vực mà Trung Quốc đòi tàu cá nước ngoài phải xin phép mới được hoạt động rộng tới 2 triệu km2, tức hơn 2/3 diện tích biển Đông, bao gồm không chỉ các đảo mà còn nhiều tuyến hàng hải cùng các khu vực được cho là có trữ lượng dầu khí lớn. Giới chức Trung Quốc dọa tàu cá nước ngoài hoạt động không phép sẽ bị tịch thu ngư cụ, tài sản và phạt tới 500.000 nhân dân tệ (83.000 USD).

(Theo BBC,RFI, Washington Free Beacon)

BQT

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị: “Tất cả các hoạt động của nước ngoài trong các vùng biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền mà không có sự chấp thuận của Việt Nam thì đều là bất hợp pháp và không có cơ sở”.

 


Ý kiến của bạn