Hà Nội

Thế giới lệch lạc, méo mó và hơn thế nữa

24-11-2013 21:27 | Quốc tế
google news

Người vẽ tôi là Benjamin Hennig, một giáo sư tại Đại học Oxford, nhưng ông không vẽ tôi theo kiến thức địa lý được học trong trường mà theo số lượng tin tức mà tờ The Guardian của Anh từng đăng tải trong năm 2012 (không tính đến nước Anh).

Tôi là một chiếc bản đồ thế giới.

Người vẽ tôi là Benjamin Hennig, một giáo sư tại Đại học Oxford, nhưng ông không vẽ tôi theo kiến thức địa lý được học trong trường mà theo số lượng tin tức mà tờ The Guardian của Anh từng đăng tải trong năm 2012 (không tính đến nước Anh).

Thế giới lệch lạc, méo mó và hơn thế nữa 1

Theo cách tiếp cận này, diện tích một quốc gia không quan trọng bằng những gì mà báo chí đăng tải về quốc gia đó. Và kết quả là nước Mỹ lớn hơn cả trí tưởng tượng của Washington, người đã mở mang xứ sở này. Israel, một quốc gia chỉ rộng hơn 20.000km2 nhưng những mâu thuẫn trên mảnh đất vừa là quê hương vừa là thánh địa của Do Thái giáo này đã khiến nó luôn nằm trong tâm điểm của thế giới và bởi vậy mà nó còn to hơn cả Ấn Độ. Còn nước Nga, quốc gia lớn nhất thế giới, chỉ hiện diện như một rẻo đất nhỏ ở phía Bắc bán cầu. Tội nghiệp nhất là châu Phi. Nó teo tóp như một cái dải khoai trên vùng đất cằn - cằn cỗi cả về đời sống lẫn sự quan tâm.

Tin tức, suy cho cùng cũng là vì con người và về con người. Nhưng một quốc gia đông dân không có nghĩa là sẽ có nhiều tin. Tin tức không phải là những gì đang diễn ra, mà chỉ là những sự kiện mà báo chí muốn đăng tải. Chính sự lệch lạc này dẫn đến việc con người đang nhìn nhận thế giới theo cách mà các tờ báo đưa tin, chứ không phải như thế giới vốn có.

Và tôi, cái bản đồ thế giới tin tức đó, đang vẽ lên một sự thật méo mó: Châu Á có dân số gấp 12 lần châu Mỹ, gồm hơn 50 quốc gia, nhưng diện tích cũng chỉ bằng Bắc Mỹ mà thôi. Một nghiên cứu mới đây của Oxford Internet Institute đã thống kê các sự kiện diễn ra trên thế giới trong vòng 30 năm qua. Theo đó, nơi “lắm chuyện” nhất là châu Á: 32,6 triệu sự kiện, tiếp đó là châu Mỹ (31,6 triệu), châu Âu (28,2 triệu). Trung Đông có 23,5 triệu sự kiện, gấp hơn 3 lần Nam Mỹ và gần 7 lần châu Úc. CEO của Public Radio International, một đài phát thanh hoạt động trên quy mô toàn cầu, từng thừa nhận hãng không hề có phóng viên và văn phòng thường trú ở châu Phi, Ấn Độ và Nam Mỹ, nơi có hơn 2 tỷ dân đang sinh sống.

Tôi tin là có hàng tỷ câu chuyện đáng kể, đáng ghi ở những vùng đất mà báo chí làm ngơ hay vắng mặt. Và đó mới là một thế giới thật.

Bản đồ thế giới tin tức


Ý kiến của bạn